Thế giới nhận thức rõ hơn về hậu quả của biến đổi khí hậu
Cho đến những ngày họp cuối cùng, mục tiêu cắt giảm khí thải và các khoản đóng góp tài chính cho quỹ đổi phó với biến đổi khí hậu là những vấn đề bất đồng sâu sắc tại Copenhagen. Tuy thế, Hội nghị Copenhagen đã có ý nghĩa rất lớn là tạo ra nhận thức chung trên phạm vi toàn cầu về hậu quả khốc liệt của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Việt Nam là một trong số ít quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH nhưng không phải là nước có lượng phát thải khí nhà kính lớn.
Việt Nam có bờ biển dài, nhiều khu kinh tế và dân cư tập trung ở vùng ven biển, đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long không chỉ cung cấp lương thực cho hơn 86 triệu dân Việt Nam mà còn góp phần nuôi sống hàng trăm triệu người trên Trái Đất vì nơi đây mỗi năm cung cấp khoảng 1/5 tổng lượng gạo xuất khẩu trên thế giới. Nếu nước biển dâng lên 1 m thì các đồng bằng và vùng ven biển của Việt Nam sẽ ngập đến 38%, gây ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp đến đời sống, xã hội và an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới. Việt Nam đã chủ động xây dựng và đang tích cực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH.
Thủ tướng nhấn mạnh, Trái Đất là ngôi nhà chung của nhân loại, vì vậy việc ứng phó với BĐKH là rất cấp bách và là trách nhiệm của mọi quốc gia. Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao các sáng kiến quan trọng nhằm bảo vệ hệ thống khí hậu Trái Đất, đồng thời mong muốn tại Hội nghị này, các nước sẽ đạt được sự đồng thuận trong việc đưa ra các thoả thuận quốc tế mới về ứng phó với BĐKH.
Cho đến những ngày cuối cùng của Hội nghị, một số nước đã cam kết đóng góp 22 tỷ USD cho cuộc chiến đang mở ra này. Động thái được coi là "liều thuốc bổ lớn" cho Hội nghị Copenhagen đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ do những bất đồng về khoản đóng góp và mức cắt giảm khí thải cacbon giữa các nước. Nhật Bản là quốc gia đi đầu nỗ lực trên khi cam kết đóng góp một khoản tiền khổng lồ 1.750 tỷ yên (19,5 tỷ USD), châu Âu cam kết sẽ đóng góp 7,2 tỷ euro (10,2 tỷ USD) cho quỹ (dự kiến trị giá 30 tỷ USD) để giúp các quốc gia đang phát triển ứng phó với BĐKH trong giai đoạn 2010-2012. Sự kiện này cho thấy mặc dù còn nhiều bất đồng, nhưng thế giới vần có sự hợp tác để chống BĐKH.
Hội nghị Copenhagen lên đến cực điểm vào ngày 18/12, khi các nhà lãnh đạo, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, đưa ra một chiến lược giải quyết vấn đề BĐKH vào cuối năm 2012, thời điểm Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực. Ông Obama đã đề xuất mức cắt giảm 17% lượng khí thải cacbon của Mỹ vào năm 2020 từ mức của năm 2005, thấp hơn nhiều so với cam kết cắt giảm của Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản.
|
Trong 1 năm thực thi Hiến chương , các nước ASEAN đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng. |
Những thỏa thuận, hợp tác quan trọng
Bên lề Hội nghị, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev có cuộc gặp để thảo luận về một thỏa thuận mới thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược giai đoạn I (START-I) đã hết hạn đầu tháng 12/2009. Trước đó, ngày 17/12, Nhà Trắng cho biết Mỹ vẫn đang nhằm tới mục tiêu ký thỏa thuận mới với Nga trong năm nay về cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa hai nước.
Ngày 16/12, Tổng thống Nga D. Medvedev tuyên bố “quan hệ Nga/NATO đang bước sang một thời kỳ mới” trong cuộc hội đàm ở Mátxcơva với Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương" (NATO), Anders Fog Rasmussen đang ở thăm Nga. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định quan hệ Nga/NATO đã có nhiều thời kỳ phát triển, bắt đầu từ "Chiến tranh lạnh" và đã chuyển sang quan hệ đối tác.
Tại Jakarta, thủ đô Indonesia, ngày 16/12 Ban Thư ký ASEAN đã tổ chức Diễn đàn chính sách kỷ niệm 1 năm thực hiện Hiến chương của tổ chức này. Trong 1 năm thực thi Hiến chương, ASEAN đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng, đặc biệt là phát triển các cơ chế hướng tới một ASEAN hội nhập và hoạt động trên cơ sở Hiến chương. Đây là thời điểm để các nước thành viên cùng tăng cường đưa Hiến chương vào cuộc sống.
Trong tuần, tại khu mỏ khai thác khí đốt Samandepe của Turkmenistan (gần biên giới Uzbekistan), Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cùng các nhà lãnh đạo Turkmenistan, Kazakhstan và Uzbekistan đã cắt băng khánh thành "tuyến đường ống dẫn khí đốt thế kỷ" nối khu vực Trung Á với Trung Quốc. Hệ thống đường ống này khi đi vào vận hành sẽ cho phép Turkmenistan cung cấp cho thị trường tiêu thụ năng lượng khổng lồ Trung Quốc 40 tỷ m3 khí đốt/năm, và dự kiến công suất tối đa này sẽ đạt được vào năm 2012.
|
Tiến sỹ Ngô Bảo Châu |
Mở đầu cuộc bình chọn những nhân vật của năm 2009
Càng về dịp cuối năm, nhiều tổ chức công bố các vấn đề lớn của năm. Ví dụ, tạp chí danh tiếng The Time (Mỹ) đã bình chọn công trình chứng minh “Bổ đề cơ bản chương trình Langlands” (gọi tắt là Bổ đề cơ bản) của Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Ngô Bảo Châu là 1 trong 10 khám phá tiêu biểu của khoa học thế giới năm 2009. Công trình toán học của Giáo sư Ngô Bảo Châu được xếp bên cạnh một loạt phát minh khoa học tiêu biểu có tầm vóc quốc tế và có ảnh hưởng tới lịch sử phát triển của nhân loại như: tìm thấy bộ xương cổ nhất của loài người, giải mã bộ gien người, phát hiện nước trên Mặt Trăng, phép truyền thông lượng tử, "hồi sinh" máy gia tốc hạt lớn...
Tạp chí Time cũng bình chọn Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke, người đã góp phần chèo lái "con thuyền kinh tế Mỹ" vượt qua những ngày tháng đen tối nhất kể từ sau cuộc Đại Suy thoái những năm 1930, là "Nhân vật của Năm 2009". Trong một thông báo, Tổng Biên tập tạp chí Time nói: "Cuộc suy thoái là câu chuyện của năm nay. Nếu không có Ben Bernanke... nó sẽ còn trở nên tồi tệ hơn".