Thí điểm thực hiện bảo trì giao thông nông thôn

01/06/2012 - 08:06
Đại diện Hội KHKT Cầu Đường khảo sát tại xã Phước Hiệp (Mỏ Cày Nam). Ảnh: H.C.Đ

Bảo trì giao thông nông thôn là sự chủ động thực hiện duy tu sửa chữa cầu, lộ nông thôn để tiếp tục sử dụng phục vụ nhân dân đi lại được an toàn; tốn kém ít.

Qua phong trào Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ hoặc thưởng và được các mạnh thường quân hỗ trợ, từ năm 2000 đến nay, Bến Tre đã xây được trên 3.200km lộ và 3.000 cây cầu (chủ yếu là cầu, lộ bê-tông) ở khắp các xã, ấp trong tỉnh. Những công trình này được nhân dân quản lý, sử dụng phục vụ cho sự đi lại an toàn và tác động nhiều mặt giúp cho kinh tế phát triển, xã hội giảm nghèo, sinh hoạt nông thôn sống động hơn. Các công trình đưa vào sử dụng hàng chục năm nay đã xuống cấp; mặt lộ bê-tông bị răn nứt, bong tróc và nhiều ổ gà, ổ voi, lề lộ bị xói lở, nhiều đoạn bị lún sụp. Cầu bị phương tiện xe, ghe tàu va quẹt bể trụ, gãy lan can… phải được bảo trì duy tu sửa chữa. Nhân dân đã góp công sức xây cầu, lộ nông thôn và hiện nay thực hiện bảo trì giao thông nông thôn cũng là nhân dân lo, tức là cộng đồng dân cư ở xóm ấp tiếp tục đóng góp công sức để bảo trì giao thông nông thôn phục vụ cho xóm ấp mình.

Để phát triển phong trào nhân dân thực hiện bảo trì giao thông nông thôn, Hội Khoa học kỹ thuật (KHKT) Cầu Đường Bến Tre phối hợp với Ban nghiên cứu hành động chính sách nâng cao hiệu quả thị trường cho người nghèo (PARU) và Trung tâm Môi trường và Phát triển giao thông vận tải (CETD) có kế hoạch khảo sát thực địa lập dự án nghiên cứu chính sách bảo trì đường giao thông nông thôn ở xã Phước Hiệp (Mỏ Cày Nam) và xã Tiên Long (Châu Thành) được UBND tỉnh đồng ý (tại Văn bản số 850/UBND-KTN/2012). Trong quá trình khảo sát, Hội KHKT Cầu Đường phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các ngành nêu trên tổ chức hội thảo “Về chính sách bảo trì giao thông nông thôn” (ngày 11-3-2012); được nhiều ý kiến tham luận hoan nghênh, nhận thấy bảo trì giao thông nông thôn là việc làm rất cần thiết. Hai xã được chọn thí điểm là: xã Phước Hiệp chọn 3 ấp (Tân Quới I, An Khánh II và An Trường); xã Tiên Long chọn 2 ấp (Tiên Phú I và Tiên Đông) để tổ chức Tổ nòng cốt bảo trì giao thông nông thôn (từ 7 đến 15 người) do nhân dân ở ấp bầu, được UBND xã công nhận. Các Tổ này được chuyên gia của Trung tâm phát triển cộng đồng Quảng Bình trao đổi kinh nghiệm trong vận động cộng đồng, tập huấn xây kế hoạch bảo trì. Trung tâm Tư vấn Cầu đường Bến Tre tập huấn kỹ thuật bảo trì. Các ấp nêu trên được Tổ xây dựng kế hoạch bảo trì các tuyến lộ trong ấp dài khoảng 1km với kinh phí khoảng 70 triệu đồng, trong số này Hội KHKT Cầu Đường hỗ trợ 17 triệu đồng, các cơ sở mua bán vật liệu hỗ trợ 4 triệu đồng còn lại do nhân dân đóng góp. Ngày 20 và 24-5-2012, hàng trăm lao động tham gia bảo trì, dặm vá hàng trăm ổ gà, nhiều đoạn bị răn nứt, bong tróc, một số đoạn lún sụp được sửa nâng mặt lộ và đắp lề lộ… các đoạn lộ dài khoảng 1.000m được phục hồi tiếp tục phục vụ đi lại.

Với kết quả bước đầu, Hội KHKT Cầu Đường đã nhân rộng ra: huyện Giồng Trôm chọn 2 ấp ở xã Lương Phú, huyện Bình Đại chọn 1 ấp ở xã Phú Vang, 1 ấp ở xã Lộc Thuận.

Trịnh Mai Sơn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích