Thế giới tuần qua: Ba khu vực lớn chia sẻ sân khấu chính trị

24/11/2009 - 12:48
Tổng thống Mỹ Obama nói chuyện với thanh niên, sinh viên Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kết thúc chuyến thăm châu Á đầu tiên trên cương vị đứng đầu nước Mỹ. Qua chuyến đi này, với sự chia sẻ trách nhiệm giữa Mỹ và châu Á, lần đầu tiên trong lịch sử, ba khu vực lớn - Bắc Mỹ, châu Âu lục địa và Đông Á - cùng chia sẻ sân khấu chính trị thế giới.

Thông điệp trong chuyến thăm bốn nước châu Á gồm Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và Hàn Quốc lần này của ông chủ Nhà Trắng là khằng định với thế giới rằng Mỹ đã và phải trở lại châu Á để củng cố các mối quan hệ với các đồng minh và tăng cường quan hệ với các đối tác ở khu vực ngày càng quan trọng này của thế giới.

Chuyến công du 8 ngày tới châu Á lần này của Tổng thống Mỹ có ý nghĩa chiến lược trên cả phương diện kinh tế, chính trị và quân sự, đặc biệt là đối với việc điều chỉnh chiến lược châu Á của Mỹ trong thời gian tới. Theo các chuyên gia, có ba động lực trong chuyến thăm châu Á của người đứng đầu nước Mỹ:

Thứ nhất, từ đầu năm nay kinh tế thế giới đã có dấu hiệu bắt đầu phục hồi, nhưng động lực chủ yếu là từ châu Á, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ là những điểm sáng nổi trội. Trong khi đó, kinh tế Âu, Mỹ mặc dù đã có những dấu hiệu cải thiện, nhưng chưa vững chắc, nhất là tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng cao. Có thể nói hiện đang là thời điểm nhạy cảm của kinh tế Mỹ. Do vậy, Tổng thống Obama lựa chọn thời điểm này thăm châu Á, trong đó coi Trung Quốc là trọng điểm (thăm Trung Quốc 3 ngày) đã thể hiện rõ ý đồ kinh tế chiến lược của Mỹ.

Thứ hai, điểm đến đầu tiên trong chuyến công du châu Á lần này của Tổng thống Obama là Nhật Bản, mặc dù thời gian khá ngắn chỉ có một ngày, nhưng cũng đủ để thể hiện Mỹ luôn coi trọng quan hệ với Nhật Bản. Điều này không chỉ mang ý nghĩa chiến lược nhắc lại “Hiệp ước bảo đảm an ninh Mỹ-Nhật” vẫn còn nguyên giá trị.

Thứ ba, chuyến thăm châu Á lần này của Tổng thống Obama tạo ra sức ép vô hình đối với Trung Quốc. Một là, Mỹ khẳng định chiến lược “Quay trở lại châu Á” - điều này đồng nghĩa với cản trở xu thế ảnh hưởng ngày một gia tăng của Trung Quốc tại khu vực này, đồng thời đưa ra tín hiệu Mỹ sẽ không để Trung Quốc chỉ đạo công việc châu Á.

Hai là gần đây, Mỹ đã dựng lại bức tường bảo hộ mậu dịch nhằm vào Trung Quốc, bắt đầu triển khai cuộc chiến mậu dịch với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực. Vì thế chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng thống Obama vô tình tạo thành sức ép đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chuyến thăm Trung Quốc cũng tạo điều kiện để hai bên trực tiếp đối thoại về các vấn đề còn tồn tại bất đồng, giúp hai nước tăng cường tin cậy và tôn trọng lợi ích của nhau, trên cơ sở đó tìm cách cân bằng lợi ích kinh tế trong mậu dịch và đầu tư song phương, thậm chí trong lĩnh vực an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây cũng có thể coi là một trong những giá trị chiến lược trong chuyến công du châu Á lần này của Tổng thống Obama.

Qua chuyến đi này, với sự chia sẽ trách nhiệm giữa Mỹ và châu Á, lần đầu tiên trong lịch sử, ba khu vực lớn - Bắc Mỹ, châu Âu lục địa và Đông Á - cùng chia sẻ sân khấu chính trị thế giới.

EU có Chủ tịch đầu tiên

Ông Herman Van Rompuy và bà Catherine Ashton

Một trong những sự kiện đáng chú ý trong tuần là ngày 19/11, lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định chọn Thủ tướng đương nhiệm của Bỉ Herman Van Rompuy giữ chức Chủ tịch Hội đồng EU (Chủ tịch EU) đầu tiên với nhiệm kỳ 2 năm rưỡi, thay thế cho chức Chủ tịch luân phiên EU 6 tháng một lần như hiện nay.

Không chỉ là đại diện cấp cao nhất của EU giải quyết các vấn đề quốc tế (giống như một tổng thống), vị chủ tịch mới này còn có nhiệm vụ chuẩn bị các hội nghị thượng đỉnh của khối.

Cũng tại cuộc họp này, bà Catherine Ashton, 53 tuổi, hiện là Ủy viên châu Âu phụ trách Thương mại, đã được bầu là Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại (Ngoại trưởng) với nhiệm kỳ 5 năm. Đây là những vị trí quan trọng nhất của EU được cơ cấu theo qui định của Hiệp ước Lisbon, dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1/12/2009.

Kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Cũng tại châu Ấu, sau ba ngày họp, từ 16 đến 18/11, Hội nghị cấp cao về lương thực toàn cầu không đạt mục tiêu đề ra về việc tài trợ cho các nước nghèo giải quyết nạn đói. Trong diễn văn bế mạc hội nghị, Tổng Giám đốc FAO Jacques Diouf cho biết các nước đã đạt "bước tiến quan trọng" bằng cam kết tăng viện trợ cho ngành nông nghiệp trong tuyên bố cuối cùng của hội nghị. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng trong tuyên bố cuối cùng này hoàn toàn không có bất kỳ mục tiêu hay thời hạn cụ thể nào được đưa ra.

Ảnh minh họa

Liên quan kinh tế thế giới thời kỳ hậu khủng hoảng, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Dominique Strauss-Kahn, khẳng định châu Á có thể đóng vai trò hàng đầu định hướng nền kinh tế thế giới vào con đường phát triển mới, bền vững hơn.

Đồng quan điểm với người đứng đầu IMF, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 19/11 cho biết châu Á đang là khu vực đưa nền kinh tế thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, tuy nhiên, tỉ lệ thất nghiệp cao và những khoản nợ công lớn từ phía các nước công nghiệp có thể cản trở quá trình phục hồi này.

Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick đã một lần nữa lên tiếng báo động các nguy cơ tiềm ẩn trong tiến trình phục hồi của nền kinh tế thế giới. Ông Zoellick cho rằng sự phục hồi hiện nay của nền kinh tế thế giới “khá mong manh” và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm bất ngờ. Nguy cơ lớn nhất vẫn là những bong bóng cổ phiếu, nhà ở và các bất động sản khác có thể xuất hiện và nổ tung không thể kiểm soát nổi bất cứ lúc nào trong quá trình phục hồi kinh tế nếu không có biện pháp ngăn chặn sớm.

Tỷ lệ thất nghiệp cao ở các nước giàu có thể gây ra những chấn động ngầm đến các thể chế tài chính quốc gia và quốc tế. Chủ tịch WB cũng cảnh báo nguy cơ ít được chú ý đến là bóng ma lạm phát khi các ngân hàng Trung ương các nước tiếp tục bơm nguồn tài chính khổng lồ để kích thích nền kinh tế trong nước.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN