Thanh niên xung phong vững về tổ chức, mạnh phong trào

06/07/2020 - 07:05

BDK - Phó chủ tịch Thường trực Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh Nguyễn Lan Châu cho biết: Tiến tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam (15-7-1950 - 15-7-2020), 55 năm Ngày truyền thống lực lượng TNXP tỉnh (20-4-1965 - 20-4-2020), Hội Cựu TNXP tỉnh tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lực lượng TNXP tỉnh nhà học tập và làm theo lời Bác.

Cô Nguyễn Thị Lành bên cạnh công trình cầu ấp Vinh Trung, xã Vang Quới Đông, huyện Bình Đại.

Cô Nguyễn Thị Lành bên cạnh công trình cầu ấp Vinh Trung, xã Vang Quới Đông, huyện Bình Đại.

Xây dựng tổ chức và phong trào

Hội Cựu TNXP tỉnh được thành lập từ năm 2007, ban đầu có 250 hội viên (HV), đến nay tăng lên 4.483 hội viên (cả 3 cấp xã, huyện và tỉnh). Hàng năm, qua bình xét cơ sở hội hoạt động, có 87% đạt vững mạnh toàn diện, 13% hoạt động khá. Các cấp hội tập trung được 100% cựu TNXP vào tổ chức.

“Chỉ 13 năm từ ngày thành lập nhưng Hội Cựu TNXP tỉnh có 11 năm hoạt động mạnh, là một trong những đơn vị dẫn đầu các phong trào thi đua được Trung ương Hội đánh giá cao và được tặng cờ thi đua xuất sắc, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang” (năm 2011); năm 2014, Hội Cựu TNXP tỉnh đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba…” - Phó chủ tịch Thường trực Hội Cựu TNXP tỉnh Nguyễn Lan Châu cho biết.

Các phong trào thi đua được phát động như xây dựng nhà “Nghĩa tình đồng đội”, “Đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thực hiện chính sách đối với TNXP, xây dựng tổ chức hội trong sạch, vững mạnh, các chương trình phối hợp giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ… đều đạt những kết quả cao.

Đến nay, Hội Cựu TNXP tỉnh là đơn vị tham gia giải quyết tốt nhất về chế độ, chính sách cho cựu TNXP; 100% cựu TNXP thoát ly hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến đều được hưởng chế độ của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, UBND tỉnh xác nhận 80 đơn vị TNXP được thành lập và hoạt động trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước với 2.549 đội viên. Qua phong trào “Nghĩa tình đồng đội”, “Đền ơn đáp nghĩa” đã góp phần chăm lo đời sống cán bộ, HV, gia đình thương binh, liệt sĩ... Đã vận động và xây dựng 161/100 căn nhà “Nghĩa tình đồng đội”, “Mái ấm đồng đội” và sửa chữa 30 căn nhà cho HV có hoàn cảnh nghèo, khó khăn. Tặng hơn 152 ngàn phần quà, 150 sổ tiết kiệm, 3.214 thùng chứa nước và nhiều học bổng, học phẩm dành cho học sinh là con em cán bộ, HV.

Phong trào “Cựu TNXP giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững” cũng được các cấp hội tổ chức thực hiện, có 100% hội ở xã, phường, thị trấn xây dựng Quỹ nghĩa tình động đội với nguồn quỹ được huy động trên 25 tỷ đồng - xây dựng các mô hình hỗ trợ, giúp đỡ HV như: nuôi bò, nuôi heo đất, “Trồng một cây, nuôi một con”… Có 798 cựu TNXP làm kinh tế giỏi, 275 cựu TNXP thoát nghèo bền vững. Thực hiện các chương trình phối hợp, hội tích cực tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ với các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của lớp thế hệ thanh niên đi trước.

“Hội Cựu TNXP tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, khích lệ và trân trọng của nhiều đơn vị, cá nhân, nhất là các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Vì thế, từ khi thành lập đến nay, hội luôn phấn đấu, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tổ chức hội và các phong trào thi đua luôn được các cấp hội thi đua thực hiện tốt” - bà Nguyễn Lan Châu cho biết thêm.

Gương điển hình tiên tiến

Sinh năm 1953, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại xã Giao Hòa, huyện Châu Thành. Lúc 13 tuổi, cô Nguyễn Thị Lành (cô Ba Lành) đã sớm giác ngộ cách mạng và là cô giao liên đáng tin cậy của Chi bộ xã Giao Hòa - Giao Long. Năm 1972, cô tham gia lực lượng TNXP rồi vào phục vụ cho Tiểu đoàn 516 cho đến ngày miền Nam giải phóng.

Là Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã An Hóa, huyện Châu Thành, cô hưởng ứng các phong trào thi đua do Tỉnh hội phát động và thực hiện phong trào thi đua yêu nước về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Từ năm 2008 đến nay, cô Ba Lành đã tích cực vận động và xây dựng 82 cây cầu giao thông nông thôn trên địa bàn 2 huyện Châu Thành và Bình Đại, với tổng kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Bà Nguyễn Lan Châu nhận xét: Cô Ba Lành là một trong những tấm gương được hội đánh giá rất cao trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Cô là người mẫu mực về đức tính cần cù, vượt khó, làm kinh tế giỏi; luôn hết lòng với đồng đội, hội viên; là chủ tịch hội gương mẫu, tiêu biểu, đưa hoạt động hội luôn vững mạnh, xuất sắc nhiều năm liền.

“Năm 2008, qua sự quen biết của bạn bè, tôi bắt đầu vận động và xây tặng cho xã An Hóa 2 cầu giao thông nông thôn. Với sự nhiệt tình, làm hiệu quả, tôi được bạn bè tin tưởng, hết lòng ủng hộ. Học tập và làm theo Bác là tâm nguyện cả đời của tôi. Trong tâm trí tôi luôn in sâu 4 câu thơ của Bác tặng lực lượng TNXP: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên” - cô Nguyễn Thị Lành chia sẻ.

“Qua 5 năm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đã có 250 gương điển hình trong HV được tuyên dương cấp tỉnh, 1.978 gương điển hình tuyên dương cấp huyện, thành phố, 97% hội viên cấp xã, phường, thị trấn được tuyên dương”.

(Phó chủ tịch Thường trực Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Nguyễn Lan Châu)

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN