Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre

Thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

25/10/2022 - 20:44

BDK.VN - Ngày 25-10-2022, Quốc hội nghe các Tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi); Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách tỉnh Bến Tre tham gia thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách tỉnh Bến Tre tham gia thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Tham gia thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách tỉnh Bến Tre đánh giá cao sự tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện của Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đối với dự thảo luật qua kỳ họp thứ ba, cũng như qua các cuộc hội nghị, hội thảo và ý kiến góp ý của các đoàn đại biểu Quốc hội trước Kỳ họp thứ tư. Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật trước khi Quốc hội xem xét thông qua, đại biểu có một số ý kiến góp ý trực tiếp vào các điều khoản của dự thảo luật như sau:

Về trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra được quy định tại Điều 6 của dự thảo luật, đại biểu cho rằng đây là luật chuyên ngành về hoạt động thanh tra, còn hoạt động kiểm tra thì đã có các văn bản khác điều chỉnh. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét không quy định nội dung kiểm tra trong điều này và các điều luật khác trong dự thảo luật, nhằm tách bạch hoạt động thanh tra và kiểm tra, cũng để tránh việc nhập nhằng 2 nhiệm vụ này như trong thời gian vừa qua.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra huyện: Tại điểm a khoản 1 Điều 31 của dự thảo luật có quy định "thanh tra huyện xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra gửi thanh tra tỉnh tổng hợp trong kế hoạch thanh tra của tỉnh", đại biểu đề nghị điều chỉnh bổ sung quy định trên thành "thanh tra huyện xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện xem xét, có ý kiến thống nhất trước khi gửi thanh tra tỉnh tổng hợp trong kế hoạch thanh tra của tỉnh" cho phù hợp với vị trí, chức năng của thanh tra huyện tại khoản 1 Điều 30 của dự thảo luật.

Về xử lý vi phạm trong quá trình thanh tra: Tại khoản 3 Điều 66 dự thảo luật quy định "trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo người ra quyết định thanh tra, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp biết" để tránh việc xử lý chậm, làm cho việc đấu tranh phòng, chống tội phạm không kịp thời, bỏ lọt tội phạm, gây thất thoát hoặc hậu quả pháp lý xấu. Đại biểu đề nghị điều chỉnh quy định này theo hướng "trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo ngay cho người ra quyết định thanh tra để nhanh chóng chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp biết".

Về ban hành kết luận thanh tra: Tại khoản 4 Điều 76 dự thảo luật có quy định "trước khi công khai kết luận thanh tra người ra quyết định thanh tra có thể sửa đổi, bổ sung kết luận thanh tra đã ban hành nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan, khả thi", đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét quy định khoảng thời gian tối đa được phép để thực hiện công việc này là bao nhiêu ngày để đảm bảo kết luận thanh tra. Ngoài việc ban hành chính xác, khách quan, khả thi nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo công bố kịp thời tránh việc kéo dài, nhất là đối với các vụ việc mà dư luận đang quan tâm.

Về quyền của đối tượng thanh tra: Tại điểm c khoản 1 Điều 90 dự thảo luật quy định "đối tượng thanh tra có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật", đại biểu cho rằng quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại là đúng nhưng chưa đầy đủ trong quy định này. Bởi vì, trong trường hợp đối tượng thanh tra bị xử lý oan sai từ hoạt động thanh tra dẫn đến hậu quả như bị mất việc, bị cách chức, hạ bậc lương, bị thay đổi vị trí việc làm, bị mất uy tín... Đề nghị bổ sung điểm c theo hướng "đối tượng thanh tra có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật và yêu cầu khôi phục các quyền lợi khác mà đối tượng thanh tra bị mất hoặc bị giảm sút do bị xử lý oan sai từ các hoạt động thanh tra".

Tin, ảnh: Hồng Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích