COVID-19 tới 6h sáng 14-4-2021:

Thêm 12.000 ca tử vong/ngày; Lo ngại cục máu đông với vaccine J&J

14/04/2021 - 07:33

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 12.046 ca tử vong và trên 710.000 ca nhiễm mới. Sau vaccine AstraZeneca, vaccin phòng COVID của Johnson&Johnson - có cùng công nghệ sản xuất - cũng bị nghi liên quan đến chứng cục máu đông ở não sau tiêm.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Pierre-Benite gần Lyon, Pháp, ngày 7-4-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Pierre-Benite gần Lyon, Pháp, ngày 7-4-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 14-4 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 137.981.609 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.969.892 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 711.504 và 12.046 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 110.887.550 người, 24.109.472 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 104.203 ca nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (185.248 ca), Brazil (78.585 ca) và Mỹ (71.589); Brazil dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 3.394 ca), tiếp theo là Ấn Độ (1,026 ca) và Mỹ (770 ca)

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 32.063.542 triệu người, trong đó có 577.134 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 13.871.321 ca nhiễm, bao gồm 172.115 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 13.599.994 ca bệnh và 358.425 ca tử vong.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế tại bệnh viện ở Caracas, Venezuela, ngày 19-2-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế tại bệnh viện ở Caracas, Venezuela, ngày 19-2-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

CDC và FDA Mỹ khuyến cáo ngừng tiêm vaccine Johnson&Johnson; Tổng thống Biden cam kết đủ vaccine công nghệ khác

Ngày 13-4, các cơ quan y tế liên bang Mỹ khuyến cáo "tạm ngừng" sử dụng vaccine ngừa bệnh COVID-19 của hãng Johnson&Johnson vì lý do "thận trọng", trong bối cảnh Mỹ đang điều tra mối liên hệ có thể có giữa việc tiêm vaccine này với tình trạng hình thành huyết khối của người được tiêm phòng.

Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) và các trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) đang tiến hành đánh giá "những dấu hiệu đáng lưu ý tiềm tàng" trong 6 ca tiêm phòng có xuất hiện huyết khối. FDA cho biết "trong khi chờ tiến trình này hoàn tất, chúng tôi khuyến cáo tạm ngừng" tiêm vaccine của Johnson&Johnson.

Cùng ngày Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ có 600 triệu liều vaccine công nghệ mRNA - tức không phải vaccine Johnson&Johnson hay AstraZeneca, đủ dùng cho từng người dân Mỹ. Ông Biden đưa ra cam kết này khi được hỏi về thông điệp với người dân sau khi cơ quan chức năng khuyến nghị chính phủ tạm dừng tiêm vaccine của Johnson&Johnson.

Tổng thống Biden phát biểu trước cuộc họp tại Phòng Bầu dục vào ngày 13-4. Ảnh: AFP/Getty Images

Tổng thống Biden phát biểu trước cuộc họp tại Phòng Bầu dục vào ngày 13-4. Ảnh: AFP/Getty Images

Johnson & Johnson hoãn giao vaccine cho châu Âu

Ngày 13-4, hãng Johnson & Johnson cho biết sẽ hoãn kế hoạch giao vaccine ngừa bệnh COVID-19 cho châu Âu sau khi các cơ quan chức năng Mỹ khuyến cáo tạm ngừng sử dụng vaccine của hãng này liên quan đến nguy cơ xuất hiện huyết khối sau khi tiêm.

Sau khuyến cáo trên, Johnson & Johnson ra tuyên bố cho biết: "Chúng tôi đã quyết định chủ động hoãn kế hoạch giao vaccine tại châu Âu" và đang đánh giá các trường hợp này với cơ quan y tế châu Âu. 

Theo thông tin mới nhất, ông Peter Marks, một nhà khoa học cấp cao của FDA của Mỹ ngày 13-4 cho biết trong số 6 ca tại Mỹ xuất hiện huyết khối sau khi tiêm vaccine của Johnson & Johnson, có 1 ca đã tử vong cùng ngày trong khi 1 ca khác đang trong tình trạng nguy kịch. Tất cả 6 ca này đều là phụ nữ, tuổi từ 18-48 tuổi, đã xuất hiện một dạng huyết khối hiếm thấy trong não kèm theo hiện tượng tiểu cầu thấp trong vòng 6-13 ngày sau khi tiêm. Chuyên gia trên liên hệ với một trường hợp tương tự tại châu Âu sau khi được tiêm vaccine của hãng AstraZeneca, loại vaccine dùng công nghệ adenovirus vector. Bệnh này được cho là xuất phát từ một phản ứng miễn dịch hiếm thấy đối với vaccine, gây ra hoạt động mạnh của huyết khối.

Vaccine phòng COVID do công ty dược Janssen, thuộc sở hữu của Johnson&Johnson, sản xuất đã được khuyến nghị tạm dừng tiêm tại Mỹ. Ảnh: AP

Vaccine phòng COVID do công ty dược Janssen, thuộc sở hữu của Johnson&Johnson, sản xuất đã được khuyến nghị tạm dừng tiêm tại Mỹ. Ảnh: AP

Canada: Trường hợp đầu tiên bị cục máu đông 

Ngày 13-4, Canada xác nhận trường hợp đầu tiên tại nước này bị chứng cục máu đông hiếm gặp sau khi tiêm vaccine AstraZeneca. Bệnh nhân là một phụ nữ đã được tiêm vaccine tại tỉnh Quebec, hiện đang hồi phục tại nhà.

Canada tuyên bố tiếp tục điều tra và theo dõi thêm các báo cáo về những sự cố tương tự ở châu Âu. 

Bulgaria có thể ngừng tiêm vaccine Astra

Tại Bulgaria, Bộ trưởng Y tế Kostadin Angelov ngày 13-4 cũng thông báo việc triển khai tiêm vaccine của hãng AstraZeneca tại nước này có thể bị ngừng lại vì người dân không quan tâm. Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn lời Bộ trưởng Angelov cho biết trong 24 giờ qua, cả nước chỉ có 154 liều vaccine AstraZeneca được tiêm. Ở Bulgaria, không có giới hạn độ tuổi và lịch trình đặc biệt đối với việc tiêm chủng bằng loại vaccine trên. Mọi người đều có thể được tiêm vaccine AstraZeneca tại các bệnh viện lớn ở Bulgaria.

Người dân đeo khẩu trang phòng COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 12-4-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 12-4-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Ông Angelov nêu rõ: “Về mặt y tế, vaccine này đã được thử nghiệm an toàn và hiệu quả, nhưng có những lý do khiến nó không được chú ý”.  Ông cũng cho biết thêm rằng Bồ Đào Nha, nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, đang đề xuất một cách tiếp cận chung đối với vaccine AstraZeneca.

Pháp: Bệnh nhân ICU tăng kỷ lục từ đầu năm

Bộ Y tế Pháp cho biết số bệnh nhân COVID-19 phải điều trị trong các khu chăm sóc đặc biệt đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay với 5.916 người, dù nước này đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc mới.

Trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận thêm 385 ca tử vong, cao gấp đôi so với một ngày trước đó, nâng tổng số người không qua khỏi trên cả nước lên 99.135 ca. Nước này cũng thông báo có thêm 8.536 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca bệnh lên 5,07 triệu ca, tăng 4,84% so với con số thông báo cách đây một tuần. Tuy nhiên, trong vòng 3 tuần qua, mức tăng số ca nhiễm mới theo tuần trung bình là khoảng 5,6%, thấp hơn nhiều so với mức hai con số ghi nhận trong hầu hết mùa Thu năm ngoái.

Đáng chú ý, số ca nhiễm tại Pháp tăng từ tháng 3 đến nay chủ yếu do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Brazil.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại đảo Corsica, Pháp, ngày 29-1-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại đảo Corsica, Pháp, ngày 29-1-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nga ngừng bay tới Thổ Nhĩ Kỳ

Nga cũng quyết định đình chỉ khai thác các tuyến đường bay tới Thổ Nhĩ Kỳ và Tanzania trong 6 tuần do tình hình dịch bệnh COVID-19 tại hai nước này đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng nghiêm trọng. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15-4 đến 1-6, được đưa ra căn cứ diễn biến dịch bệnh tại hai nước. Từ đầu tháng 3 đến nay, Nga ghi nhận nhiều ca mới là công dân Nga bị lây nhiễm tại Thổ Nhĩ Kỳ trở về nước.

Trong vài tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 gia tăng liên tục tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu như thời điểm giữa tháng 3 mỗi ngày các cơ quan chức năng của nước này ghi nhận từ 6.000 đến 8.000 ca dương tính với SARS-CoV-2 thì từ đầu tháng 4 đến nay, con số này đã lên tới 56.000 ca. 

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở ngoại ô Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở ngoại ô Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Anh: Ca nhiễm mới cao nhất từ đầu tháng

Trong ngày 13-4, Chính phủ Anh cũng thông báo số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ ngày 1-4 đến nay với 3.568 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Anh cũng tăng lên 127.100 ca sau khi có thêm 13 trường hợp tử vong. Mặc dù vậy, ngày 12-4, Anh - một trong những nước có số ca tử vong cao nhất trên thế giới - đã lần đầu tiên nới lỏng các biện pháp hạn chế trong nhiều tháng qua, cho phép các quán rượu và nhà hàng nối lại dịch vụ ăn uống ngoài trời. Các tiệm làm tóc, phòng tập gym và bể bơi trong nhà cũng được mở cửa trở lại.

Anh hiện được đánh giá là một trong những nước triển khai thành công chương trình tiêm chủng. Cùng với đó, việc áp dụng các biện pháp phong tỏa đã giúp giảm 95% số ca tử vong và 90% số ca nhiễm mới kể từ tháng 1. Đến nay, tại Anh có 32,191 triệu người đã được tiêm liều đầu tiên và 189.665 người đã được tiêm đủ 2 liều.

Người dân xếp hàng tại một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Cornella, Tây Ban Nha, ngày 7-4-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Người dân xếp hàng tại một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Cornella, Tây Ban Nha, ngày 7-4-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Ireland giới hạn độ tuổi tiêm vaccine Astra

Trong khi đó, giới chức y tế Ireland cho biết nước này sẽ giới hạn độ tuổi được tiêm vaccine AstraZeneca của hãng dược liên doanh Anh-Thụy Điển là từ 60 tuổi trở lên. Trước đó, một số nước châu Âu cũng đã áp dụng quy định tương tự sau khi Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) công bố kết quả đánh giá mới nhất cho thấy có mối liên hệ giữa vaccine của AstraZeneca và hiện tượng đông máu hiếm gặp được ghi nhận ở một số người sau khi tiêm. Cụ thể, Ủy ban Cố vấn tiêm chủng quốc gia Ireland (NIAC) cho rằng không nên tiêm vaccine của AstraZeneca cho người dưới 60 tuổi cho tới khi có thêm những dữ liệu đánh giá mới.

Châu Á- Mông Cổ ghi nhận kỷ lục ca nhiễm mới

Trung tâm Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mông Cổ cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 885 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 - mức cao kỷ lục, nâng tổng số ca bệnh lên 16.603 ca. Các ca nhiễm mới đều là lây nhiễm trong cộng đồng và phần lớn ở thủ đô Ulan Bator. Mông Cổ cũng có thêm 2 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 32 ca. Tuần trước, Mông Cổ đã ghi nhận trung bình hơn 700 ca nhiễm/ngày - cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này vào tháng 3-2020. Mông Cổ đã áp đặt lệnh phong tỏa trên quy mô toàn quốc vào ngày 10-4 và kéo dài đến ngày 25-4.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người già tại viện dưỡng lão ở Tsu, tỉnh Mie, Nhật Bản ngày 12-4-2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người già tại viện dưỡng lão ở Tsu, tỉnh Mie, Nhật Bản ngày 12-4-2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Campuchia: Thủ đô Phnom Penh giới nghiêm thêm 2 tuần

Báo Khmer Times của Campuchia ngày 13-4 dẫn thông báo của chính quyền thủ đô Phnom Penh cho hay lệnh giới nghiêm tại thành phố này sẽ kéo dài thêm 2 tuần do số ca mắc mới COVID-19 chưa có dấu hiệu giảm.

Trước đó, chính quyền Phnom Penh đã quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm trong 2 tuần, từ ngày 1-4, thời gian giới nghiêm từ 20h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, nhằm giảm tình trạng lây nhiễm dịch bệnh ở thủ đô. Theo thông báo mới đã được Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng ký, lệnh giới nghiêm sẽ tiếp tục có hiệu lực từ ngày 15-4 – 28-4 tới.

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 4-4-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 4-4-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong thời gian giới nghiêm, hoat động đi lại trong thành phố bị cấm, trừ các trường hợp có lý do gia đình, khám chữa bệnh khẩn cấp, cấp cứu, cứu hỏa, công nhân nhà máy làm ca, lực lượng vũ trang thực thi nhiệm vụ. Những người vi phạm lệnh giới nghiêm sẽ bị phạt theo Luật ngăn chặn lây lan dịch bệnh COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm gây chết người khác.

Ngày 13-4, Bộ Y tế Campuchia xác nhận thêm 181 ca nhiễm mới, trong đó có 3 ca nhập cảnh và 178 ca lây nhiễm cộng đồng. Cũng giống như 2 tuần trở lại đây, số ca nhiễm mới được phát hiện nhiều nhất ở Phnom Penh với 140 ca.

Như vậy hết ngày 13-4, Campuchia ghi nhận tổng cộng 4.696 ca mắc COVID-19, trong đó 2.252 người hồi phục và 33 người tử vong.

Vận chuyển gạo và hàng thiết yếu cho Đại diện Chi nhánh Hội Khmer-Việt Nam tỉnh Kampong Chhnang. Ảnh: Trần Ngọc Long - PV TTXVN tại Campuchia

Vận chuyển gạo và hàng thiết yếu cho Đại diện Chi nhánh Hội Khmer-Việt Nam tỉnh Kampong Chhnang. Ảnh: Trần Ngọc Long - PV TTXVN tại Campuchia

Nhằm trấn an người dân trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng, trong thông điệp gửi đến người dân nhân dịp chào đón Tết cổ truyền Khmer, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen khẳng định cam kết của chính phủ đưa đất nước vượt qua thách thức dịch bệnh COVID-19, đảm bảo hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế. 

Thái Lan: Gần 1.000 ca mắc mới, 42 tỉnh hạn chế đi lại

Cùng ngày tại Thái Lan, Trung tâm kiểm soát tình hình dịch COVID-19 (CCSA) thông báo nước này ghi nhận 965 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 34.575 ca, trong đó 97 ca tử vong.

Theo cơ quan trên, đây là ngày thứ 3 liên tiếp Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới gần mốc 1.000 ca. Trong số ca mắc mới ghi nhận trong 24 giờ qua, 956 trường hợp là lây nhiễm trong cộng đồng.  Hiện vẫn còn 6.190 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại Thái Lan.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 8-4-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 8-4-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang Straits Times, ngày 13-4, thêm 3 tỉnh của Thái Lan áp dụng lệnh hạn chế vào tỉnh, nâng tổng số các tỉnh áp dụng biện pháp này lên 41.

Cùng ngày, Trung tâm nghiên cứu Kasikorn (K-Research) dự báo làn sóng mới nhất của đại dịch COVID-19 ở Thái Lan sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đi lại của người dân trong Tết cổ truyền Songkran và khiến ngành du lịch thiệt hại khoảng 10 tỷ baht (tương đương 316 triệu USD) trong quý II-2021.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN