Chiều ngày 21-1-2025, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Bến Tre do bà Hồ Thị Hoàng Yến - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre làm trưởng đoàn về một số đề xuất phát triển văn hóa, du lịch địa phương trong thời gian tới.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, Bến Tre là tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ, nằm cuối dòng sông Mê Kông, được hình thành do phù sa bồi đắp của 4 nhánh sông: sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên tạo nên 3 dãy cù lao hiền hòa, thơ mộng với nền văn hóa sông nước miệt vườn đặc trưng. Bến Tre cũng là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước, trên 71.000ha.
Thế mạnh của ngành du lịch Bến Tre là thiên nhiên sông nước hữu tình, những vườn cây ăn trái sum suê, phong phú, nhiều làng nghề truyền thống như làng nghề sản xuất Cây giống và Hoa kiểng Chợ Lách, Làng nghề sản xuất kẹo dừa, bánh tráng Mỹ Lồng - bánh phồng Sơn Đốc, nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa, chế biến dừa… giúp Bến Tre trở thành điểm đến thu hút khách du lịch với thương hiệu du lịch Xứ Dừa.
Hoạt động du lịch của tỉnh Bến Tre có nhiều chuyển biến tích cực. Lượng khách trong và ngoài nước đến thăm, viếng các khu di tích, kết hợp với tham quan trên địa bàn ngày càng đông, hoạt động văn hóa, kết hợp với phát triển du lịch đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Năm 2023 và 2024, lượng khách du lịch đến Bến Tre ngày càng tăng, cụ thể, năm 2024, lượng khách du lịch đạt hơn 2,5 triệu lượt, tăng 15% so với năm 2023; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 3.278 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2023.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: TITC)
Phát biểu tại buổi làm việc, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến nhấn mạnh, để triển khai thực hiện đạt các mục tiêu của Trung ương về phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, tỉnh Bến Tre đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho ý kiến, hỗ trợ địa phương thẩm định đồ án Quy hoạch trình Thủ tướng phê duyệt để triển khai các dự án đầu tư di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu và di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre. Bên cạnh đó hỗ trợ tỉnh xây dựng thiết chế văn hóa cấp tỉnh và cấp huyện là Dự án Bảo tàng Bến tre và Thư viện Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre. Tỉnh cũng đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét cho chủ trương lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam là Di tích cấp quốc gia đặc biệt; hỗ trợ trình Chính phủ xem xét bổ sung 2 khu du lịch của Bến Tre có tiềm năng phát triển trở thành Khu du lịch cấp quốc gia vào Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là: Khu du lịch Cồn Bửng - Thạnh Phú và Khu di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre - Làng dừa sông Thom và công nhận loại hình Nói thơ Vân Tiên là sản phẩm văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: TITC)
Đối với nội dung liên quan đến lĩnh vực du lịch, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết, theo Quyết định số 509/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong danh mục chưa có hai khu du lịch của Bến Tre là: Khu du lịch Cồn Bửng - Thạnh Phú và Khu di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre - Làng dừa sông Thom. Trong quá trình nghiên cứu đề xuất, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan về 2 khu du lịch này, tuy nhiên theo tiêu chí chấm điểm, hai khu du lịch này chưa đạt được để xem xét. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam ghi nhận đề xuất của Bến Tre và đề nghị Bộ trưởng giao Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam làm việc với Sở VHTTDL Bến Tre về nội dung này, qua đó có những kế hoạch nghiên cứu, hoàn thiện đáp ứng các tiêu chí, xem xét bổ sung vào danh mục trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, Vụ Kế hoạch, Tài chính cũng đã đưa ra một số giải pháp liên quan đến lĩnh vực di sản, văn hóa mà Bến Tre đang kiến nghị, đề xuất.
Phát triển du lịch dựa vào thế mạnh văn hóa
Đánh giá cao những ý kiến chia sẻ về tình hình phát triển văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh Bến Tre trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, buổi làm việc hôm nay sẽ tạo ra những điểm bứt phá, là tiền đề cho những công việc tiếp theo được triển khai và hoàn thành tốt.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: TITC)
Theo Bộ trưởng, Bến Tre là vùng đất giàu bản sắc cách mạng và văn hóa, khởi nguồn các phong trào đấu tranh những năm 60, góp phần tạo nên khúc tráng ca anh hùng.
Từ vùng đất này hình thành nên hệ thống di sản, di tích phong phú với khoảng 20 di tích quốc gia và quốc gia đặc biệt. Do đặc điểm tự nhiên hình thành nên các văn hóa đặc trưng, từ cù lao thành cồn, từ nơi này du lịch phát triển.
Văn hóa gắn liền với yếu tố lao động sản xuất, tạo thành những làng nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến dừa… Con người Bến Tre chịu thương, chịu khó, giản dị, nghĩa tình, mộc mạc làm nên hồn sông nước. Bộ trưởng nhấn mạnh cần đề cao giá trị bản sắc này để nâng tầm thương hiệu du lịch Bến Tre.
Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh Bến Tre cần bám sát yếu tố văn hóa, dùng văn hóa để phát huy sức mạnh nội sinh, duy trì sự phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế - chính trị - văn hóa, phát triển du lịch dựa vào văn hóa.
Bộ trưởng cùng các lãnh đạo, đại biểu chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: TITC)
Trong thời gian tới, Bến Tre cần có sự tổng kết khẳng định chủ trương đường lối văn hóa sâu hơn, mạnh hơn, xây dựng nghị quyết chuyên đề về văn hóa trên cơ sở đặc điểm, thực tế của Bến Tre. Cần chú ý nhiều hơn trong kiến tạo môi trường văn hóa tại cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư, qua đó rút ngắn khoảng cách hưởng thụ văn hóa. Để có môi trường văn hóa phải có thiết chế văn hóa. Về việc chọn thiết chế văn hóa cấp tỉnh, Bộ trưởng gợi ý đó là Bảo tàng Bến Tre, địa điểm sẽ giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ, trở thành điểm đến du lịch, là niềm tự hào của nhân dân Bến Tre. Xây dựng bảo tàng cần phải chú trọng đến yếu tố hiện đại, có sự tương tác qua lại với khách tham quan, ứng dụng khoa học công nghệ. Đây sẽ là “cú hích” để du lịch Bến Tre phát triển vượt bậc.
Về du lịch, Bến Tre nằm cuối sông Tiền, đã đi vào thi ca nhạc họa, vì vậy với lợi thế này, Bộ trưởng nhấn mạnh “cần làm gì để đón khách?”. Theo Bộ trưởng, ngành du lịch tỉnh cần đẩy mạnh kết nối với TP. Hồ Chí Minh, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch, tăng cường quảng bá điểm đến, kết nối các doanh nghiệp. Đặc biệt về công tác quảng bá điểm đến, Bộ trưởng chia sẻ, trong tháng 3 tới, đoàn công tác Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham dự Hội chợ Du lịch thế giới ITB Berlin 2025. Bến Tre có thể xem xét để tham dự sự kiện, và có gian hàng quảng bá du lịch, tạo điểm nhấn hình ảnh du lịch miền sông nước đến với du khách châu Âu nói riêng và khách quốc tế nói chung.
Đối với các kiến nghị đề xuất của Bến Tre, Bộ trưởng cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủng hộ và đồng hành cùng địa phương. Tuy nhiên, Bộ trưởng đề nghị Bến Tre chủ động triển khai các công việc cũng như đẩy mạnh phối hợp với các bộ, ngành liên quan và cần nghiên cứu, tính toán rất kỹ mức độ, quy mô, thời điểm... công nhận, xếp hạng các loại hình, di tích. Khi được công nhận thì phải đẩy mạnh công tác bảo vệ, nâng cấp, tôn tạo các di tích, di sản này.