|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu hưởng ứng chung tay "Vì Đồng bằng sông Cửu Long thịnh vượng và thích ứng với khí hậu”. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Sáng 27-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và có bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ hai - 2016 (Mekong Delta Forum 2016) tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Với chủ
đề “Vì Đồng bằng sông Cửu Long thịnh vượng và thích ứng khí hậu,” Diễn đàn được
Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên
và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Australia, Đại sứ quán Hà
Lan, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức GIZ và Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế
IUCN đồng tổ chức.
Cùng dự
có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; Phó
Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương Victoria Kwakwa; lãnh đạo
các bộ, ngành, địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cùng nhiều chuyên gia
trong nước và quốc tế.
Đồng bằng
sông Cửu Long đóng một vai trò thiết yếu cho sự phát triển của Việt Nam nói
chung và an ninh lương thực của khu vực, tuy nhiên trong hơn một thập kỷ gần
đây, nhiều thay đổi cả về tự nhiên và do con người gây ra, đã tạo những sức ép
phát triển lớn lên cả vùng Đồng bằng sông Cừu Long như sụt lún đất (ước tính
khoảng 3-5 cm mỗi năm) và nước biển dâng (vùng đồng bằng cao không quá 2,5m so
với mực nước biển) kết hợp lại với nhau làm tăng rủi ro ngập lụt.
Xâm nhập
mặn ở những vùng duyên hải (do hậu quả của khai thác nước ngầm và nước biển
dâng) ảnh hưởng đến sinh kế và nguồn cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất.
Tốc độ
tăng trưởng dân số, đô thị hóa và phát triển nông nghiệp và công nghiệp hóa
nhanh chóng gây áp lực lớn lên các nguồn tài nguyên nước và làm giảm chất lượng
nước.
Việc
phát triển ở thượng nguồn sông Mekong như việc xây dựng các đập thủy diện và hệ
thống tưới tiêu làm ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy, chu kỳ bồi lắng tự nhiên và
luồng cá di cư.
Trong
dài hạn, các cộng đồng dân cư duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo sẽ
là đối tượng hứng chịu những tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có hiện tượng
nước biển dâng và những cơn bão nhiệt đới với sức tàn phá ngày càng mạnh. Sản
lượng lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo sẽ giảm từ 6-12% vì ngập lụt
và xâm nhập mặn, trong khi đó sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản cũng sẽ bị ảnh
hưởng không nhỏ.
Phát
biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đồng bằng sông Cửu Long
đang hướng tới trở thành một khu vực có nền kinh tế nông nghiệp thông minh, bền
vững, có giá trị gia tăng cao của Đông Nam Á và rộng hơn là châu Á trong tương
lai. Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, chiếm 90% tổng sản
lượng gạo xuất khẩu của cả nước, 1/5 lượng gạo thương mại toàn cầu, sự sụt giảm
sản lượng nông nghiệp ở vùng này không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn tác động
rõ nét đến giá lương thực, làm suy yếu an ninh lương thực toàn cầu.
Từ đó,
Thủ tướng đề nghị các định chế tài chính, các đối tác quốc tế cần chia sẻ, đồng
hành với Chính phủ Việt Nam, người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong nỗ lực
ngăn chặn, kiểm soát, vượt qua những thách thức bởi hạn hán, thiên tai, biến đổi
khí hậu.
Đề cập
đến những lợi thế địa kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng cho rằng,
kết quả phát triển kinh tế-xã hội của vùng vẫn chưa xứng với tiềm năng, đời sống
người nông dân còn nhiều khó khăn.
Thực
trạng này xuất phát từ một số nguyên nhân như thiếu sự liên kết một cách hiệu
quả giữa các tỉnh trong vùng; chưa có chiến lược phát triển công nghiệp phù hợp,
tương xứng; ngành chế biến thủy hải sản tuy có nhiều tiến bộ, chiếm gần 70% kim
ngạch xuất khẩu thủy hải sản cả nước nhưng vẫn thiếu những cách làm mới, hiện đại,
sáng tạo; chưa biết cách tối ưu hóa chuỗi sản xuất. Sản xuất lúa chưa tạo dựng
được thương hiệu, uy tín, giá trị gia tăng thấp, nên giá trị xuất khẩu không
cao…
Khẳng
định đã đến lúc không thể làm theo truyền thống cũ, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh
trong vùng ý thức cao hơn nữa về thực trạng hiện tại, chủ động có biện pháp
tháo gỡ khó khăn; nhanh chóng chuyển đổi cây trồng vật nuôi, tái cơ cấu nông
nghiệp theo hướng bền vững nhằm đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân.
Trên
tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng các tỉnh Đồng bằng
sông Cửu Long phối hợp cùng Chính phủ tập trung chỉ đạo xây dựng liên kết vùng,
phát huy thế mạnh từng địa phương; tập trung phát triển Cần Thơ trở thành trung
tâm kết nối giao dịch của các tỉnh miền Tây, thúc đẩy dòng chảy kinh tế và hội
nhập kinh tế miền Tây vào các chuỗi giá trị trong nước, khu vực và quốc tế, đặc
biệt sau khi các hiệp định thương mại quan trọng như TPP đi vào hiệu lực.
Gợi ý
đầu tư thỏa đáng cho nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ mới, đặc biệt là
công nghệ sinh học vào nuôi trồng thủy hải sản, trồng lúa và các cây ăn trái,
Thủ tướng đề nghị các trường Đại học miền Tây chủ động liên kết với các trường
Đại học ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số trường Đại học lớn trong nước
và quốc tế để nâng cao chất lượng nghiên cứu.
Thủ tướng
Chính phủ cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng
và đề xuất bộ tiêu chí nông thôn mới cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào quý
III năm 2016, đảm bảo phù hợp đặc thù của địa phương trước tình trạng hạn hán,
xâm nhập mặn bất thường đang diễn ra; nâng cao khả năng phòng vệ trước biến đổi
khí hậu của vùng này.
Thủ tướng
cũng đề nghị WB mở rộng cấp tín dụng ưu đãi theo tiêu chuẩn cao nhất, thời gian
giải ngân nhanh nhất, cử các chuyên gia kỹ thuật có kinh nghiệm hỗ trợ Việt Nam
tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, đánh giá tiềm năng về nước mặt, nước ngầm,
khả năng sụt lún, xói lở, xây dựng mạng lưới giám sát biến đổi khí hậu và nước
biển dâng, xác định kịch bản phát triển hoàn chỉnh toàn vùng; đào tạo nâng cấp
chất lượng nguồn nhân lực và kỹ năng quản trị nhà nước thích ứng với biến đổi
khí hậu cho các địa phương bị ảnh hưởng.
Đánh
giá cao sự hỗ trợ của các định chế tài chính lớn, nhất là WB, Chính phủ các nước,
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ hợp tác tốt với WB, các Chính phủ, các tổ chức
quốc tế để cùng nhau giải quyết các vấn đề đặt ra ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo
bà Victoria Kwakwa: Sự cố từ biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn thời gian qua đang
tác động mạnh mẽ đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của 15 triệu người
dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Những thách thức đang diễn ra tại khu vực
này cần có sự vào cuộc của nhiều đối tác, tổ chức quốc tế và các bộ, ngành của
Việt Nam.
Theo
bà Victoria Kwakwa, Diễn đàn này rất phù hợp để các đối tác phát triển quốc tế
chung tay cùng các cơ quan liên quan của Việt Nam tìm các giải pháp hỗ trợ Đồng
bằng sông Cửu Long phát triển bền vững trong tương lai thông qua những biện
pháp cụ thể trên mọi lĩnh vực nhằm đem lại lợi ích chung như quản lý và sử dụng
tốt nguồn nước; tăng cường hệ thống pháp luật; nâng cao năng lực ứng dụng, thực
thi cơ chế, chính sách đối với Đồng bằng sông Cửu Long.
Diễn
dàn còn là cơ hội tốt để các bên thống nhất những biện pháp thích ứng với biến
đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là việc vận dụng các kinh nghiệm,
ứng dụng công nghệ mới.
Trong
hai ngày 26 và 27-6, các đại biểu sẽ thảo luận các biện pháp ứng phó với biến đổi
khí hậu trong vùng; đối thoại sâu hơn về các rủi ro đi cùng biến đổi khí hậu,
các chiến lược thích ứng trong đó bao gồm kế hoạch hóa đồng bộ, công tác phối hợp
giữa các địa phương, các ngành.
Cũng tại
diễn đàn, các chuyên gia, nhà nghiên cứu sẽ cùng thảo luận với các cơ quan quản
lý thông qua một số tình huống cụ thể nhằm thảo luận vấn đề sinh kế, các mô
hình bền vững và có sức kháng cự tốt trước biến đổi khí hậu; vai trò của các
bên liên quan như doanh nghiệp tư nhân, cơ quan nghiên cứu, các tổ chức xã hội
dân sự, tổ chức phi Chính phủ nhằm tăng cường và nhân rộng các mô hình thành
công.
Diễn
dàn cũng sẽ đề xuất một số phương án đầu tư công trình và phi công trình, những
cái được - mất trong mỗi phương án, thời điểm và tác động kinh tế trong quá
trình ra chính sách dài hạn và tổng thể cho Đồng bằng sông Cửu Long./.