Tạo bước tiến mới trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực

26/11/2024 - 10:56

BDK.VN - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, QH (QH) khóa XV, sáng ngày 26-11-2024, với sự chủ trì của Phó chủ tịch QH Trần Quang Phương, QH nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra.

 

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày báo cáo.

Theo Báo cáo của Chính phủ, trong năm 2024, dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC); sự vào cuộc tích cực, đồng hành của QH, các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Nhờ đó, công tác PCTNTC tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt và hiệu quả, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Kết quả nổi bật là: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Nhiều quy định mới về công tác PCTNTC được ban hành và quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, tạo cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Xử lý nghiêm trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ, lãnh đạo quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi quản lý, phụ trách, vi phạm trách nhiệm nêu gương và những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm; thực hiện đúng chỉ đạo “kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”; truy tố một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực.

Vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân ngày càng được khẳng định và phát huy. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm nhiều sai phạm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật của Đảng và Nhà nước.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, xử lý nghiêm một số vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến các hành vi sai phạm diễn ra từ nhiều năm trước và cả những sai phạm mới phát sinh, xảy ra trên diện rộng, có tổ chức, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.

Trong đó điểm mới là, từ khởi tố ban đầu về các hành vi phạm tội về kinh tế, cơ quan điều tra đã đi sâu làm rõ bản chất vụ án và khởi tố các hành vi phạm tội về tham nhũng; khởi tố nhiều cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo chủ chốt của một số địa phương, tiếp tục tạo bước tiến mới trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.  

Công tác PCTNTC ở địa phương tiếp tục được đẩy mạnh; nhiều địa phương đã khởi tố, điều tra xử lý nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra từ nhiều năm trước; chủ động và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những trường hợp tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng PCTNTC.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTNTC còn có những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế như sau: Việc khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu, đất đai, tài nguyên khoáng sản, xây dựng, đấu thầu, đấu giá… còn chậm so với yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được triển khai thực hiện toàn diện. Một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ.

Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm chậm được khắc phục; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ còn hình thức, chưa thực chất. Việc truy bắt đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn.

Công tác giám định, định giá tài sản có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn một số trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và tiến độ. Giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng lớn, nhiều tài sản có tranh chấp quyền sở hữu chưa được các cơ quan có thẩm quyền làm rõ về pháp lý, gây khó khăn cho thi hành án.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình thế giới và trong nước tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, tham nhũng vẫn là vấn nạn chung của Thế giới và khu vực.

Việt Nam cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong PCTNTC; tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng; có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất trong bộ máy nhà nước với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc của một bộ phận cán bộ, công chức cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Năm 2025 cũng là năm cuối thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời là năm triển khai Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, do đó nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội phải phấn đấu hoàn thành, trong đó công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác cán bộ là rất quan trọng, đòi hỏi công tác PCTNTC phải được đẩy nhanh, toàn diện, kịp thời không để “lọt” vào cấp ủy những trường hợp tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật.

Vì vậy, cần phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, đẩy mạnh hơn nữa công tác PCTNTC, tạo động lực mới, khí thế mới để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng, chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIV.

Xác định rõ PCTNTC là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; PCTNTC phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết, phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội. Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCTNTC, Chính phủ kiến nghị: QH, Ủy ban Thường vụ QH tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung những sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, vướng mắc dễ tạo điều kiện cho tham nhũng tiêu cực trong các văn bản quy phạm pháp luật góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí, truyền thông và nhân dân tăng cường phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ và chính quyền các cấp thực hiện tốt hoạt động giám sát, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTNTC; Cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng tiêu cực theo quy định pháp luật.

Sau khi nghe trình bày các báo cáo, QH tiến hành thảo luận ở hội trường về nội dung này.

Ý Nhiên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN