BDK.VN - Sáng 5-6-2024, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán. Trả lời chất vấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, Kiểm toán Nhà nước đã và đang không ngừng ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng kiểm toán, đồng thời tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán, không để xảy ra bất cứ hành vi tiêu cực nào trong thực thi công vụ.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, với chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Như vậy, đối tượng kiểm toán là việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của pháp luật. Đơn vị được kiểm toán là những đơn vị trực tiếp liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, với 12 nhóm đơn vị liên quan.
Đối với những sai sót trong đấu thầu thời gian qua, ông Ngô Văn Tuấn khẳng định các đơn vị không có vốn nhà nước, nên không phải là đơn vị được kiểm toán. Những đơn vị này chỉ liên quan đến tài chính công, tài sản công với tư cách nhà thầu, do vậy hoạt động của đơn vị kiểm toán chỉ kiểm toán ở đơn vị chủ đầu tư và ban quản lý dự án. Trong quá trình kiểm toán đều thực hiện cả 3 nội dung: đánh giá, xác nhận tính đúng đắn trung thực; đánh giá sự tuân thủ pháp luật trong đấu thầu, đầu tư xây dựng và xác nhận tính hiệu quả tài chính công, tài sản công. Trong quá trình kiểm toán đã chỉ ra các sai sót và có kiến nghị xử lý tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho rằng, trong Báo cáo, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán cho cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp để xem xét, xử lý và tự đánh giá. Hiện Kiểm toán Nhà nước chỉ mới phát huy vai trò, hiệu quả, chủ yếu ở khía cạnh phòng ngừa, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra còn hạn chế. Đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước làm rõ hạn chế này có nguyên nhân do đâu và định hướng giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.
Trả lời nội dung này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong 5 năm qua (từ 2019 - 2023), Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 19 vụ án có dấu hiệu tham nhũng sang cơ quan điều tra. Trong 5 năm qua, cơ quan Kiểm toán đã thực hiện kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo tài chính, trong đó có kiến nghị chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra 19 vụ án. Tuy nhiên, vai trò về phòng, chống tham nhũng của cơ quan Kiểm toán không vì thế mà hạn chế vì trong một trong những nhiệm vụ mà Kiểm toán Nhà nước hết sức coi trọng là việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để điều tra, đưa ra ánh sáng những hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Trong 5 năm qua, cơ quan Kiểm toán cũng đã cung cấp 1.609 hồ sơ, báo cáo, tài liệu cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra nhằm giúp cho các cơ quan chức năng đẩy nhanh hiệu quả hơn việc điều tra, truy tố, xét xử đến các đối tượng tham nhũng, tiêu cực. Trong thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước sẽ phối hợp kịp thời hơn, cung cấp các tài liệu đầy đủ hơn và tiếp tục theo dõi, đôn đốc và nâng cao nâng chất lượng các báo cáo kiểm toán để cho những phát hiện rõ hơn, thuận lợi hơn cho các cơ quan chức năng nhằm đưa ra ánh sáng những vụ tham nhũng, tiêu cực.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hà Đức Minh (Lào Cai) về trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán khi các đơn vị được kiểm toán không bị phát hiện ra sai phạm nhưng các cơ quan chức năng vào cuộc lại phát hiện ra các sai phạm, thất thoát, tham nhũng tài sản của Nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, Điều 68 Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra. Trong trường hợp cơ quan thanh tra, điều tra không phát hiện sai phạm, đến khi cơ quan chức năng vào làm tiếp mà phát hiện ra sai phạm thì tại Điều 68 đã quy định rất cụ thể. Đối với những báo cáo kiểm toán đã phát hành mà không phát hiện sai phạm nhưng đến khi cơ quan chức năng vào làm cùng nội dung, cùng kiểm toán mà phát hiện ra sai phạm thì cần phải làm rõ trách nhiệm.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ nội ngành, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ được Ban cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước rất quan tâm và quán triệt thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, thường xuyên, liên tục, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động
Thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, lòng tự trọng nghề nghiệp của Kiểm toán viên nhà nước; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, đặc biệt là trong hoạt động kiểm toán.
Kiểm toán Nhà nước tăng cường thực hiện các cuộc thanh tra thường xuyên, đột xuất, trong đó tập trung thanh tra việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; kiểm tra, xác minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thi hành công vụ; kiểm soát chất lượng kiểm toán, giám sát hoạt động của các đoàn kiểm toán; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong việc giám sát hoạt động của đoàn kiểm toán...
Đồng thời, đề cao công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện quy định phòng, chống tham nhũng tiêu cực đối với các đơn vị trực thuộc, các đoàn kiểm toán, đảm bảo không để xảy ra bất cứ hành vi tiêu cực nào trong thực thi công vụ.
“Khi phát hiện ra sai phạm, theo quy định của Luật phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể. Tùy theo mức vi phạm để xử lý theo trách nhiệm hình sự hay trách nhiệm hành chính”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định.