Chủ trì tọa đàm. Ảnh: Thanh Đồng
Sự ra đời, phát triển của mạng xã hội (MXH) với những tính năng vượt trội về giao diện, kết nối, truy cập, khả năng tương tác… đã mang lại những cơ hội trải nghiệm mới cho người sử dụng. Không thể phủ nhận tiện ích mà MXH đem lại cho con người trong đời sống hiện đại. Nhưng với đặc tính “thật giả lẫn lộn” của MXH đã có những tác động không nhỏ, không chỉ trên phương diện cá nhân, đối với từng con người, mà còn đối với phương diện xã hội, càng đặc biệt trở nên nguy hiểm khi nó được sử dụng vào các hoạt động chính trị.
Nhận diện thách thức
Hiện nay, việc sử dụng MXH đã trở thành nhu cầu thiết yếu với mọi người, nhất là với tầng lớp thanh thiếu niên. Tính đến đầu năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng các nền tảng MXH (chiếm 71% dân số). Các trang MXH có số người dùng và truy cập nhiều nhất là: Facebook (91,6%), Zalo (90,1%), Instagram (55,4%), Tiktok (77,5%).
Đối với Việt Nam, mặt trái của MXH đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xã hội, lợi ích cộng đồng, thậm chí cả an ninh quốc gia. Đáng chú ý, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng MXH để triển khai các hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta như: tung tin thất thiệt, xuyên tạc, bịa đặt; các hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân; lan truyền thông tin, hình ảnh trái với thuần phong mỹ tục; thông tin kích động hận thù dân tộc, tôn giáo, nhằm gây chia rẽ nội bộ, xâm phạm lợi ích, an ninh quốc gia…
Hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, công kích, bôi nhọ nhằm hạ uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên MXH diễn ra với quy mô, cường độ ngày càng lớn, có trọng tâm, trọng điểm, đang tác động tiêu cực tới tư tưởng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân… gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ, làm suy giảm lòng tin vào chế độ xã hội chủ nghĩa và vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Với số lượng người dùng lớn và lượng thông tin khổng lồ được chia sẻ, MXH trở thành kênh thông tin lớn, cho phép người sử dụng kết nối, chia sẻ và trao đổi các thông tin khác nhau và bình luận, tham gia các nhóm liên quan. Bên cạnh đó, với tính chất kết nối toàn cầu, MXH trở thành yếu tố tạo nên hiệu ứng xã hội cả tích cực lẫn tiêu cực. Tính năng tạo nhóm, gắn kết nhiều người từ hoạt động công khai đến riêng tư, bí mật, là nguy cơ hình thành “thế giới ngầm”, các đối tượng liên kết, trao đổi bí mật với nhau, gây khó khăn trong phát hiện, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật.
MXH trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu lợi dụng tiến hành các hoạt động phá hoại tư tưởng, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, kích động gây rối an ninh, trật tự. MXH là công cụ phát tán tin giả, tin sai sự thật gây nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng nghiêm trọng tình hình an ninh, trật tự. MXH là môi trường để tội phạm lợi dụng thực hiện các hành vi phạm tội. MXH cũng làm tăng nguy cơ lộ, lọt bí mật Nhà nước, thông tin dữ liệu cá nhân.
Theo đại diện Ban Chỉ đạo 35 Công an tỉnh, từ năm 2021 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện, đấu tranh vô hiệu hóa hàng chục đối tượng sử dụng tài khoản Facebook cá nhân tham gia hội, nhóm chống đối chính trị, tổ chức phản động, đăng tải, chia sẻ, bình luận các bài viết có nội dung xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước. Phát hiện ngăn chặn hàng trăm tài liệu chiến tranh tâm lý, phá hoại tư tưởng; phát hiện, xử lý trên 100 trường hợp đăng tải thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật, xúc phạm uy tín của tổ chức, cá nhân…
Tăng cường công tác Quản lý
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội về vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên tham gia MXH năm 2021 cho thấy, cán bộ, đảng viên tham gia truy cập các MXH tương đối đa dạng; hàng ngày tham gia truy cập MXH từ 1 - 3 giờ với mục đích là cập nhật kiến thức cuộc sống, hỗ trợ thực hiện công việc, hỗ trợ hoạt động học tập, giải trí, giao lưu, kết nối. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều cán bộ, đảng viên chưa nắm rõ và đầy đủ các quy định. Từ đó, nguy cơ vi phạm khi tham gia MXH, hay còn thờ ơ, ít hoặc không thể hiện quan điểm, chính kiến của mình đối với các vấn đề quan tâm dù thông tin đó là sai.
Đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: Thanh Đồng
Bên cạnh đó, khả năng phản bác thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch còn hạn chế. Một số ít còn chia sẻ những bài viết chưa được kiểm chứng, thông tin giả, sai sự thật. Sự phát hiện, báo cáo, đề xuất lãnh đạo các biện pháp đấu tranh xử lý đối với các thông tin xấu, độc còn hạn chế.
Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm “Mạng xã hội - Cơ hội, thách thức trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng nhận xét: “Công tác quản lý, chỉ đạo tuyên truyền, định hướng thông tin trên Internet và MXH của các địa phương trong những năm qua tuy đã được quan tâm triển khai nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, không thể chỉ ngăn cấm MXH bằng những mệnh lệnh hành chính, mà phải biết tận dụng mặt tích cực của nó để định hướng dư luận đến với cái đúng, cái tốt, đấu tranh với cái sai, cái xấu. Điều đó chỉ có thể được thực hiện khi cơ quan chức năng chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời đến với người dân”.
Vấn đề này, thời gian qua, công tác tuyên truyền trên MXH được chú trọng thực hiện với nhiều hình thức. Theo Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh Phạm Hữu Dự: “Nhiều cấp ủy chú trọng thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động khi sử dụng MXH. Tăng cường cung cấp thông tin chính thống, các gương điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả của cơ quan đơn vị lên MXH với phương châm “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, góp phần xây dựng môi trường lành mạnh, an toàn”.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, thời gian qua, đối với việc quản lý thông tin trên MXH, ngành đã có các biện pháp kỹ thuật “chặn lọc” thông tin trên MXH để ngăn chặn nguồn phát tán thông tin vi phạm. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức, trách nhiệm cho người sử dụng MXH, đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát, kiên quyết xử lý thông tin sai phạm trên mạng.
Nâng cao ý thức trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội
Theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đặng Thị Phượng: “Cán bộ, đảng viên cần sử dụng MXH có trách nhiệm, có lập trường tư tưởng vững vàng, nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình khi tham gia MXH. Quan trọng nhất, phải biết chọn lọc thông tin để tiếp nhận cũng như chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp những thông tin chính xác, đúng sự thật. Có trách nhiệm tuyên truyền những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Đồng thời, tích cực đấu tranh phản bác những trang thông tin sai trái, xuyên tạc, tiêu cực. Đăng tải các bình luận, ý kiến nhận xét có văn hóa, có trách nhiệm và có tính xây dựng về những vấn đề mà bản thân cho rằng nên có ý kiến hoặc đang được dư luận quan tâm với văn phong đúng mực, tránh để bị quy chụp, xuyên tạc về thái độ, tư cách của người cán bộ, đảng viên. Tích cực giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thông tin tốt có ích về địa phương, cơ quan, đơn vị và đất nước, lan tỏa gương người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến, các câu chuyện có giá trị nhân văn trên trang cá nhân hoặc trang cộng đồng”.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến, Trưởng ban Chỉ đạo 35 Tỉnh ủy phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Thanh Đồng
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến, Trưởng ban Chỉ đạo 35 Tỉnh ủy lưu ý cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, cơ quan, ban ngành trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của việc phòng ngừa, đấu tranh, chống hoạt động lợi dụng MXH theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Xác định công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng và toàn hệ thống chính trị.
Tiếp tục quán triệt và thực hiện Công văn số 3000 ngày 28-11-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai quán triệt, thực hiện Quy định số 85-QĐ/TW của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, MXH. Trong đó, lưu ý 6 nội dung cơ bản về trách nhiệm và 3 hành vi mà cán bộ, đảng viên cần tránh khi sử dụng MXH. Lưu ý “5 không” để tự nhắc nhở mình là: không tin ngay, không vội đăng tải, không thêm bớt, không chia sẻ, không bị kích động và xúi giục để sử dụng MXH tốt hơn.
Bên cạnh đó cần kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội trước các sự kiện, vấn đề nảy sinh, tạo thế chủ động trên mặt trận đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình khi tham gia MXH. Đồng thời, làm tốt công tác dân vận trên MXH, góp phần xây dựng không gian mạng lành mạnh từ cơ sở. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng MXH hiệu quả, hữu ích. Tăng cường chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật có chủ đích trên MXH một cách nghiêm khắc hơn.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã có nhiều tham luận chuyên sâu về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên không gian mạng, nhận diện, làm rõ những thuận lợi, thách thức của MXH đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đề xuất giải pháp nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong sử dụng MXH. |
Thanh Đồng