Tiếp tục thí điểm dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non

25/07/2018 - 07:12

BDK - Các trường mầm non (MN) trong tỉnh vừa kết thúc chương trình thí điểm cho trẻ làm quen với tiếng Anh trong năm học 2017-2018. Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang tiếp tục xin chủ trương của UBND tỉnh để triển khai chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ MN trong năm học 2018-2019 đối với những trường có nhu cầu và đủ điều kiện triển khai.

Tiết học tiếng Anh cho trẻ mầm non ở Trường Mầm non Sen Hồng, TP. Bến Tre.

Tiết học tiếng Anh cho trẻ mầm non ở Trường Mầm non Sen Hồng, TP. Bến Tre.

Chọn hướng đi đúng

Căn cứ chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về triển khai thực hiện thí điểm cho trẻ MN làm quen với tiếng Anh trong năm học 2017-2018, tháng 5-2017, Sở GD&ĐT tỉnh xin chủ trương của UBND tỉnh triển khai tại một số trường MN có điều kiện. Đã triển khai thí điểm cho 1.431 trẻ MN ở 23 trường MN thuộc 4 huyện, thành phố: Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm và TP. Bến Tre.

Công ty cổ phần dịch vụ nhà xuất bản giáo dục Gia Định (thuộc Nhà xuất bản Giáo dục) là đơn vị liên kết cung cấp giáo viên người nước ngoài để giảng dạy cho trẻ MN làm quen với ngoại ngữ tại các trường tham gia thí điểm. Có 4 giáo viên người bản xứ có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm tham gia dạy trong các trường MN. Trong chương trình không có sự tham gia của giáo viên Việt Nam. Đơn vị phối hợp với Sở GD&ĐT đã có buổi tập huấn cho 61 giáo viên MN để làm công tác trợ giảng trong quá trình triển khai tại các trường.

Tỉnh đã triển khai dạy cho trẻ MN theo bộ giáo trình My Adventure của Nhà xuất bản Giáo dục. Năm học 2017-2018 là năm đầu tiên thực hiện thí điểm nên tỉnh chỉ dạy cho trẻ từ 4 - 5 tuổi. Mỗi tuần trẻ được học 2 buổi với thời lượng hoạt động trong chương trình giáo dục MN. Trẻ 4 - 5 tuổi được học chung một giáo trình, nhưng trong quá trình dạy, giáo viên sẽ nâng yêu cầu đối với độ tuổi lớn hơn, mở rộng kiến thức cho trẻ trong các hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Trưởng phòng Giáo dục MN, Sở GD&ĐT cho biết: Qua quá trình theo dõi, trẻ có sự tự tin, thích thú với hoạt động của giáo viên nước ngoài. Trẻ đã hiểu một số câu mệnh lệnh bằng tiếng Anh của giáo viên; trẻ biết từ 30 - 40 vốn từ tiếng Anh về người thân, đồ vật, các câu chào hỏi thông thường...

Theo ghi nhận của phóng viên ở các trường đã thực hiện thí điểm cho trẻ MN làm quen với tiếng Anh thì hầu hết các giáo viên đều cho rằng dạy thí điểm ngoại ngữ (tiếng Anh) cho trẻ MN là đang đi đúng hướng và nên phát triển mở rộng hơn. Đây là cơ hội để trẻ được tiếp xúc với người nước ngoài, tâm lý sẽ phấn khích và tiếp thu nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ tiếp cận với chương trình học tiếng Anh chính thức ở bậc học tiểu học.

Bà Trần Thị Ngọc Trinh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Giồng Trôm cho biết: Huyện sẽ mạnh dạn đăng ký tiếp và mở rộng thêm chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ MN ở các trường. Năm học 2018-2019, dự kiến sẽ mở rộng thêm khoảng 2 - 3 trường, để các em tiếp xúc với tiếng Anh, với người nước ngoài.

Để trẻ được tiếp cận tiếng Anh đồng đều

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, bước đầu triển khai thí điểm ngoại ngữ cho trẻ MN cũng gặp nhiều khó khăn: sắp xếp thời gian ở các lớp, bị động trong giờ hoạt động. Ngoài ra, khi chương trình học chính thức diễn ra thì số học sinh tham gia giảm so với số lượng đăng ký ban đầu.

Còn các lãnh đạo phòng giáo dục các huyện và giáo viên các trường thì cho rằng, khó thu hút được trẻ tham gia học tiếng Anh đầy đủ so với số lượng đăng ký ban đầu do học phí cao. Vì vậy, cần điều chỉnh giảm mức học phí hoặc miễn học phí cho các em có hoàn cảnh khó khăn để tạo điều kiện cho các em tham gia học tiếng Anh nhiều hơn.

Cùng quan điểm cần điều chỉnh học phí để tạo điều kiện cho các bé có hoàn cảnh khó khăn được tham gia học tiếng Anh, bà Nguyễn Thị Anh Đào - Hiệu trưởng Trường MN ABT, huyện Châu Thành lý giải, vì đa số học sinh ở nông thôn có điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên số lượng học sinh đăng ký học tiếng Anh ở trường giảm so với đăng ký ban đầu. Điều này sẽ gây thiệt thòi cho trẻ không có điều kiện.

Dự kiến, trong năm học 2018-2019, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục mở rộng thí điểm cho trẻ MN tập làm quen với tiếng Anh ở các trường của những huyện còn lại với điều kiện các trường đáp ứng cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, số lượng học sinh đăng ký.

Theo ông Lê Văn Chín - Phó giám đốc Sở GD&ĐT, việc cho trẻ MN làm quen với ngoại ngữ được sở triển khai có 3 mục tiêu: giúp trẻ làm quen tiếng Anh; giúp giáo viên của các trường học tập giáo viên nước ngoài tự tin hơn trong quá trình giao tiếp; trong công tác quản lý cơ sở giáo dục, các giáo viên tiếp cận yêu cầu mới, kịp thời ổn định đi vào triển khai, nhận diện, lựa chọn những giải pháp tối ưu nhất đổi mới phương pháp dạy.

Ông Lê Văn Chín cũng gợi ý Công ty cổ phần dịch vụ nhà xuất bản giáo dục Gia Định, trong năm học 2018-2019 tạo điều kiện giảm học phí cho các đối tượng là học sinh khó khăn để các em cũng được học ngoại ngữ. Ví dụ, cả lớp có 2 học sinh khó khăn thì không thể tách các em khỏi lớp, vì vậy cần xem xét miễn giảm để các em được tham gia cùng học với các bạn trong lớp.

Năm học 2018-2019, triển khai thí điểm và nhân rộng cho trẻ MN làm quen với ngoại ngữ ở những trường có điều kiện chứ không triển khai đại trà vì phụ thuộc vào nhu cầu của phụ huynh. Các trường có nhu cầu thì đăng ký với Phòng GD&ĐT để gửi về sở trình UBND tỉnh xin chủ trương. Khi có chủ trương, sở sẽ triển khai.

(Phó giám đốc Sở GD&ĐT Lê Văn Chín)

Bài, ảnh: Viết Duyên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN