Quê hương đồng khởi, đội quân tóc dài và ba mũi giáp công (kỳ 2)

06/12/2019 - 07:08

Tranh nhân dân phối hợp nội tuyến lấy bót nhà thờ Châu Phú (Giồng Trôm). (ảnh PV chụp lại tại nhà truyền thống Đồng khởi).

Tranh nhân dân phối hợp nội tuyến lấy bót nhà thờ Châu Phú (Giồng Trôm). (ảnh PV chụp lại tại nhà truyền thống Đồng khởi).

Đội quân tóc dài và ba mũi giáp công

Sau hơn 2 tháng nổi dậy, kể từ phát súng đầu tiên ở Định Thủy, nhân dân Bến Tre đã giải phóng và làm chủ hầu hết vùng nông thôn, lực lượng ta lớn mạnh gấp hơn 20 lần trước Đồng khởi, khiến cho kẻ thù vô cùng khiếp sợ. Ngô Đình Diệm lo lắng nhận định: “Cái ung nhọt Kiến Hòa rất nguy hiểm, nếu không loại trừ ngay thì sẽ sụp đổ chế độ” .                

Ngày 25-3-1960, Diệm cho mở chiến dịch gọi là “Bình trị Kiến Hòa”. Địch đã đưa hàng ngàn quân hỗn hợp, kể cả lực lượng chủ lực như thủy quân lục chiến, lính dù, biệt kích, có pháo binh, xe tăng, tàu chiến và máy bay tham chiến, tổng cộng trên dưới 10 ngàn quân, do Bộ tổng Tham mưu ngụy trực tiếp chỉ huy, bao vây 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh nhằm tiêu diệt “Bộ chỉ huy” của Việt cộng gây ra bạo loạn đang ẩn náu ở đây.

Càn quét lần này, đi đến đâu chúng bắn giết, đốt phá, hãm hiếp phụ nữ và cướp bóc thẳng tay đến đó. Mới ba ngày đầu chúng đã tra tấn, bắn chết, kể cả mổ bụng, moi tim, gan 81 người. Ngày nào cũng có cảnh người chết, người bị bắt tra tấn, bị mổ bụng, moi gan, phụ nữ bị hãm hiếp…

Lực lượng vũ trang còn non trẻ của ta vừa mới ra đời sau Đồng khởi, so sánh về số lượng và trang bị kém hơn địch gấp trăm ngàn lần, nhưng bằng tinh thần dũng cảm, thông minh tuyệt vời, dựa vào nhân dân và địa hình, bủa giăng chông mìn, cạm bẫy, đêm ngày quần nhau với địch vừa tiêu hao sinh lực, vừa gây cho chúng hoang mang, co cụm không dám tự do lùng sục.

Tuy nhiên, trận chiến không thể kéo dài, phải làm cho địch sớm chấm dứt cuộc càn quét đẫm máu, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại của nhân dân, bảo toàn được lực lượng của cách mạng; nhưng không thể chỉ bằng đòn vũ trang còn non trẻ và nhỏ bé của ta. Rút kinh nghiệm cuộc đấu tranh trực diện thắng lợi vào ngày 27-2-1960, Tỉnh ủy chỉ đạo Huyện ủy Mỏ Cày phát động nhân dân các xã vừa đấu tranh tại chỗ, chống địch đánh đập, bắn giết, hãm hiếp, cướp bóc vừa tranh thủ bọn lính có thái độ lưng chừng, không đồng tình với bọn ác ôn, phân hóa địch tại chỗ.  Đồng thời, với ý đồ lớn hơn, vận động nhân dân thực hiện một cuộc đấu tranh chính trị trực diện với quy mô cực kỳ to lớn, với danh nghĩa “tản cư” đòi địch phải rút quân.

Chuẩn bị thật chu đáo, khoa học, chặt chẽ, sáng ngày 1-4-1960, hàng ngàn đồng bào, lần này không chỉ có các xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh mà tất cả và các xã lân cận, bằng hàng trăm ghe xuồng theo các ngả sông lớp bơi, lớp chèo, vượt qua các điểm đóng quân của địch. Đoàn người chở theo quần áo, mùng mền, xoong nồi, cả heo, gà, bồng theo con cháu làm cuộc “tản cư ngược” rầm rộ xuôi về hướng thị trấn Mỏ Cày. Địch cố ngăn cản, nhưng cũng không sao ngăn cản nổi. Càng gần đến chợ, ghe xuồng tập trung càng đông chật tất cả các bến, có đến cả ngàn chiếc, chưa bao giờ ghe xuồng đông đặc như thế này. Đến các bến chợ bà con bồng bế trẻ con, cõng, khiêng người già, người bệnh, mang, xách, đội mùng mền, chiếu gối, quảy gà vịt… tràn lên nằm la liệt ở nhà lồng chợ, vỉa hè, trường học sát dinh quận…

Bà con tiểu thương và lao động tại chợ, các nhà tu hành ra thăm hỏi giúp đỡ.

 Bốn ngày sau, lực lượng dự bị kéo thêm lên càng đông hơn, cao điểm có ngày đến gần 10 ngàn người có mặt tại thị trấn. Bà con vừa tập trung đông, nấu nướng tại chỗ, xả rác, phóng uế bừa bải, lại có thêm súc vật, làm ô nhiễm, xáo trộn mọi hoạt động của thị trấn.

Tên quận trưởng phải trực tiếp ra gặp và xuống nước năn nỉ bà con về. Bà con tố cáo tội ác man rợ của bọn lính đang càn quét và viện cớ phải ở lại để được sự chở che của quận trưởng. Từ tên tướng Đỗ Cao Trí, đến tỉnh trưởng Kiến Hòa Nguyễn Huỳnh đều bất lực không làm cách nào cho bà con chịu trở về. Bà con một mực khăng khăng đòi bọn thủy quân lục chiến phải rút quân mới dám về. Tên Đại tá Nguyễn Văn Y đã phải thốt lên: “Tôi sợ mấy bà đội quân đầu tóc này quá!”.

Trong thời gian nhân dân kiên trì đấu tranh gây sức ép tại thị trấn, tại các xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh, lực lượng vũ trang ta lúc ẩn, lúc hiện, vẫn ngày đêm bắn phá, quấy nhiễu các điểm đóng quân, gây cho địch nhiều thương vong, mất ăn, mất ngủ, hoang mang, chán nản. Đồng thời, Tỉnh ủy đã chỉ đạo sự phối hợp nổi dậy đồng loạt mạnh mẽ trên toàn tỉnh. Trước tình hình đó đã làm cho bọn trực tiếp chỉ huy chiến dịch “Bình trị Kiến Hòa” phải chán nản báo cáo láo với Bộ Quốc phòng ngụy là chiến dịch hoàn thành, đã quét sạch bọn cộng sản tại 3 xã và xin rút quân. Ngày 12-4-1960, địch ra lệnh rút quân khỏi 3 xã Định thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh.

Cùng với sự chiến đấu dũng cảm, đầy mưu trí của lực lương vũ trang, sự phối hơp nổi dậy trong toàn tỉnh, cuộc đọ sức ròng rã 12 ngày đêm của Đội quân tóc dài ở Mỏ Cày, bằng mũi đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang và binh vận, đã giành thắng lợi.

Đội quân tóc dài, phương châm đánh địch bằng “hai chân” “ba mũi” ra đời và nổi tiếng từ đây! Từ Đồng khởi đã sinh ra Đội quân tóc dài và cũng chính Đội quân tóc dài cùng với ba mũi giáp công đã làm nên cuộc Đồng khởi thần kỳ năm 1960.

Giáo sư Trần Văn Giàu khẳng định: “Khái niệm Đồng khởi đi liền với sự phát triển của đội quân tóc dài - một hiện tượng độc đáo của cách mạng miền Nam, mà điểm bắt đầu ở Bến Tre. Cũng từ đấy ra đời chiến thuật “ba mũi giáp công” nổi tiếng” (Sách đã dẫn - Tr7)

Từ ngọn lửa Đồng khởi thần kỳ ngày 17-1-1960, sự ra đời của Đội quân tóc dài, và phương châm đánh địch bằng hai lực lượng: lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân (hai chân), kết hợp tiến công bằng chính trị và vũ trang với binh vận (ba mũi) của Mỏ Cày - Bến Tre, đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Đội quân tóc dài đã trở thành một lực lượng đấu tranh của phụ nữ Nam Bộ thành đồng và ba mũi giáp công đã trở thành phương pháp đánh địch hữu hiệu, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân 1975.

Khí thế “Đồng khởi mới”

Đã 60 mùa xuân đi qua, kể từ cuộc Đồng khởi thần kỳ 1960, nhưng truyền thống hào hùng và những bài học quý báu của tinh thần Đồng khởi năm xưa vẫn còn nguyên giá trị. Từ sau khi đất nước được giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre luôn tôn vinh, chắp cánh cho cuộc Đồng khởi năm xưa biến thành cuộc “Đồng khởi mới” hôm nay.

Những năm qua, các cao trào thi đua “Đồng khởi mới” đã làm cho diện mạo nông thôn, thành thị ở Bến Tre đổi thay từng ngày, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng lên. Đây là nền tảng vững chắc để Đảng bộ tỉnh tiếp tục phát động toàn Đảng, toàn dân bước tiếp những chặng đường “Đồng khởi mới” với khí thế mới, tiến công liên tục, bứt phá hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng phồn vinh, văn minh, hạnh phúc trên quê hương Đồng khởi Bến Tre anh hùngn

Vũ Hồng Thanh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN