Với chủ đề "Hợp tác cho Kỷ nguyên Thông minh", Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF Davos) đã chính thức khép lại sau 5 ngày nhóm họp tại thành phố Davos của Thụy Sĩ.
Phiên thảo luận toàn thể với chủ đề “ASEAN: Gắn kết để vươn xa". Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Quy tụ gần 3.000 đại biểu đến từ hơn 130 quốc gia, WEF Davos 2025 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều mâu thuẫn. Các nhà lãnh đạo thế giới một mặt phải đương đầu với các thách thức như bất ổn địa chính trị, kinh tế phục hồi chậm, căng thẳng thương mại, phân cực văn hóa và khủng hoảng khí hậu, mặt khác lại chứng kiến cơ hội từ những đột phá công nghệ, từ trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử cho đến công nghệ sinh học, vốn có thể giúp thúc đẩy năng suất và nâng cao mức sống, định hình lại bối cảnh toàn cầu.
Đối mặt với những thách thức và cơ hội này, hội nghị thường niên WEF 2025 hướng tới mục tiêu thúc đẩy tinh thần hợp tác toàn cầu mạnh mẽ hơn để chuẩn bị cho thế giới bước vào kỷ nguyên thông minh, như lời nhà sáng lập kiêm chủ tịch Hội đồng quản trị của WEF, ông Klaus Schwab. Theo ông, “sự hợp tác chính là chìa khóa cho tương lai tốt đẹp hơn. Chúng ta phải tập trung vào việc chủ động định hình tương lai theo những cách chiến lược, sáng tạo và mang tính xây dựng, bất chấp những áp lực ngắn hạn và dữ dội hiện nay."
Tại Davos, các phiên thảo luận về tăng trưởng đã tập trung tìm kiếm những cách thức thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu tại thời điểm có nhiều sự thay đổi mạnh mẽ hiện nay. Theo Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng toàn cầu đang ở mức yếu nhất trong nhiều thập kỷ. Mặc dù có một số diễn biến tích cực như lạm phát hạ nhiệt, song bất ổn chính trị gia tăng vẫn tiếp tục phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Các nhà kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng với phạm vi hạn chế trong việc sử dụng các công cụ tài khóa và tiền tệ, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải sáng tạo hơn nữa để tìm ra cách thức mới thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn.
Bên cạnh đó, quản trị toàn cầu về AI cũng là trọng tâm được thảo luận tại Davos năm nay. Lãnh đạo các công ty đa quốc gia, các tập đoàn công nghệ đã thảo luận về việc khai thác tiềm năng của công nghệ AI trong mọi lĩnh vực của đời sống, hỗ trợ các chính phủ giải quyết các vấn đề y tế, xã hội, giáo dục hay an ninh lương thực. Nhà kinh tế Liang Guoyong từ Cơ quan Thương mại và phát triển LHQ (UNCTAD) cho rằng: “Việc quản trị hiệu quả AI đòi hỏi cả sự hợp tác đa phương và song phương.
Các tổ chức đa phương như LHQ đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu và quản trị AI, bao gồm cả việc thúc đẩy Hiệp ước Kỹ thuật số toàn cầu. Ở cấp độ song phương, việc thúc đẩy hợp tác sâu sắc hơn giữa các nước lớn là rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của AI và việc quản trị AI trên trường quốc tế.”
Tuy nhiên, hy vọng về việc củng cố sự hợp tác toàn cầu tại WEF Davos 2025 dường như ảm đạm hơn, khi diễn đàn toàn cầu này diễn ra đúng thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Sự trở lại Nhà Trắng của ông Trump cũng là một chủ đề thảo luận quan trọng tại Davos, do những tác động sâu rộng và tiềm tàng từ các chính sách của ông liên quan tới các vấn đề năng lượng, nhập cư, thuế quan và khí hậu. Trong bài phát biểu trực tuyến gửi tới hội nghị, đánh dấu lần xuất hiện trên một diễn đàn quốc tế sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump cảnh báo sẽ áp đặt thuế quan cao với các doanh nghiệp lựa chọn sản xuất bên ngoài nước Mỹ, nhấn mạnh rằng nguồn thu từ thuế quan sẽ được sử dụng để tăng cường sức mạnh kinh tế.
Về phần mình, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành WEF Borge Brende cũng thừa nhận cạnh tranh toàn cầu đang gia tăng, nhiều quốc gia đang thu mình và hợp tác quốc tế đang ở mức thấp. Tuy nhiên, ông khẳng định, hợp tác là con đường khả thi duy nhất để giải quyết những rủi ro lớn và những thách thức chung hiện nay. Đồng quan điểm, ông Mark Elsner, người đứng đầu Sáng kiến Rủi ro toàn cầu của WEF, cho biết: "Từ xung đột đến biến đổi khí hậu, thế giới đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng đan xen đòi hỏi phải có hành động phối hợp, tập thể. Cần phải có những nỗ lực mới để xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy hợp tác. Nếu chúng ta không hành động, nhiều thế hệ sau sẽ phải gánh chịu hậu quả.”
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về Tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới sáng tạo và vai trò toàn cầu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Tại WEF Davos 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có lịch trình hoạt động dày đặc, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về sự chân thành, hợp tác, đoàn kết và trách nhiệm của Việt Nam tới cộng đồng quốc tế; đồng thời với sự tin cậy, năng động, sáng tạo và giàu tiềm năng, Việt Nam sẵn sàng và mong muốn thúc đẩy hợp tác hiệu quả với các đối tác. Cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu tại 4 phiên thảo luận của hội nghị, trong đó có 3 phiên được WEF thiết kế riêng cho Việt Nam, đặc biệt là các phiên đối thoại. Thủ tướng cũng có các cuộc gặp với gần 20 lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế; cùng lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương trao đổi, đối thoại với gần 250 tập đoàn hàng đầu tại 5 cuộc tọa đàm nhân dịp hội nghị. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính được mời tham dự WEF Davos và là lần thứ 4 tham dự các Hội nghị WEF trên cương vị Thủ tướng Chính phủ.
Đánh giá về những đóng góp của Việt Nam tại hội nghị, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass đã khẳng định việc Việt Nam tham dự WEF Davos 2025 có ý nghĩa rất quan trọng. Đại sứ nhấn mạnh: “Trong một thế giới đang đối mặt với nhiều căng thẳng và sự phân cực, việc các quốc gia như Việt Nam tham gia tích cực và cất lên tiếng nói của mình là vô cùng quan trọng. Điều này phù hợp với tầm nhìn của Bộ Chính trị và Chính phủ Việt Nam, rằng Việt Nam cần đảm nhận vai trò mạnh mẽ hơn và nổi bật hơn ở cấp độ khu vực và toàn cầu”.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, ông Ivo Sieber, nguyên Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam, nhận định: “Việc Thủ tướng Việt Nam tham dự trực tiếp hội nghị thường niên của WEF tại Davos rất đáng hoan nghênh. Đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng nếu nhìn từ những thay đổi về chính sách kinh tế và chiến lược toàn cầu thời gian qua. Hội nghị thường niên của WEF là một diễn đàn rộng lớn và bao quát, nơi gặp gỡ và thảo luận các vấn đề với nhiều bên liên quan. Do đó, tôi tin tưởng rằng Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam phát huy tối đa cơ hội này”.
Có thể khẳng định, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục được mời tham dự hội nghị toàn cầu của WEF trong những năm gần đây cho thấy vai trò, vị thế, uy tín quốc tế ngày càng gia tăng của Việt Nam, đồng thời thể hiện những nỗ lực của Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, phát triển, giải quyết các vấn đề toàn cầu, chia sẻ quan điểm về tư duy phát triển, quản trị toàn cầu trong bối cảnh kinh tế thế giới chuyển biến sâu sắc, cũng như chuyển tải thông điệp về quyết tâm, khát vọng thu hút các nguồn lực quốc tế để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.