Rèn kỹ năng ngôn ngữ cho trẻ qua tiếp cận chương trình tiếng Anh mầm non

05/05/2021 - 12:56

BDK.VN - Mục tiêu giáo dục mầm non là giúp cho trẻ phát triển về ngôn ngữ, thể chất, tình cảm, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên về nhân cách của trẻ, trong đó, ngôn ngữ chính là “chìa khóa vàng” giúp trẻ em dễ dàng tiếp cận với các mục tiêu qua giao tiếp. Theo các nghiên cứu khoa học được tiếp cận với ngôn ngữ thứ hai sẽ giúp trẻ có nhiều hứng thú trong việc “học nói”. Do đó, việc tiếp cận cho trẻ học tiếng Anh ở bậc mầm non là điều kiện quan trọng và hết sức cần thiết cho việc phát triển ngôn ngữ và nhiều kỹ năng khác cho trẻ.

Trẻ sẽ được rèn kỹ năng ngôn ngữ qua tiếp cận chương trình tiếng Anh mầm non. Ảnh: Phan Hân

Trẻ sẽ được rèn kỹ năng ngôn ngữ qua tiếp cận chương trình tiếng Anh mầm non. Ảnh: Phan Hân

Giúp trẻ làm quen tiếng Anh là yêu cầu cấp thiết

Các chuyên gia tâm lý đều cho rằng, trẻ mầm non học tiếng Anh sớm sẽ là điều kiện tốt nhất để trẻ phát triển về mặt ngôn ngữ. Học tiếng Anh càng sớm trẻ sẽ phát triển tư duy càng tốt và rèn được các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết có hiệu quả. Đây cũng là cơ sở khoa học giúp trẻ lĩnh hội, tích hợp đa ngôn ngữ trong hình thành và phát triển năng lực học tập cho trẻ ở bậc học phổ thông.

Các chuyên gia tâm lý cũng chứng minh rằng: Những cơ sở khoa học và góc độ tâm lý, xác định ở tuổi mầm non là độ tuổi “vàng”; độ tuổi hết sức cần thiết cho trẻ phát triển, là giai đoạn cần giáo dục tốt nhất hình thành nhân cách của trẻ. Trên cơ sở đó, giáo viên giảng dạy cần phải khai phá tiềm năng, tạo sự hứng thú và khơi gợi niềm tin, tạo động lực cho trẻ học tập.

Nhà tâm lý học nổi tiếng - Ivan Petrovich Pavlov (1849-1936) đạt giải thưởng Nobel năm 1904, đã nói rằng: “95% tiềm năng phát triển của con người tập trung trong giai đoạn từ 0 đến 5 tuổi, chỉ có 5% sẽ được phát triển trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời…”. 

Từ những cơ sở lý luận trên, giáo viên mầm non phải hiểu được quá trình phát triển tư duy của từng đứa trẻ, phải biết khai thác tiềm năng, phát triển tư duy cho trẻ tạo mọi điều kiện cơ hội để tạo động lực cho trẻ học thật tốt và tiếp cận ngôn ngữ tiếng Anh cho trẻ ngay lứa tuổi mầm non.

Đâu là giải pháp

Để trẻ mầm non học tốt tiếng Anh, chúng tôi đề xuất giáo viên dạy tiếng Anh mầm non thực hiện một số giải pháp sau:

Giải pháp 1: Giáo viên cần chuẩn bị tốt tâm thế sẵn sàng môi trường học tập cho trẻ:

Giáo viên cần hướng dẫn và chuẩn bị tâm lý để trẻ sẵn sàng cho học tập. Giáo viên có những ý tưởng làm quen với trẻ; giới thiệu nội dung yêu cầu học tập, cho trẻ xem những đoạn phim hoạt hình, những hình ảnh, sắm vai qua tiểu phẩm, câu chuyện…; giúp trẻ không bỡ ngỡ khi lần đầu tiếp xúc giáo viên giảng dạy. Giáo viên cũng phải là người hiểu tâm lý trẻ, luôn có tính kiên trì, nhẫn nại hướng dẫn giúp đỡ trẻ nhiệt tình trong thời gian đầu vì đây là thời gian trẻ làm quen học tập, cũng là thời gian rất quan trọng là nền tảng giúp trẻ tiếp cận tốt với môi trường học tập sau này.

Một minh chứng là giáo viên giúp đỡ các trẻ ngay từ ngày đầu tiên học với giáo viên bằng cách giới thiệu và hướng dẫn trẻ làm quen với thầy giáo thông qua một số hoạt động nhỏ như: tham gia trò chơi “tự giới thiệu”. Trẻ sẽ tự giới thiệu tên mình và giáo viên cũng sẽ tự giới thiệu về mình để trẻ làm quen và tạo cảm giác thân thiện giữa thầy và trò.

Giải pháp 2: Tạo môi trường học tập thân thiện, vui vẻ; tạo động lực học tập cho trẻ

Giáo viên phải hiểu tâm lý dạy trẻ nhỏ, hiểu đặc điểm đối tượng trẻ mầm non, nhẫn nại, vui vẻ, hài hòa với trẻ. Ngoài ra, giáo viên còn phải biết những năng khiếu như: Quản trò, dẫn chuyện, sắm vai, mỹ thuật, múa, hát... hiểu rõ sinh hoạt tập quán địa phương và nếu có tính hài hước pha trò một chút cũng sẽ rất tốt đối với trẻ nhỏ. Đặc biệt hơn nữa, giáo viên có tinh thần học hỏi, luôn tìm tòi những hoạt động mới nhằm thu hút trẻ tham gia học tập.

Giải pháp 3: Thực hiện tốt công tác phối hợp giảng dạy tiếng Anh với việc rèn kỹ năng cho trẻ.

Giáo viên luôn tìm hiểu về trẻ qua giáo viên phụ trách trẻ trên lớp, điều này sẽ giúp giáo viên tiếp cận tốt với trẻ. Tham mưu, trao đổi và phản hồi tích cực thông qua các tiết dạy giúp giáo viên đưa ra những hoạt động thích hợp để tăng hiệu quả giờ học. Giáo viên cần nắm bắt tình hình học tập của trẻ để kịp thời có tác động thích hợp giúp trẻ đi vào nề nếp học tập tốt hơn. Nếu trong giờ dạy phần nào trẻ chưa hiểu thì giáo viên hỗ trợ giải thích. Giáo viên thường xuyên có những buổi trao đổi cùng với giáo viên phụ trách lớp nhằm giúp giáo viên và trẻ tạo một môi trường vừa học, vừa chơi thông qua các hoạt động trò chơi ngôn ngữ giúp trẻ có thể quen dần với cách lên lớp của thầy và trò, tổ chức tốt hoạt động học tập trên lớp.

Giải pháp 4: Thực hiện tốt phương pháp giảng dạy để hướng dẫn trẻ học tập tiếng Anh.

Dạy tiếng Anh đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp và kỹ năng sư phạm tốt; dạy tiếng Anh không giống như tiếng Việt, trẻ mầm non chưa học vần, từ và trẻ không chỉ cần ráp vần lại với nhau là có thể tạo ra được một từ, trong tiếng Anh thì khác hoàn toàn, trẻ phải học cách làm quen bắt đầu từ việc phát âm bảng chữ cái theo phiên âm quốc tế. Chính vì lý do đó, trẻ gặp rất nhiều khó khăn khi chưa quen và vừa học chữ cái tiếng Việt, vừa học chữ cái tiếng Anh. Vì vậy, trong những giờ học đầu, trẻ đều phải vừa nghe giáo viên nói vừa phải nhờ giáo viên giải thích, minh họa bằng những dụng cụ trực quang cụ thể.

Một minh chứng như: Với chữ cái đầu tiên của tiếng Việt là A, nhưng tiếng Anh phải phát âm là /ei/, vì thế khi trẻ em 5 tuổi làm quen với tiếng Việt dễ nhầm lẫn khi đọc chữ A tiếng Anh với chữ A tiếng Việt. Vì thế giáo viên phải giải thích và giúp cho trẻ hiểu rõ, phát âm thế nào cho đúng, giáo viên cần đưa ra ngữ cảnh và những hình ảnh minh họa hợp lý giúp trẻ nhận diện mà không cần phải hiểu và nhớ từ một cách chi tiết và máy móc. Qua đó giáo viên chỉ giới thiệu và giúp trẻ làm quen với ngôn ngữ ban đầu (giáo viên cần nhấn mạnh kỹ năng nghe và nói ngay từ ban đầu), dần thích nghi để trẻ vào lớp Một sẽ làm quen và thích ứng dần ngôn ngữ đã tiếp cận.

Một vấn đề nữa đặt ra ở trẻ là: Khi trẻ gặp phải phát âm cả từ, trẻ không thể đánh vần như dạy như tiếng Việt mà phải đọc cả từ, đọc tiếng Anh không theo quy tắc đánh vần cụ thể. Vì thế, giáo viên phải biết kết hợp trong các tiết học để giải thích bằng tiếng Việt giúp trẻ hiểu, nắm rõ cách phát âm của các từ để giúp đỡ trẻ làm quen dần với cách đọc các âm cần thiết trong tiếng Anh.

Giải pháp 5:  Thực hiện tốt ứng dụng công nghệ thông tin để hướng dẫn trẻ học tập tiếng Anh.

Một trong những phương tiện giảng dạy tiếng Anh hiệu quả là giáo viên sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, kết hợp thực hiện từ các dữ liệu điện tử, các kênh, các hình ảnh, các câu chuyện từ phim hoạt hình như: 1. Sesame Street, 2. Nerdy Nummies, 3. Ted-Ed, 4. The Houston Zoo, 5. The Brain Scoop, 6. MinutePhysics, 7. CrashCourse, 8. Super Simple Songs, 9.  SoundPancake, 10. National Geographic Kids… giáo viên hướng dẫn trẻ chỉ xem nội dung và làm quen với các từ ngữ về ngôn ngữ người bản ngữ, không cần phải hiểu rõ nội dung và giải thích các câu chuyện giúp trẻ nghe âm, từ tạo được tình huống giao tiếp, tiếp cận ngôn ngữ người bản ngữ từ những ngày đầu chuẩn bị vào lớp Một.

Ngày 31-12-2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT về chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo chính thức có hiệu lực ngày 31-3-2021 (sau đây gọi tắt là Thông tư số 50), Thông tư quy định việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh được tổ chức 35 tuần/năm, tối thiểu 2 hoạt động làm quen với tiếng Anh/tuần, mỗi hoạt động từ 25 - 35 phút. Việc dạy - học tiếng Anh cũng tùy thuộc vào điều kiện, hoạt động làm quen với tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo sẽ được tổ chức linh hoạt vào các thời điểm khác nhau, phù hợp với khả năng của trẻ.

Hướng dẫn trẻ học tiếng Anh là một yêu cầu cấp thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Do đó, trong giảng dạy, giáo viên phải tạo được sự ham thích, đam mê cho trẻ học tập. Yêu cầu mỗi giáo viên cần phải đầu tư chuyên môn, chịu khó nghiên cứu, nắm vững các phương pháp giảng dạy phù hợp với đặc điểm tâm lý trẻ mầm non; không đặt nặng về yêu cầu kiến thức mà chỉ rèn về kỹ năng cho trẻ, giúp trẻ làm quen dần với âm và từ cơ bản trong từng nội dung, chủ đề thông qua các ngữ cảnh giao tiếp; tạo sự hứng thú kết hợp với phương tiện thông tin, tương tác trong mỗi giờ dạy, vừa vui, vừa nhận thức đơn giản nhất về tiếng Anh; khai thác tốt các học liệu định hướng giao tiếp cho trẻ. Dạy cho trẻ làm quen tiếng Anh, cần chú trọng phát triển năng lực giao tiếp, đồng thời theo dõi và hỗ trợ trẻ giao tiếp tương tác bằng tiếng Anh kịp thời trong quá trình làm quen học tập. 

Thông tư số 50 của Bộ GD&ĐT về chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ em mẫu giáo là cơ sở pháp lý để thực hiện giảng dạy tiếng Anh cấp mầm non, tạo tiền đề giúp trẻ làm quen với ngoại ngữ thứ hai và là nền tảng kiến thức để trẻ học tập ở bậc học phổ thông sau này. Đây cũng là cơ sở giúp các trường mầm non tổ chức và triển khai giảng dạy tiếng Anh cho trẻ đạt hiệu quả.

Võ Văn Luyến - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN