Tập trung phát triển ngành công nghiệp chủ lực, bài 2: Định hướng và giải pháp

24/04/2020 - 07:16

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Ảnh: PV

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Ảnh: PV

Đón bắt cơ hội mới

Theo nguồn thông tin dự báo thị trường hiện có và thông tin từ các tạp chí kinh tế thị trường, dự báo thông tin về thị trường của các ngành công nghiệp (CN) chủ lực tỉnh trong thời gian tới như sau:

Nhu cầu tiêu dùng thủy sản của thế giới đang có xu hướng gia tăng, tổng lượng tiêu thụ thủy sản toàn cầu dự kiến vào năm 2025 lên 178 triệu tấn. Mức tiêu thụ bình quân đầu người của thế giới dự kiến sẽ tăng lên 21,8kg đến năm 2025, là điều kiện giúp các sản phẩm chủ lực của nước ta: cá tra, tôm... thiết lập mức tăng trưởng mới. Theo dự báo nhu cầu tôm của thế giới đến năm 2025 sẽ là 6,5 triệu tấn và cá là 46 triệu tấn. Thị trường xuất khẩu (XK) chủ yếu của Việt Nam là EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ngành thủy sản của nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội mở rộng thị trường: Lợi thế cắt giảm thuế quan từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) cùng với những diễn biến thuận lợi của yếu tố cung - cầu sẽ là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh XK. Ở góc độ thị trường, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng tạo những cơ hội nhất định cho thủy sản nước ta, khi Mỹ áp thuế 10% và đe dọa sẽ nâng mức thuế lên 25% đã tạo ra cơn chấn động lớn trong ngành XK thủy sản của Trung Quốc, là cơ hội để thủy sản của Việt Nam đẩy mạnh XK vào Mỹ để giành thị phần.

Cùng với đó, dự báo nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu dừa trái trong các ngành chế biến dừa các nước trong khu vực và trên thế giới ngày càng tăng nhanh. Các sản phẩm sản xuất (SX) từ dừa ngày càng đa dạng, phong phú, cộng với trình độ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật. Trong tương lai gần, dừa và các sản phẩm từ dừa của Việt Nam đáp ứng đủ yêu cầu nhập khẩu của các thị trường khó tính. Mức tăng về nhu cầu các sản phẩm dừa toàn cầu đến 2025 tăng bình quân trên 10%, trong đó: sữa dừa tăng 15% (riêng sữa dừa hữu cơ tăng 8,5%), thạch dừa tăng 5,6%, bột dừa tăng 6,6%, kem dừa tăng 36%, nước dừa tăng 25%, dầu dừa tinh khiết tăng 21%. Do đó, dự báo sắp tới, SX, XK các sản phẩm dừa sẽ tăng nhanh.

Các nước tiêu thụ nhiều các sản phẩm dừa trên thế giới là: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, Trung đông - Bắc Phi. Thị trường XK sản phẩm dừa của Bến Tre luôn được mở rộng, góp phần tăng nhanh kim ngạch XK, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh phát triển theo hướng tích cực, tăng XK hàng CN chế biến, giảm dần XK hàng thô, sơ chế, từng bước nâng cao giá trị hàng XK. Cơ cấu thị trường có sự chuyển dịch từ một số nước là thị trường trung gian ở châu Á như: Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore sang thị trường trực tiếp EU, Bắc Mỹ có nhiều tiềm năng.

Định hướng phát triển

Dựa vào kết quả đạt được của giai đoạn 2016 - 2020, kết quả khảo sát về kế hoạch SX, kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh, nhóm nghiên cứu đã tính toán và đưa ra mục tiêu phát triển của các ngành CN chủ lực giai đoạn 2021 - 2025 như sau:

Đến năm 2025, giá trị SX của các ngành CN chủ lực chiếm tỷ trọng 43,1% so với giá trị SX chung toàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 11,82%/năm. Trong đó, ngành SX, chế biến thủy sản tăng bình quân 11,65%, ngành SX, chế biến dừa tăng bình quân 12,2%. Đến năm 2025, kim ngạch XK của các ngành CN chủ lực chiếm tỷ trọng 34,54% so với tổng kim ngạch XK trên địa bàn tỉnh.

Đối với thủy sản, phát triển nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao cung cấp cho ngành CN chế biến thủy sản. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 và công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo ra những giá trị vượt trội trong SX. Hình thành chuỗi SX từ vùng SX nguyên liệu, chế biến đến khâu tiêu thụ với hệ thống phân phối đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Giữ vững thị phần trên các thị trường lớn (EU, Nhật, Hoa Kỳ, Nga...), không ngừng mở rộng thị trường để tăng thị phần trên các thị trường tiềm năng khác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Úc, các nước Đông Âu, Trung Mỹ, Nam Mỹ...). Củng cố và phát triển chế biến thủy sản nội địa, mở rộng thị trường trong nước trên cơ sở đa dạng hóa các sản phẩm.

Đối với dừa, phát triển ngành CN chế biến dừa đi vào chiều sâu, sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao; khuyến khích nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm và SX các sản phẩm mới: các loại thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm... Thực hiện quy hoạch cụ thể vùng trồng dừa uống nước và vùng trồng dừa phục vụ cho cN chế biến. Tăng cường công tác hỗ trợ về khuyến công và khoa học công nghệ, nhằm giúp cho các DN SX các sản phẩm từ dừa có thể đổi mới, công nghệ, thiết bị chế biến, ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào SX, xây dựng và quảng bá thương hiệu dừa Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần phải xây dựng, phát triển các hợp tác xã, các chuỗi liên kết trong ngành dừa để việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ được dễ dàng, các sản phẩm SX ra được đồng đều, chất lượng được đồng nhất, giúp cho việc xây dựng thương hiệu để XK và cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Đặc biệt, tăng cường liên kết vùng để xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết tiêu thụ, SX. Tỉnh sẽ trở thành trung tâm liên kết, tiêu thụ, chế biến dừa cho cả tiểu vùng. Khi đó, sẽ nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người trồng dừa. Đồng thời, tỉnh mở rộng liên kết, hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước, nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả trong nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ ngành dừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh và các tỉnh trồng, chế biến dừa trong cả nước.

Mặt khác, các ngành CN chủ lực khi được đầu tư phát triển sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh, cơ cấu CN theo ngành và theo lao động sẽ có sự chuyển dịch tương đối rõ rệt theo hướng tích cực, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động.

Giải pháp, cơ chế, chính sách

“Chìa khóa” để có thể phát triển các ngành CN chủ lực thành công chính là việc xây dựng và thực thi các chính sách, từ chính sách về thuế đến hệ thống cơ sở hạ tầng, kế hoạch phát triển lực lượng lao động, không phải chỉ lựa chọn được ngành CN chủ lực là xong. Từ việc đánh giá thực trạng và tiềm năng của ngành CN chủ lực trên địa bàn tỉnh, để có đề xuất các giải pháp chủ yếu, khả thi, đồng bộ nhằm phát triển bền vững ngành CN này trong thời gian tới.

Đề tài xác định 2 nhóm giải pháp lớn là hỗ trợ cho ngành CN chủ lực phát triển và phát triển ngành CN chủ lực. Theo đó, giải pháp hỗ trợ tập trung vào tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và SX, kinh doanh; phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn đầu tư đồng bộ và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật, giao thông, dịch vụ logistisc để nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho hoạt động SX, kinh doanh của các DN.

Đồng thời, tỉnh rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, chính sách hỗ trợ CN khởi nghiệp; các quy hoạch, kế hoạch phát triển CN để định hướng, khuyến khích, thu hút các nguồn lực, hỗ trợ các DN ngành CN chủ lực và mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt các thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan... theo hướng ngày càng minh bạch; tiếp tục hỗ trợ các DN thực hiện các quy định về quản lý xuất nhập khẩu; tập trung hình thành các mối liên kết giữa các DN để nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập nhanh và phát triển hiệu quả hơn.

Về giải pháp phát triển ngành, tỉnh sẽ thực hiện quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu và tăng cường liên kết phát triển vùng. Quy hoạch phát triển ổn định vùng nguyên liệu để phục vụ cho các ngành CN chế biến của tỉnh (cây dừa, nuôi trồng thủy sản). Đồng thời, chú ý đến các khả năng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn sâu và kéo dài... Tăng cường công tác liên kết phối hợp, quy hoạch vùng giữa các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hướng đến cơ chế liên kết, phân công không gian lãnh thổ các ngành nghề phù hợp với công tác quy hoạch dưới cấp độ vùng. Thực hiện chủ trương, lấy thị trường và kết nối với TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ làm chủ đạo, định hướng đề xuất phát triển hạ tầng giao thông thông suốt, thuận lợi kết nối đến các trung tâm kinh tế, tạo điều kiện cho vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh được thuận lợi.

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đưa vào trồng trọt, chăn nuôi các loại giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu tốt, ổn định phục vụ cho phát triển SX lâu dài. Thu hút các dự án có quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án SX ngành CN chủ lực áp dụng công nghệ cao, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm và hàng hóa XK, trong đó chú trọng thu hút đầu tư FDI vào các ngành CN cơ khí chế tạo (máy công cụ, thiết bị toàn bộ; SX, lắp ráp ô tô; các lĩnh vực chế tạo); CN điện tử - công nghệ thông tin; các lĩnh vực CN công nghệ cao tại các quốc gia, thị trường mục tiêu là Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ.

Về giải pháp về thị trường, tỉnh sẽ duy trì các thị trường truyền thống hiện hữu trong nước và quốc tế. Nghiên cứu và tổ chức thâm nhập các thị trường mới; định hướng hình thành và tham gia các chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng hàng hóa, sản phẩm trong nước và quốc tế. Đối với thị trường sản phẩm đầu ra, tăng cường liên kết vùng, tăng cường các hoạt động thương mại hướng về 2 trung tâm kinh tế lớn là TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ, hướng mạnh hơn nữa về thị trường nông thôn. Tăng cường liên doanh liên kết với mạng lưới thương nghiệp của các thành phần kinh tế nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa và dịch vụ kịp thời, đáp ứng nhu cầu SX, tiêu dùng và tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Phát triển nguồn nhân lực là một trong những giải pháp quan trọng. Thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo nghề, khuyến khích đầu tư nước ngoài trên lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực. Xây dựng cơ chế phối hợp thường xuyên với các nước tiên tiến như: Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia EU trong lĩnh vực đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, đáp ứng yêu cầu CN hóa, hiện đại hóa và cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN