|
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Sáng 24-2, trong phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bàn thảo về dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 11 sẽ diễn ra vào cuối tháng 3-2016.
Đặc thù của Kỳ họp lần này chủ yếu tập trung cho
công tác tổng kết nhiệm kỳ khóa XIII, song bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ xem
xét, thông qua 7 dự án luật nhằm tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp 2013.
Buổi làm việc ghi nhận nhiều ý kiến các thành
viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện chương trình xây
dựng luật, pháp lệnh năm 2016 của Quốc hội đã thông qua, khẩn trương trình dự
án Luật Biểu tình để tiến hành thẩm tra, hoàn thiện dự thảo, trình Quốc hội cho
ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 11.
Không lùi thời hạn trình Luật Biểu tình
Tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11 do Tổng Thư
ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày cho biết theo dự kiến chương trình, Quốc
hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, gồm: Luật tiếp cận thông tin; Luật ký
kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi);
Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi); Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ
đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).
Đối với dự án Luật biểu tình - nội dung nhận
được nhiều ý kiến quan tâm tại buổi thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ
Quốc hội đề nghị Chính phủ cần khẳng định dứt khoát về việc có hay không trình
dự án này bởi đây là dự án luật nhạy cảm, nhận được sự quan tâm theo dõi của
đông đảo đại biểu Quốc hội và cử tri.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Nguyễn
Kim Khoa, Ủy ban đã lên kế hoạch và hiện đã sẵn sàng cho công tác thẩm tra sơ
bộ và thẩm tra chính thức, tuy nhiên đến nay Chính phủ vẫn chưa trình dự án
luật này.
“Chính phủ cần báo cáo rõ ràng để Thường vụ Quốc
hội báo cáo với Quốc hội. Nếu tháng này Chính phủ không có chương trình xem xét
thì đề nghị lùi dự án luật vì không đủ thời gian thẩm tra trong khi luật này
rất nhạy cảm. Nếu không kịp thì khuyết điểm sẽ báo cáo Quốc hội,” ông Nguyễn
Kim Khoa nói.
Về nội dung này, sau khi nghe các ý kiến thảo
luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận việc xây dựng dự án Luật
Biểu tình đã nhận được ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị cũng như có trong chương
trình kế hoạch xây dựng luật nên không có cớ gì không trình Quốc hội. Việc
chuẩn bị chưa xong thì các bên tiếp tục phối hợp để thực hiện đúng nội dung
chương trình như kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại đầu phiên họp 45 của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội.
Như vậy, nếu diễn ra đúng thời gian, kế hoạch,
theo quy trình, sau khi Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét
dự án Luật Biểu tình tại phiên họp thứ 46 vào tháng Ba tới, trước khi khai mạc
Kỳ họp thứ 11.
Đôn đốc việc hoàn tất các báo cáo trình Quốc
hội
Theo Tờ trình ban đầu, do Tổng Thư ký Quốc hội
Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tại buổi làm việc, Kỳ họp thứ 11 sẽ diễn ra khoảng
16 ngày, dự kiến khai mạc vào ngày 21/3 và bế mạc vào ngày 9/4.
Nhiều ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội
tiếp tục nghiên cứu để sắp xếp chương trình Kỳ họp theo hướng có trọng tâm,
trọng điểm; ưu tiên việc trình bày các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ vào thời điểm
đầu Kỳ họp và tiến hành truyền hình, phát thanh trực tiếp để đại biểu, cử tri
tiện theo dõi.
Chỉ đạo nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng
Thị Phóng lưu ý cần bố trí việc trình bày các báo cáo tổng kết cần đảm bảo cân
đối, khoa học và hài hòa trong chương trình Kỳ họp.
Buổi thảo luận cũng ghi nhận những ý kiến đề
nghị Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương phối hợp với các văn phòng liên quan, đặc
biệt là Văn phòng Chính phủ để đôn đốc việc trình các dự thảo, báo cáo để Hội
đồng Dân tộc, các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra, đảm bảo chất
lượng các báo cáo trước khi trình Quốc hội.
Dự kiến, Kỳ họp sẽ dành 3,5 ngày cho việc xem
xét các báo cáo và định hướng rõ những vấn đề cần tập trung thảo luận, đánh
giá, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm, vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu đổi
mới trong nhiệm kỳ tới.
Tăng cường giám sát thực hiện kiến nghị kiểm
toán
Trước đó, cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ
Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo công tác kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội
khóa XIII.
Theo Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn
Hữu Vạn, nhiệm kỳ khóa XIII, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính
101.037 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 360 văn bản;
chuyển 9 hồ sơ về 11 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều
tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán 106 lượt tập
đoàn, tổng công ty, kiến nghị tăng thu 9.843 tỷ đồng, phát hiện, điều chỉnh
giảm tổng tài sản/nguồn vốn 6.511 tỷ đồng; giảm doanh thu, thu nhập 1.370 tỷ
đồng, tăng chi phí 4.475 tỷ đồng.
Qua tiến hành kiểm toán 5.285 lượt dự án các
loại, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 12.990 tỷ đồng.
Thực hiện trách nhiệm trong công tác phòng chống
tham nhũng, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 54 bộ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan
điều tra, cơ quan Nhà nước khác và đại biểu Quốc hội để phục vụ kiểm tra, giám
sát. 5 năm qua, đã có 39 sinh viên xuất sắc, thủ khoa từ các trường đại học
trong và ngoài nước được tuyển dụng làm cán bộ Kiểm toán Nhà nước theo cơ chế
thu hút nhân tài.
Tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương, Kiểm
toán Nhà nước đã kiên quyết xử lý kỷ luật đối với 53 công chức, trong đó có 5
cá nhân bị buộc thôi việc, ngăn chặn và xử lý kịp thời các sai sót, vi phạm hạn
chế tối đa các hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu đơn vị được kiểm toán.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đánh giá kết quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước
nhiệm kỳ khóa XIII, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng với vị
thế là cơ quan chuyên môn kiểm tra tài chính Nhà nước do Quốc hội thành lập;
hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đã được Hiến định, hoạt động của
Kiểm toán Nhà nước đã góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, đẩy mạnh
phòng, chống tham nhũng, lãng phí, hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan của Đảng,
Quốc hội, Chính phủ trong hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách, vốn và tài sản
Nhà nước đảm bảo hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội
theo mục tiêu Đại hội lần thứ XI của Đảng.
Song, theo phân tích của Ủy ban Tài chính-Ngân
sách, việc đổi mới công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán chuyển biến chưa nhiều,
một số trọng tâm, mục tiêu, nội dung trong kế hoạch kiểm toán chưa phù hợp với
thực tế, việc khắc phục chồng chéo, trùng lặp trong thực hiện kế hoạch kiểm
toán với kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng khác chưa được
khắc phục triệt để.
Thời gian tiến hành kiểm toán còn dài; chất
lượng báo cáo Kiểm toán của một số cuộc kiểm toán còn hạn chế; tỷ lệ thực hiện
kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước hàng năm chưa cao; một số kết luận còn chưa
sát với thực tế, thiếu bằng chứng thuyết phục nên dẫn đến có những kiến nghị
của Kiểm toán Nhà nước không được thực hiện do các đơn vị, địa phương được kiểm
toán chưa nhất trí với kết quả kiểm toán.
Các ý kiến tại buổi thảo luận đều đánh giá cao
kết quả công tác kiểm toán nhiệm kỳ khóa XIII, song bày tỏ quan ngại về việc
triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Ngoài ra,
mặc dù phát hiện sai phạm sau kiểm toán là rất lớn nhưng việc xử lý sai phạm về
hình sự, phòng, chống tham nhũng còn hạn chế.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý viện
dẫn Luật Kiểm toán Nhà nước quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc đôn
đốc kiến nghị của kiểm toán. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện tốt vấn đề này cần
huy động sức mạnh tổng hợp của các cơ quan Nhà nước tương tự như việc thực thi
các bản án của Tòa án.
Ông Phan Trung Lý cũng đề nghị tăng cường hơn
nữa vai trò của cơ quan kiểm toán tại Quốc hội và trong nhận thức chung của
toàn xã hội; tăng cường các chế tài mạnh đối với người đứng đầu các cơ quan,
đơn vị, địa phương trong việc không thực thi nghiêm túc các kết luận kiểm
toán./.