Huyện Thạnh Phú đưa 100% các thủ tục hành chính lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Ảnh: Minh Mừng
Chọn “Hai chân - ba mũi”
Đến nay, huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện chỉ thị đến đảng viên các chi bộ, đảng bộ, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện. MTTQ Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp đẩy mạnh việc tuyên truyền, phát động trong toàn lực lượng đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua “Đồng khởi mới”.
Theo phương châm “Hai chân - Ba mũi” và điều kiện thực tế phù hợp, huyện đã chọn “Hai chân” là: 1] Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; 2] Phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Chân thứ nhất tập trung xây dựng Đảng bộ huyện vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức. Củng cố, sắp xếp và kiện toàn bộ máy chính quyền, MTTQ và các đoàn thể hoạt động theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Hàng năm, có 60 mô hình “dân vận khéo” trên các lĩnh vực được các cấp công nhận.
Mục tiêu đề ra của chân thứ nhất là toàn bộ hệ thống chính quyền từ huyện đến cơ sở phải vận hành trên môi trường mạng, xây dựng thành công chính quyền điện tử cấp huyện với 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện khác nhau. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 4 trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của huyện đạt từ 50% trở lên…
Chân thứ hai tập trung vào phấn đấu 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 xã nông thôn mới nâng cao. Đến 2025, huyện Thạnh Phú đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Chăm lo con người phát triển toàn diện. Xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện theo hướng phát triển ổn định, bền vững, gồm các chuỗi: xoài, dừa, lúa, tôm, cua.
“Ba mũi” tập trung vào 3 nhiệm vụ đột phá gồm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động nguồn lực phát triển hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: 1] Cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; 2] Huy động nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông, nhất là các tuyến đường huyện, xã; hoàn thành và đưa vào sử dụng dự án thủy lợi Nam Bến Tre; đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền 3 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú; đê bao ngăn mặn kết hợp giao thông từ cầu Cổ Chiên đến xã Bình Thạnh; 3] Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính cấp huyện, xã…
Gắn với chuyển đổi số
Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là một trong những nội dung được huyện xác định phải đẩy mạnh thực hiện gắn với thi đua “Đồng khởi mới” theo phương châm “Hai chân - Ba mũi”.
Theo đó, ngay từ đầu năm, huyện đã triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU. Bước đầu, huyện đã xây dựng hoàn chỉnh các quy trình điện tử và đưa 100% các thủ tục hành chính lên mức độ 4. Cụ thể, đưa 87 thủ tục hành chính mức độ 4 cấp huyện (cấp huyện 60, cấp xã 27), 83 thủ tục hành chính mức độ 3 lên cổng dịch vụ công trực tuyến. Kết quả, huyện cũng đã tiếp nhận gần 4 ngàn hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công trực tuyến do các tổ chức, cá nhân thực hiện. Tất cả các thủ tục được giải quyết kịp thời, đúng quy định.
Huyện xác định xây dựng chính quyền điện tử, tiến đến xây dựng chính quyền số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Thời gian tới, huyện cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết liên quan lĩnh vực này để triển khai sâu rộng trong hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn, đẩy mạnh tuyên truyền để thu hút sự tham gia của người dân.
Mục tiêu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội cấp huyện, xã được tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo của huyện…
Trong phát triển xã hội số, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100 xã, thị trấn; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%...
Tại buổi làm việc với Huyện ủy Thạnh Phú vào dịp đầu năm mới 2021, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi cho rằng: Huyện cần tập trung bằng nhiều giải pháp giúp cán bộ và nhân dân của huyện hiểu đúng, hiểu sâu, đồng thuận cao và tích cực, sẵn sàng thực hiện tốt các nghị quyết của Tỉnh ủy, huyện ủy, trong đó phát huy tinh thần thi đua “Đồng khởi mới” trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cán bộ, đảng viên phải thể hiện sự tiên phong, gương mẫu, sáng tạo. Trong xây dựng kế hoạch thực hiện cần xác định rõ nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ, nguồn lực, phân công thực hiện…
“Tỉnh mong muốn Thạnh Phú trở thành địa phương hình mẫu của tỉnh trong thi đua “Đồng khởi mới”. Tiếp tục khơi gợi và phát huy tiềm lực của các tầng lớp nhân dân; sự chủ động tích cực của lãnh đạo các ngành, các địa phương...” - Bí thư Tỉnh ủy lưu ý.
|
C. Trúc