Thủ tướng giao 7 nhiệm vụ quan trọng cho ngành môi trường

30/09/2015 - 16:45
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Tới dự và phát biểu ở Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ Tư, được tổ chức ngày 30-9 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao 7 nhiệm vụ quan trọng cho ngành tài nguyên-môi trường thực hiện trong thời gian tới.

Để làm tốt công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới và để bảo vệ môi trường trở thành một nội dung quan trọng, trong đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ sức khỏe và thể chất của giống nòi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị cũng như cán bộ, nhân viên toàn ngành tài nguyên và môi trường cần tập trung thực hiện tốt 7 nhiệm vụ quan trọng.

Trước hết, phải quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng XII sắp tới, các Nghị quyết Trung ương, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2014; sửa đổi Luật Đa dạng sinh học và các luật có liên quan nhằm thực hiện tốt hơn công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Thứ hai, tăng cường công tác truyền thông về ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật, tham gia bảo vệ môi trường trong cộng đồng, người dân và doanh nghiệp. Xây dựng và phát triển xã hội văn minh, người dân có lối sống, cách ứng xử thân thiện với môi trường.

Thứ ba, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là ở các địa phương, cấp huyện, xã, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Thứ tư, tăng cường đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường. Ưu tiên vốn đầu tư phát triển, vốn vay, ODA để giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, tồn tại kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân. Huy động hiệu quả nguồn lực trong xã hội; khuyến khích xã hội hóa, đầu tư theo hình thức hợp tác công tư, nhất là về thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt tập trung. Hình thành và triển khai hiệu quả các quỹ bảo vệ môi trường nói chung và quỹ trong các tập đoàn, doanh nghiệp để có thể chủ động nguồn vốn giải quyết các vấn đề môi trường.

Thứ năm, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; thúc đẩy đổi mới công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghiệp “các-bon thấp;” chú trọng nâng cao thành tố môi trường trong cơ cấu giá trị của hàng hóa, dịch vụ, hình thành các sản phẩm “xanh,” dịch vụ “xanh” thân thiện với môi trường; không cho phép các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường; kiểm soát chặt chẽ, không để nước ta trở thành bãi thải công nghiệp lạc hậu của các nước phát triển.

Thứ sáu, phát huy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ đánh giá môi trường chiến lược, cơ sở dữ liệu môi trường để dự báo, phòng ngừa các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường; tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, quy chuẩn về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiểm soát chặt nguồn phát sinh, việc lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại không để tái gây ô nhiễm môi trường.

Cuối cùng là chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế, tranh thủ nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường; coi trọng việc thực hiện các cam kết quốc tế, nỗ lực thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) sau năm 2015 của Liên hợp quốc phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Việt Nam là thành viên, đối tác có trách nhiệm trong nỗ lực chung giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu.

Theo Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN