Tình yêu và lời đáp

21/05/2010 - 09:09

Gỡ rối tình yêu

Em hiện là học sinh lớp 10 và có tình cảm với thầy giáo dạy toán của mình, nhưng thầy vẫn không hề để ý đến em. Em rất buồn, không biết có nên tiếp tục yêu thầy nữa không?

Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn: Có nhiều lý do để học trò thích thầy giáo như thầy còn trẻ, có ngoại hình thu hút, ăn nói có duyên, lại là người có học thức, nên bạn thích thầy giáo dạy toán của mình cũng là một việc bình thường. Nhưng bạn hãy tự hỏi lại xem bạn đang thích hay là yêu, vì thích không phải là yêu. Biết đâu, hôm nay, bạn thấy thích thầy toán nhưng năm sau, bạn gặp một thầy giáo dạy văn còn trẻ, khôi ngô, lại giảng bài hay, thì lại quay sang thích thầy văn thì sao? Đây là những xúc cảm ban đầu, không phải là tình yêu. Nếu đúng là bạn có yêu thầy đi nữa thì xét lại vẫn chưa phải lúc, vì lúc này bạn chỉ mới 16, 17 tuổi thôi - vẫn còn ở tuổi vị thành niên, còn cả một chặng đường tương lai rất dài đang chờ phía trước, và bạn cần có một khoảng thời gian dài để thẩm định trái tim và tình yêu của mình. Còn bây giờ, bạn hãy giữ một mối quan hệ thầy trò bình thường như từ trước giờ, và nếu tình cảm ấy không thể phát triển thì bạn hãy hiểu rằng, thầy chỉ là con đò giúp học trò sang bờ tri thức mà thôi. Bạn đừng vội buồn, không nên mặc cảm và cũng đừng quá tự ti về mối quan hệ này, vì tất cả đều là những bài toán còn đầy ẩn số phía trước. Và, công việc quan trọng trước mắt của bạn là học thật tốt để khẳng định mình, bạn nhé!
* Cách đây 2 năm, em có quen một anh trong xóm, anh ấy nói khi em học xong lớp 12 sẽ cưới. Em thấy không hợp, nên muốn chia tay, nhưng anh ấy không chịu và muốn trả thù. Vậy thì em phải làm sao?
Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn: Đầu tiên là chúng ta phải có kỹ năng để giải quyết những mâu thuẫn và những xung đột trong quan hệ tình yêu. Có một số bạn trẻ khi đến với tình yêu thì lại rất mơ hồ, chỉ nhìn thấy những vẻ đẹp lung linh mà quên chuẩn bị những kỹ năng để giải quyết những xung đột trong tình yêu sao cho êm đẹp. Cũng cần phải nói đến yếu tố quan trọng trong tình yêu là sự tự nguyện của cả hai người. Nếu bạn cảm thấy trong lòng mình không yêu người ta thì mình cũng nên có một kỹ năng từ chối khéo léo, dựa trên nền tảng là mình có bản lĩnh hay không và người ta là người thế nào, để sau khi từ chối, bạn trai ấy không bị tổn thương quá mức, hay có những suy nghĩ và hành vi không tốt với mình. Nếu anh ấy muốn trả thù thì bạn cũng đừng quá sợ hãi, hãy khẳng định lập trường vững vàng của mình. Tuy nhiên, bạn cần cho cha mẹ bạn biết chuyện này để cha mẹ bạn có thể vào cuộc giúp bạn, vì cho dù ba mẹ bạn có giận bạn, la rầy bạn thì cha mẹ bạn vẫn thương yêu bạn và luôn bảo vệ bạn. Nếu bạn cảm thấy có gì nguy cấp quá thì hãy thông báo với cơ quan công an, chính quyền sở tại để nhờ can thiệp. Đây có thể gọi là văn hóa chưa đẹp trong tình yêu, hay có thể nói là bạn trai này đã thiếu kỹ năng sống. Nếu thất bại trong tình yêu thì chúng ta phải tập một kỹ năng “đối diện với thất bại” và vượt qua thất bại. Vì biết đâu rằng, tình yêu này thất bại nhưng trong tương lai, mình sẽ tìm thấy một tình yêu khác tốt hơn, vui vẻ hơn và hạnh phúc hơn thì sao? Vì thế, các bạn trẻ cần phải trang bị cho mình một kỹ năng sống thật tốt, và cho dù gặp phải trở ngại gì cũng cần phải bình tĩnh để xử lý thật tốt.

Ánh Nguyệt (lược ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN