|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe họp báo chung. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Theo đặc phái viên TTXVN, rạng sáng 29-5, theo giờ Việt Nam, chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã về tới sân bay quốc tế Nội Bài, thành phố Hà Nội, kết thúc tốt đẹp các chương trình chuyến thăm Nhật Bản và dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Trong thời gian 3 ngày, Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự nhiều sự kiện lớn, nổi bật nhất là Phiên họp toàn
thể của Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại thành phố Mie, Nhật Bản và hội đàm
với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại thủ đô Tokyo.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có
hàng loạt cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo G7 và các quốc gia, các tổ
chức quốc tế - khách mời của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam được mời tham dự
Hội nghị, đánh dấu sự ghi nhận đối với vai trò và đóng góp của Việt Nam trong
các vấn đề khu vực và quốc tế.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Chính
phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các sáng kiến và nỗ lực của các nước G7 cùng
các tổ chức quốc tế, trong đó đặc biệt là quyết định của Nhật Bản mở rộng lĩnh
vực và phạm vi hỗ trợ của sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng cao ở châu
Á.
Thủ tướng cũng chia sẻ những quan ngại của các nước
G7 và các nước ASEAN về những thách thức đối với hòa bình, ổn định, tự do hàng
hải và hàng không trên Biển Đông.
Thủ tướng kêu gọi các quốc gia liên quan kiềm
chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc
tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tuân
thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tăng cường các biện pháp
xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử
(COC).
Nhân dịp thăm Nhật Bản và dự Hội nghị Thượng
đỉnh G7 mở rộng tại Mie, Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có
các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với Tổng thống Sri Lanka, Tổng Thư ký
Liên Hợp quốc, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổng Thư ký Tổ chức Hợp
tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Lãnh đạo tỉnh Aichi cùng lãnh đạo một số
doanh nghiệp Nhật Bản.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các
cuộc gặp với Tổng thống Pháp, Thủ tướng Canada, Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ
tịch Hội đồng châu Âu, Thủ tướng Anh, Thủ tướng Đức, Tổng thống Mỹ, Thủ tướng
Italy, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới.
Tại diễn đàn Hội nghị và các cuộc gặp gỡ, tiếp
xúc song phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam luôn nỗ lực củng
cố, phát triển quan hệ với tất cả các nước trên thế giới trên tinh thần “là
bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc
tế."
Thủ tướng mong muốn các nước và các đối tác ủng
hộ Việt Nam tăng cường vai trò và trách nhiệm tại các tổ chức quốc tế, tiếp tục
phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương quan trọng ở khu vực và trên thế
giới, trong đó có việc ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Ủy viên không thường trực Hội
đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và ứng cử vào vị trí Tổng Giám đốc
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ
2017-2021.
Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn
Xuân Phúc hoan nghênh các nước đã có lập trường tích cực, ủng hộ Việt Nam và
ASEAN trong giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông phù hợp với luật
pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, bảo đảm an
ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, góp phần duy trì hòa
bình, ổn định cho thịnh vượng và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Phát biểu tại các phiên họp của Hội nghị thượng
đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lập trường của Việt Nam
về hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực châu Á-Thái Bình Dương
nói riêng và cả thế giới nói chung.
Thủ tướng nhấn mạnh hòa bình và phát triển của
Việt Nam gắn chặt với hòa bình và thịnh vượng chung của thế giới. Đóng góp giải
quyết các thách thức chung của khu vực và thế giới là trách nhiệm và quyền lợi
của mỗi quốc gia dù ở trình độ phát triển nào. Sự phồn vinh và phát triển bền
vững ở Việt Nam, châu Á và trên thế giới chỉ có thể được bảo đảm nếu có một môi
trường quốc tế hòa bình và ổn định.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước
những thách thức ngày càng lớn đối với hòa bình và an ninh của khu vực, trước
hết là an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Các hành
động đơn phương, trái pháp luật quốc tế và thỏa thuận khu vực, như bồi đắp đảo
nhân tạo với quy mô lớn, làm thay đổi nguyên trạng và tăng cường quân sự hóa
đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực. Tình hình đó đòi
hỏi các quốc gia liên quan cần kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp
hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc
về Luật Biển 1982, tuân thủ Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC), tăng cường các
biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, sớm tiến tới Bộ quy tắc
ứng xử (COC)."
Thủ tướng cho rằng các nước, nhất là các nước
trong nhóm G7 cần có tiếng nói và hành động thiết thực để đóng góp tích cực vào
củng cố môi trường hòa bình, ổn định và giải quyết các vấn đề chung của toàn
cầu, cũng như ở khu vực; đặc biệt là các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng
kết cấu hạ tầng, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, chống
khủng bố, an ninh lương thực, nguồn nước, hàng hải, hàng không...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự tin tưởng
mạnh mẽ vào vai trò quan trọng của các quốc gia thuộc nhóm G7 trong việc thúc
đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu, liên kết thương mại, đầu tư; cũng như xử lý hiệu
quả các thách thức phát triển toàn cầu vì một môi trường hòa bình, ổn định ở
khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
Chia sẻ các nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc, lãnh đạo các nước G7, các nước và tổ chức quốc tế tham dự kêu gọi tăng
cường hợp tác để duy trì tăng trưởng thế giới; ứng phó với thiên tai, hạn hán;
hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có các nước ASEAN xây dựng cơ sở hạ
tầng chất lượng cao, tăng cường kết nối và cuối cùng là tăng cường xây dựng
lòng tin nhằm giải quyết các điểm nóng tại khu vực và thế giới, trong đó có an
toàn, an ninh hàng hải và hàng không tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Cũng tại thành phố du lịch Nagoya, Nhật Bản, Thủ
tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã tham dự
Đối thoại chính sách kinh tế cao cấp Việt Nam-Nhật Bản với chủ đề “Việt Nam hội
nhập và phát triển."
Phát biểu trước khoảng 1.500 doanh nghiệp Nhật
Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn
thiện các chính sách pháp luật để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định,
thông thoáng và minh bạch hơn nữa cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh
nghiệp Nhật Bản yên tâm đầu tư và kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.