Ông Nguyễn Văn Quận tôn đê cống Út Bòn ấp Quân Bình, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách.
Tràn, sạt lở đê bao
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, ngày 10-10-2018, trên địa bàn huyện có nhiều khu vực bờ bao cục bộ của người dân bị tràn gây ngập khoảng 875,5ha vườn cây giống, nhiều tuyến đường đan bị sụp dài khoảng 300m và nhiều thiệt hại khác. Ước tính thiệt hại 12 tỷ đồng.
Ghi nhận thực tế tại 2 tuyến đê Út Bòn ấp Quân Bình, xã Tân Thiềng, mực nước đang tới mép bờ, mặc dù trước đó người dân địa phương đã điều động xáng cạp tích cực tôn cao các đoạn đê bị vỡ vào khuya ngày 6-10-2018. Tại vườn 5ha cây giống (sầu riêng) chưa đầy 2 tháng tuổi của hộ ông Trần Văn Bé cùng ấp bắt đầu rủ lá do ngập nước. Ông Trần Văn Bé cho biết: “Đêm 6-10 bắt đầu đỉnh triều, nước tràn vào lênh láng. Rất may, có trưởng ấp chủ động điều xáng cạp gia cố bờ đê bị vỡ, cắt nước ngay trong khuya cùng ngày. Do thời điểm này, cây giống còn non rất nhạy cảm với nước, hy vọng con nước sắp tới bờ bao không bị vỡ nữa”.
Mấy ngày vừa qua, vợ chồng ông Trần Văn Bé không ăn cơm trưa, tranh thủ giờ nước kém gia cố, be thêm bờ đê mong ngăn được nước đỉnh triều để hạn chế tình trạng ngập úng cây giống lần nữa. Ông Nguyễn Văn Quận - Trưởng ấp Quân Bình, xã Tân Thiềng cho biết: “Đoạn đê Út Bòn bị vỡ khoảng 2,5m làm nước tràn, khả năng thiệt hại 50% vườn cây giống của các hộ trong đê. Cùng đêm 6-10, khu vực cồn Lác cũng bị tràn ngập 1 ao cá của công ty Hùng Vương, phải thuê máy bơm nước khắc phục, chưa ghi nhận thiệt hại”.
Theo ông Quận, khi có thông tin đỉnh triều báo động, ấp đã chủ động phân công lực lượng canh gác các đoạn đê. Sau khi kiểm tra hệ thống đê bao, mực nước đỉnh triều đe dọa đất liền, ông đã tiến hành cuộc họp khẩn cấp thông báo để người dân có động thái chuẩn bị. Tuy nhiên, nhiều hộ dân chủ quan, khi đê Út Bòn vỡ, người dân mới bắt đầu đẩy đất tôn đê. Đôi tay còn lắm lem sình lầy đang khẩn trương dùng sạn (dụng cụ trong nhà bếp) để thoát nước mong cứu cây giống, vợ ông Trần Văn Bé cho hay: “từ trước đến nay, đợt triều cường này là cao nhất. Gia đình tôi đã xuống 250 triệu đồng tiền cây giống, trong đó có tiền vay. Giờ cây giống chết coi như nghèo”.
Phó chủ tịch UBND xã Tân Thiềng Trần Quang Lên cho biết, ngoài các đoạn đê xung yếu do nhà nước đầu tư, xã có rất nhiều đoạn đê cục bộ trong dân. Trước đó, UBND xã đã thông báo, vận động người dân gia cố các đoạn bờ bao; kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã; chuẩn bị áo phao, máy cưa đầy đủ; thông báo số điện thoại của lãnh đạo xã đến hộ dân để kịp thời thông tin khi có sự cố triều cường. Tuy nhiên, đợt triều cường vừa rồi có đỉnh tương đối cao hơn năm trước nên đã làm ảnh hưởng đến các đoạn bờ bao. Dự báo con nước tới đây có thể lên cao, UBND xã sẽ khảo sát các đoạn bờ bao xung yếu để vận động bà con tiếp tục gia cố kịp thời.
Ô nhiễm nguồn nước và nguy cơ dịch bệnh
Không những thiệt hại đến hoạt động sản xuất, triều cường còn có nguy cơ tạo ra các mầm mống dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe. Môi trường nước bẩn là điều kiện thuận lợi để các loại côn trùng sinh sôi nảy nở, đặc biệt là các loài gây dịch bệnh như ruồi, muỗi…
Gia cố đê bao ở xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách.
Theo bác sĩ Võ Hồng Khanh - Phó giám đốc Sở Y tế, chân tay ngâm trong nước nhiều, tế bào sừng bị chết và môi trường ẩm ướt làm cho nấm xâm nhập và phát triển gây lở loét, mụn rộp. Các bệnh về đườ̀ng ruột như tiêu chảy, kiết lỵ cũng là một mối lo ngại của người dân. Đáng nói nhất là dịch tay chân miệng đang diễn biến vô cùng phức tạp khắp nơi trên cả nước. Trong điều kiện môi trường ô nhiễm, dịch bệnh này có nguy cơ bùng phát và lây lan mạnh mẽ, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng. Người dân cần đặc biệt chú ý sức khỏe để phát hiện kịp thời khi có bệnh.
Bác sĩ Võ Hồng Khanh cho biết, Cục Y tế dự phòng đã có khuyến cáo người dân nên đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm sau những ngày mưa lũ, triều cường. Quan trọng nhất, phải thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó.
Ông Nguyễn Quang Thương - Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, tình hình triều cường trên các sông diễn biến phức tạp và báo động, do đó chính quyền địa phương tiếp tục chủ động dự báo, tuyên truyền người dân tại khu vực nguy cơ chủ động ứng phó, gia cố các bờ bao xung yếu. Các huyện, xã cũng tăng cường kiểm tra các đoạn đê bao, các công trình theo đê để đảm bảo công tác phòng chống triều cường trong thời gian tới tốt hơn.
Để chủ động ứng phó với lũ từ thượng nguồn về kết hợp với triều cường, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có công văn nhắc nhở các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến mưa, lũ, triều cường. Từ đó, thông tin đến các cấp chính quyền, người dân ở các vùng ven biển, ven sông chủ động các biện pháp phòng tránh; chủ động sơ tán, di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm có nguy cơ bị ngập, sạt lở; tổ chức chỉ đạo lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở triển khai các hoạt động tuyên truyền phổ biến tại cấp xã, ấp và sẵn sàng hỗ trợ người dân ứng phó hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất do ảnh hưởng của triều cường.
Báo cáo sơ bộ của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đợt triều cường đầu tháng 10 (tính đến 13 giờ ngày 11-10-2018) đã gây tràn, sạt lở một số đoạn đê bao, đường giao thông nông thôn. Cụ thể, có gần 260m đường giao thông nông thôn thuộc xã Hưng Phong (Giồng Trôm) bị ngập hư hỏng; 17 điểm đê bao bị tràn, sạt lở với tổng chiều dài khoảng 420m ở huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách. |
Bài, ảnh: Phan Hân