Sân chơi tái chế cho thanh thiếu nhi

03/01/2020 - 08:05

BDK - Hơn 1 tháng qua, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh đã ráo riết chỉnh trang khuôn viên tại 2 cơ sở và khởi động các chương trình vui Tết. Trong đó, một góc không gian (diện tích 120m2) ở cơ sở Nhà thiếu nhi cũ đã được bài trí lại với các vật dụng đặc biệt - rác nhựa. Công trình là sự chung tay của trung tâm và Đội Tuyên truyền bảo vệ môi trường (CFC - Thách thức để thay đổi) và đông đảo học sinh, sinh viên, thanh niên.

Học sinh Trường THPT Diệp Minh Châu tham gia làm các vật dụng tái chế tại trung tâm.

Học sinh Trường THPT Diệp Minh Châu tham gia làm các vật dụng tái chế tại trung tâm.

Tận dụng rác nhựa

Vừa gắn các nắp chai nhựa lên mảng tường trống để làm thành một bức tranh, em Phạm Tuấn Dinh, học sinh lớp 12B9, Trường THPT Diệp Minh Châu (Châu Thành) vừa hào hứng nói: “Em thấy đây là một hoạt động ý nghĩa, giúp  các bạn trẻ nâng cao ý thức khai thác sử dụng tài nguyên tái chế từ các vật dụng bằng nhựa bỏ đi, giúp cải thiện môi trường”.

Bức tranh “Green Corner” từ nắp chai với diện tích 32m2 đang được thi công gần phân nửa đã “nuốt” hơn 1.200 nắp chai nhựa đủ màu. Để có “nguồn rác nhựa” tái sử dụng, các bạn trẻ đã liên hệ các trường học trên địa bàn TP. Bến Tre và một số quán cà phê, trà sữa để nhận rác.

 Anh Diếp Minh Tuấn - công tác tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh cho biết: “Sau khi có ý tưởng thực hiện, nhóm chia nhau liên hệ các nơi để thu các loại rác nhựa gồm chai nước, ly nhựa, ống hút, muỗng… Sau đó, nhóm tiến hành phân loại và bắt tay thực hiện các hạng mục như: tấm màn cây xanh, bức tranh nắp chai, bồn hoa từ vỏ xe, thùng rác từ chai nhựa, giàn trồng rau từ ly nhựa”.

Hiện tại do các thành viên của nhóm đều đi làm và đi học nên nhóm hẹn nhau làm vào ngày Chủ nhật. Mỗi tuần lại có thêm các bạn mới đến tham gia. Với sự sáng tạo và khéo léo, các bạn trẻ đã biến những chiếc chai nhựa, ly nhựa bỏ đi trở thành những vật trang trí hữu ích hơn. Hiện tại, 100 chai nhựa đã được kết thành 3 tấm màn độc đáo có trồng lá trầu bà và hoa mười giờ. 120 ly nhựa ghép thành 2 giàn trồng rau. Hơn 200 chai nước uống bỏ đi đã trở thành chiếc thùng rác kích thước 0,5m3. Nhóm còn tận dụng lại những vật liệu cũ đã qua sử dụng để trang trí không gian sân chơi, trồng thêm cây xanh, hoa lá.

 “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm nhiều hơn các hạng mục từ rác nhựa để trang trí cho sân chơi tái chế này. Mỗi mô hình sẽ có thêm các phần thông tin hướng dẫn cách làm để nhiều người có thể áp dụng cho nhà mình hoặc đơn vị mình. Hiện tại, nhóm vẫn đang tiếp tục thực hiện các mô hình tái chế rác nhựa tại trung tâm”, anh Nguyễn Thanh Phong - Đội Tuyên truyền bảo vệ môi trường (CFC) cho biết.

Tạo hiệu ứng tuyên truyền

Ý tưởng thực hiện Sân chơi tái chế bắt nguồn từ mong muốn của Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh để có một không gian vui chơi mang tính mở, nhằm thu hút thiếu nhi đến với trung tâm nhiều hơn. Đồng thời, truyền thông điệp và khuyến khích, giáo dục thanh thiếu niên về thực hành lối sống xanh, bảo vệ môi trường. Qua đó, tạo hiệu ứng lan tỏa đến các cấp, ngành và cộng đồng.

Học sinh Trường Phổ thông Hermann Gmeiner (TP. Bến Tre) thu gom nắp chai nhựa để hô trợ hoạt động Sân chơi tái chế.

Học sinh Trường Phổ thông Hermann Gmeiner (TP. Bến Tre) thu gom nắp chai nhựa để hô trợ hoạt động Sân chơi tái chế.

Sân chơi tái chế không chỉ là nơi tập hợp các mô hình hay về tái chế rác nhựa mà nơi đây còn được kỳ vọng sẽ trở thành không gian để thanh thiếu nhi đến vui chơi, trải nghiệm, học tập. Cùng đồng hành với Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh, Đội CFC và các bạn đoàn viên, thanh niên đã nối dài cánh tay đến các đơn vị trường học, doanh nghiệp để mời gọi cùng tham gia góp sức.

Anh Nguyễn Thanh Phong cho biết: “Đối với tuyên truyền bảo vệ môi trường, việc quy tụ được các bạn trẻ cùng nhau đứng ra thực hiện các hoạt động, phần việc cụ thể sẽ là nòng cốt để nhiều người, nhất là thanh thiếu nhi thấy hay, ý nghĩa mà làm theo. Hy vọng sân chơi tái chế sẽ được mở ra trên diện rộng chứ không phải là hoạt động nhỏ. Thậm chí là phải cung cấp nhiều kiến thức để các em hiểu về rác thải và môi trường chứ không chỉ là riêng về rác thải nhựa”, anh Thanh Phong kỳ vọng.

Chị Trần Thị Diễm Châu - Giáo viên Trường Mầm non Nhơn Thạnh (TP. Bến Tre) nhận xét: “Tôi thấy hoạt động này có ý nghĩa. Nếu hoạt động này được mọi người biết đến nhiều hơn sẽ góp phần có những tác động đến ý thức bảo vệ môi trường. Tôi cho rằng, đội cần thực hiện các hoạt động có tác động mạnh mẽ hơn, lan tỏa mạnh hơn đến cộng đồng”.

Việc thu gom và phân loại rác nhựa tại một số đơn vị trường học thực hiện trong thời gian qua như tại Trường Phổ thông Hermann Gmeiner, Trường THCS Hoàng Lam (TP. Bến Tre) đã bước đầu góp phần hình thành ý thức cho học sinh trong thực hành lối sống xanh.

Các hoạt động về thực hành lối sống xanh trong thanh thiếu nhi cũng như trong cộng đồng cần được triển khai đồng bộ và phát huy nhiều hơn nữa để tiến tới hình thành ý thức hệ về xây dựng một Bến Tre xanh, thân thiện với môi trường trong mục tiêu tầm nhìn chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà đến năm 2030.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích