Phương châm xây dựng nông thôn mới là: dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi

13/09/2011 - 16:20
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Q.H

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2011-2015, xây dựng nông thôn mới đã được Tỉnh ủy xác định là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và sẽ được thực hiện đến hết nhiệm kỳ. Để việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả, ngày 12-9-2011, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị triển khai quán triệt Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy “Về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020” và Kế hoạch số 22 của Tỉnh ủy về triển khai, quán triệt Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong - Bí thư Tỉnh ủy, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Phong Hải – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu được triển khai, quán triệt sâu sắc các nội dung cơ bản của Nghị quyết, gồm: thực trạng nông thôn của tỉnh; quan điểm, phương châm, mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2020; những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và cách tổ chức thực hiện. Hội nghị thống nhất, việc xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ cách mạng mang tính tổng hợp, có nội dung toàn diện trên các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, chính trị, an ninh - quốc phòng, có tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, vật chất, tinh thần của hơn 70% dân số tỉnh. Đặc biệt, Nghị quyết có nêu rõ, một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện thành công xây dựng xã nông thôn mới là cần tập trung công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, phương pháp tổ chức thực hiện…

“Cái khó” mà địa phương còn lúng túng là xây dựng quy hoạch tổng thể và đề án xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, các cấp ủy Đảng, lãnh đạo địa phương cần tập trung tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân nông thôn, hiểu được vai trò, trách nhiệm và lợi ích của mình trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Từ đó, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao và sự tích cực hưởng ứng của mọi người. Phương châm xây dựng nông thôn mới là: dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi.

Để thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết đề ra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải do xã làm là chính, có sự chỉ đạo, hỗ trợ của huyện, tỉnh và đơn vị tư vấn. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng khai thác, phát huy tối đa mọi tiềm năng, thế mạnh, lợi thế, đa dạng hóa ngành nghề nông thôn. Nguồn lực để thực hiện cần huy động tổng hợp, gồm: vốn của Nhà nước hiện có của các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu, đóng góp của người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn hợp pháp khác. Đặc biệt, phải xem trọng nguồn vốn tín dụng để cùng nguồn vốn ngân sách cho đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Việc triển khai xây dựng nông thôn mới phải được tổ chức thực hiện một cách đồng loạt ở tất cả các xã trong tỉnh. Phải kế thừa, lồng ghép với các chương trình, dự án và gắn kết chặt chẽ với các cuộc vận động, các phong trào quần chúng đang được triển khai ở nông thôn, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào nhân dân đóng góp xây dựng hạ tầng nông thôn, đô thị… Trong đó, chủ thể thực hiện và thụ hưởng là nông dân, do vậy cần phát huy cao độ tính tự giác, tự quản và tích cực tham gia của nhân dân trong tất cả các khâu, các công việc…

Quốc Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN