Nhìn lại gần 10 năm thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019) cho thấy Luật đã phát huy hiệu quả tích cực trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ nhiệm kỳ XIII, XIV, XV.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 11 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ, chiều 10-2-2025. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Chính phủ đã có nhiều đổi mới, cả về tổ chức và hình thức, phương thức hoạt động, thể hiện mạnh mẽ tinh thần năng động của một Chính phủ kiến tạo phát triển, góp phần quan trọng đảm bảo, thúc đẩy sự phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: Hoạt động của Chính phủ và các bộ, ngành chủ động, tích cực, tập trung hơn vào quản lý, điều hành vĩ mô; tháo gỡ rào cản; phục vụ, hỗ trợ phát triển.
Đổi mới phương thức làm việc
Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho tổ chức, hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với chính quyền địa phương đã được đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phát huy sự chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương các cấp.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tích cực đổi mới, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động theo tinh thần đổi mới quản trị quốc gia, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp; chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội; thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, thể hiện đúng vị trí, chức năng của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất; đồng thời, thể hiện rõ mối liên hệ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống chính trị. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung lãnh đạo hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Chính phủ luôn phát huy trí tuệ tập thể kết hợp với việc đề cao trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ và trách nhiệm của từng thành viên Chính phủ trong giải quyết các công việc chung thuộc thẩm quyền của Chính phủ theo đúng phạm vi thẩm quyền được phân công và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và Quy chế làm việc của Chính phủ. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn đi đôi với trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chức năng, phạm vi quản lý giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, đề cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Phương thức làm việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan hành chính nhà nước và giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp được đổi mới mạnh mẽ, thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo theo dõi sát tình hình, nhận diện đúng thời cơ, thách thức, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế theo quý, năm với phương án, giải pháp kịp thời, phù hợp tình hình thực tế, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Điều chỉnh tinh gọn
Bộ máy Chính phủ đã có sự điều chỉnh theo hướng tinh gọn, từng bước khắc phục sự cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Chính phủ ngày càng được hoàn thiện, phù hợp theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và từng bước thu gọn đầu mối bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa X, Chính phủ có 48 đầu mối; khóa XI có 38 đầu mối; từ khóa XII đến nay có 30 đầu mối trực thuộc.
Nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV (giai đoạn 2016 - 2021) và trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV (2021 - 2026), cơ cấu tổ chức của Chính phủ được giữ ổn định như khóa XII, XIII theo kết luận của Bộ Chính trị, gồm 27 thành viên và 30 cơ quan; trong đó có 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ.
Chính phủ sẽ tiến hành tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị, phục vụ việc xây dựng Đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI, nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Trong giai đoạn 2016 - 2023, thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII (Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW), Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời xây dựng và hoàn thiện thể chế, bảo đảm phù hợp với chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Chính phủ đã trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách về tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp các đơn vị hành chính.
Giai đoạn vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung, thống nhất thực hiện sắp xếp thu gọn đầu mối, giảm cấp trung gian, khắc phục chồng chéo, giao thoa quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực, qua đó từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức. Đồng thời, trong phạm vi thẩm quyền được giao, căn cứ quy định của Chính phủ về tiêu chí thành lập tổ chức, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã chủ động rà soát, sắp xếp các tổ chức bên trong như phòng thuộc vụ; phòng, chi cục thuộc cục thuộc bộ, thuộc cục thuộc tổng cục bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nếu như ở thời điểm 30-6-2017, các bộ, cơ quan ngang bộ có 30 tổng cục và tương đương, 125 cục thuộc bộ, 260 vụ và tương đương thuộc bộ, 357 cục thuộc tổng cục, 229 vụ và tương đương thuộc tổng cục, 3.249 chi cục, thì đến thời điểm tháng 8/2024, số tổng cục và tương đương còn 13 (giảm 56,7%), số cục thuộc bộ là 141, vụ và tương đương thuộc bộ là 225, cục thuộc tổng cục là 396, vụ và tương đương thuộc tổng cục là 100, chi cục là 2.690.
Phòng thuộc vụ và tương đương thuộc bộ giảm mạnh, từ 629 xuống còn 418; phòng thuộc cục thuộc tổng cục từ 2.583 giảm còn 2.328; phòng thuộc chi cục từ 7.756 giảm còn 3.904.
So sánh với tháng 6-2022 thì tính đến tháng 8-2024, số Tổng cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ giảm 17; giảm 10 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ; vụ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và thuộc tổng cục giảm 145 vụ (trong đó giảm 26 vụ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và giảm 119 vụ thuộc tổng cục và tương đương).
Ở khối cơ quan thuộc Chính phủ, đến tháng 8/2024, số ban (vụ) và tương đương giảm 6,1%, phòng thuộc ban (vụ) và tương đương giảm 16%, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ giảm 4,5% so với tháng 6-2022.
Bên cạnh đó, giảm 13 sở và tương đương, giảm 2.590 phòng và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; giảm 8.295 đơn vị sự nghiệp công lập, đạt 14,84%, vượt chỉ tiêu trung ương giao.
Phân cấp, phân quyền triệt để
Bên cạnh những kết quả tích cực trong thi hành Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, vẫn còn không ít những vấn đề đặt ra. Chẳng hạn như trong hoạt động kiểm soát quyền lực và mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Quốc hội, các cơ quan tư pháp. Hiến pháp 2013 quy định Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội. Tuy nhiên, các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ có tính nguyên tắc trong mối quan hệ với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, tư pháp tại Luật Tổ chức Chính phủ còn chưa đủ rõ, đặc biệt là các nội dung về kiểm soát quyền lực giữa cơ quan hành pháp với cơ quan lập pháp và cơ quan tư pháp.
Sự phân định và phối hợp thực hiện quyền hành pháp trong mối quan hệ với Quốc hội, cơ quan tư pháp và chính quyền địa phương còn chưa rõ ràng, trùng lặp, làm hạn chế sự chủ động của Chính phủ trong quản lý và điều hành chính sách vĩ mô, nhất là khi Luật Tổ chức Quốc hội chưa xác định rõ tiêu chí để xác định những vấn đề quan trọng của đất nước, chính sách cơ bản do Quốc hội quyết định.
Thêm vào đó, vẫn còn tình trạng phân quyền trực tiếp cho các bộ, ngành ngay trong các luật chuyên ngành, đặc biệt là việc quy định một số bộ, ngành cùng tham gia quản lý về một ngành, lĩnh vực, vừa chưa bảo đảm sự thống nhất quản lý của Chính phủ theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), vừa thiếu nhất quán trong việc thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm.
Điều này làm phát sinh sự giao thoa, chồng chéo trong phân công nhiệm vụ dẫn đến nhiều việc phải dồn lên Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc phải thành lập nhiều Ban chỉ đạo liên ngành để giải quyết.
Phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế, có mặt bất cập. Phân cấp, phân quyền trong một số ngành, lĩnh vực chưa hợp lý.
Trong Hội thảo khoa học “Điểm nghẽn thể chế và các giải pháp đột phá để phát triển”, do Bộ Nội vụ phối hợp với Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam tổ chức ngày 11-2 vừa qua, Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thốt lên rằng, “Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ có 24 tiếng đồng hồ, tất cả mọi công việc của đất nước dồn lên cho Thủ tướng thì không tắc mới là chuyện lạ”.
Vì vậy, theo ông phải phân cấp, phân quyền triệt để. Cái gì địa phương làm được thì phân hết cho địa phương, chỉ có những gì địa phương không làm được mới phân cho trung ương. Đã phân cho địa phương là địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Còn theo Tiến sỹ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, chúng ta vẫn chưa hoàn toàn đoạn tuyệt với tư duy “Chính phủ có thể làm hết tất cả mọi việc”, chưa nhận thức đầy đủ vai trò của Chính phủ trong nền kinh tế thị trường, để từ đó, thiết kế cơ cấu tổ chức của Chính phủ cho phù hợp theo hướng “Chính phủ nhỏ, xã hội lớn”; “Chính phủ lái thuyền mà không chèo thuyền”.