Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an

04/06/2019 - 21:54

Sáng ngày 4-6-2019, Quốc hội (QH) khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc và chủ trì điều hành. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Nội dung chất vấn bao gồm: Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý. Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm giết người, tội phạm liên quan tới hoạt động tín dụng đen, băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tổ chức đường dây mang thai hộ xuyên quốc gia, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông, nhất là đối tượng tham gia giao thông sử dụng rượu, bia vượt quá mức quy định, sử dụng ma tuý hoặc chất kích thích gây hậu quả nghiêm trọng.

Tham gia chất vấn, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện dẫn lời cử tri đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an trả lời 3 nội dung:

Thứ nhất, cử tri cho rằng, vừa qua bắt được khối lượng ma túy rất lớn là chiến công của ngành công an, nhưng không thể không tính toán đến trách nhiệm của các lực lượng tại chỗ đóng trên địa bàn để cho ma túy thẩm lậu tập kết, đóng gói, đóng hàng tại đó hàng tấn. Vậy ngành công an, Bộ trưởng có biện pháp gì xử lý đối với cán bộ lực lượng mình đóng trên địa bàn đó.

Thứ hai, cử tri và dư luận băn khoăn về sự hoành hành của cờ bạc, tín dụng đen, băng nhóm tội phạm bảo kê. Gần đây có vụ việc của phường Cẩm Châu, TP. Hội An có hàng chục người vào khách sạn, gọi công an không đến, người ta cho rằng có sự bảo kê, bao che của một số cán bộ công an thoái hóa, biến chất. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như nào.

Thứ ba, trước đây có vụ hiếp dâm cháu bé ở Thủ Đức, Bộ trưởng đã chỉ đạo vấn đề đó như thế nào.

Đại biểu Đặng Thuần Phong - Phó chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH cho rằng, giải quyết vấn nạn ma túy đòi hỏi phải đồng bộ giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Nhưng hiện nay giảm cung là trách nhiệm chính của ngành công an; giảm cầu là phải cả hệ thống chính trị vào cuộc để ngăn chặn số nghiện mới; giảm tác hại thì hiện nay chỉ có methadol thay thế cho heroin, còn các thứ khác chưa xử lý được. Về nhân lực, vật lực và tài lực thì vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu xử lý đồng bộ qua các trục này để chúng ta ngăn chặn ma túy. Bộ trưởng tham mưu cho Chính phủ vấn đề này nên sẽ xử lý như thế nào trong thời gian tới. Hiện nay, số vị thành niên từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi đưa đi cai nghiện bắt buộc thì áp dụng biện pháp nào, xin Bộ trưởng cho biết, vì hiện nay pháp luật gần như không quy định gì đối với số này.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy tham gia chất vấn Bộ Trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH gửi đến Bộ trưởng Bộ Công an vấn đề: Nghị định số 104/2017/NĐ-CP và Nghị định số 19/2019/NĐ-CP đã tạo thêm hành lang pháp lý để quản lý dịch vụ đòi nợ thuê và họ, hụi, biêu, phường. Nhưng các hoạt động tín dụng đen và băng nhóm xã hội đen ngày càng manh động công khai. Báo cáo số 428 cho thấy rất khó xử lý vì các đối tượng lách luật, hợp pháp hóa các hoạt động tín dụng đen, đội lốt công ty tài chính. Xin Bộ trưởng cho biết các nguyên nhân chủ quan và những giải pháp khắc phục những vướng mắc trong hệ thống pháp luật, nhằm ngăn chặn và xử lý hiệu quả tội phạm này trong thời gian tới.

Trao đổi về những nội dung đại biểu đã chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, vấn đề trách nhiệm của lực lượng tại chỗ về an ninh, trật tự ở cơ sở là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng công an làm nòng cốt, chịu trách nhiệm về địa bàn. Thủ trưởng công an các đơn vị chịu trách nhiệm về những vấn đề đó.

Đối với hành động về bảo kê tội phạm, Bộ trưởng cho rằng tội phạm có những diễn biến rất phức tạp đối phó với các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng công an. Chúng không từ một thủ đoạn nào để tấn công vô hiệu hóa lực lượng công an. Chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như lực lượng công an kiên quyết loại trừ, loại bỏ những cán bộ mất phẩm chất, có những hành động, có quan hệ với loại tội phạm, xử lý rất nghiêm những trường hợp bảo kê, từ xử lí hành chính đến hình sự. Đồng thời cũng cần bảo vệ cán bộ trong trường hợp bị vu khống, xuyên tạc.

Về vụ bà Trần Thị Mỹ Châu quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh trình báo việc có con bị xâm hại tình dục và tố cáo cơ quan điều tra không khách quan trong xử lý vụ việc này. Quá trình giải quyết đơn trình báo của bà Châu có kết luận: Hiện nay, các cơ quan liên ngành của tư pháp TP. Hồ Chí Minh đã họp và đánh giá toàn diện, kết luận không có sự việc xảy ra theo đơn tố giác của bà Trần Thị Mỹ Châu. Theo kết luận đến nay chưa có căn cứ để nói rằng cơ quan điều tra thiếu khách quan, bao che tội phạm.

Về câu hỏi của đại biểu Đặng Thuần Phong về cơ sở pháp lý để đưa trẻ em từ 12 đến 16 tuổi đi đến các cơ sở cai nghiện bắt buộc. Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng đã rà soát việc này và khẳng định, đúng là chưa có các quy định cụ thể. Bộ sẽ phối hợp liên ngành trong việc tổ chức quản lý đưa người đi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tiễn và sẽ phân công trách nhiệm chung của các ngành trong vấn đề này. Quy trình gồm 6 bước và 4 cơ quan đều phải tham gia giải quyết việc này. Phải qua Tòa án có quyết định, kết luận mới đưa được người vào cai nghiện. Quá trình lập hồ sơ để đưa vào cai nghiện thì các cơ quan có trách nhiệm. Bộ sẽ tiếp thu tinh thần này để bổ sung vào các quy định của pháp luật.

Giải quyết vấn đề tín dụng đen, Bộ trưởng giải trình, trong thời gian sắp tới Bộ sẽ tiếp tục duy trì khí thế tấn công trấn áp mạnh mẽ tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen. Bộ đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 về phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành trong giải quyết tín dụng đen. Những giải pháp cơ bản sẽ góp phần làm giảm sự phức tạp của tín dụng đen này. Về pháp luật, đề xuất khẩn trương có hướng dẫn để giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý tội phạm tín dụng đen, vi phạm pháp luật của hoạt động này, nên giữ ranh giới giữa dân sự, hành chính và hình sự. Bộ phối hợp với ngân hàng, đề nghị tiếp tục đa dạng hóa hình thức cho vay, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với vốn ngân hàng lành mạnh để tín dụng đen không có cơ hội, có đất hoạt động.

Nguyễn Văn Tân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN