Tôn vinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

09/06/2022 - 10:23

BDK.VN - Với những cống hiến của Nguyễn Đình Chiểu trên lĩnh vực giáo dục, y đức, đặc biệt là những tác phẩm văn thơ đồ sộ và nhân cách sống của ông được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu trong, ngoài nước đều có những đánh giá cao về ông. Ông không chỉ có sự nghiệp văn chương mà cả sự nghiệp văn hóa, nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn với một nhân cách văn hóa lớn.

Biểu diễn nghệ thuật ca ngợi Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

Biểu diễn nghệ thuật ca ngợi Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dù đang trong thời điểm khốc liệt nhất của chiến tranh, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều tổ chức trọng thể kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của ông vào những năm tròn vừa là để tưởng nhớ đến nhà thơ lớn vừa là thông qua hình ảnh của ông, sự nghiệp văn chương của ông để tuyên truyền, giáo dục, khích lệ tinh thần nhân dân tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ trước đến nay, các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, nhất là truyện Lục Vân Tiên luôn được thực hiện thường xuyên, đặc biệt từ năm 1992 đến nay, tỉnh Bến Tre lấy ngày sinh và ngày mất của Cụ (ngày 1-7 và ngày 3-7) làm Ngày truyền thống Văn hóa của tỉnh.

Với tài năng, đức độ và những đóng góp của Nguyễn Đình Chiểu, cũng như lòng tôn kính của nhân dân nhân kỷ niệm 195 năm Ngày sinh của ông (1-7-1822 - 1-7-2017), Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu là di tích cấp quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22-12-2016).

Tại kỳ họp lần thứ 41 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO, diễn ra từ ngày 9 đến 24-11-2021 tại Paris, Pháp), đã chính thức thông qua hồ sơ khoa học Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam trong danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế niên khóa 2022 - 2023.

UNESCO khẳng định: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam; tấm gương vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời”. Ngoài sáng tác thơ văn, ông còn là một nhà giáo được người đời quý mến về tài năng, đức độ. Trọn đời dốc lòng dạy dỗ, truyền thụ cho môn sinh đạo làm người, đạo lý truyền thống của dân tộc. Điều đáng khâm phục nữa là khi bị mù, Nguyễn Đình Chiểu mới học làm thuốc và trở thành một thầy thuốc giỏi, một lương y tinh thông về y lý phương Đông và y lý Việt Nam. Có thể nói, trên thế giới hiếm có danh nhân nào đạt trên cả 3 lĩnh vực đồ sộ như Nguyễn Đình Chiểu: Thơ văn, Thầy giáo, Thầy thuốc.

Hiện nay, tỉnh đang phối hợp với các ban, bộ, ngành, đơn vị liên quan triển khai tổ chức các hoạt động, chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu vào đầu tháng 7-2022.

Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu

Di tích Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu được UBND tỉnh Bến Tre cho khởi công xây dựng từ năm 2000 đến 2002. Bao gồm các hạng mục chính: cổng tam quan, nhà bia, đền thờ mới, đền thờ cũ và khu mộ trong khuôn viên có diện tích hơn 1,5ha.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ thắp hương tại đền thờ Nguyễn Đình Chiểu.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ thắp hương tại đền thờ Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: A. Nguyệt

Cổng tam quan khu lăng mộ mang phong cách kiến trúc truyền thống của các đình chùa Việt Nam với hai mái chồng, hình thuyền, lợp ngói âm dương màu đỏ gạch giả cổ, trên nóc và những bao lam, xiên, xà có đắp hoa văn, phù điêu ước lệ với nét dựng chân phương. Cột trụ tam quan to, vững chãi, sơn màu đỏ son.

Nhà bia được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép, cao 12m có hai tầng mái. Mặt ngoài đắp nổi hoa văn hoa lá cách điệu, mặt trong đắp nổi tứ linh. Đỉnh mái đắp nổi biểu tượng bút lông. Chính giữa là tấm bia bằng đá nguyên khối, có kích thước 2,65m x 2,7m x 1,8m. Mặt trước khắc bài văn bia ca ngợi công đức của Nguyễn Đình Chiểu, mặt sau khắc tóm tắt tiểu sử của ông.

Đền thờ: Đền thờ cũ: Được xây dựng năm 1972, diện tích 84m2, gồm hai tầng mái, lợp ngói âm dương màu nâu, tường gạch, nền lát gạch bông theo kiến trúc truyền thống. Trên nóc trang trí hoa văn rồng - mây cách điệu. Chính giữa có bàn thờ bằng bê tông dán gạch men. Hai cây cột cái đắp nổi câu thơ: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” theo kiểu thư pháp được sơn màu vàng trên nền đỏ. Nội thất trưng bày một số hình ảnh, tư liệu về các vị thủ lĩnh và phong trào kháng Pháp của nghĩa quân Nam kỳ cuối thế kỷ XIX.

Đền thờ mới: Được xây dựng vào năm 2000 - 2002, có chiều cao 21m, dựng bằng bê tông cốt thép theo hình tròn, mái đổ bê tông dán ngói âm dương và trang trí trên tường là hoa văn truyền thống. Đền thờ gồm hai tầng với ba tầng mái tượng trưng cho 3 nghề của ông: nghề giáo, nghề thuốc và thơ văn. Tầng dưới trưng bày một số hình ảnh Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, một số đoàn khách nước ngoài, Nhân dân trong nước đến thăm viếng. Tầng trên đặt tượng Nguyễn Đình Chiểu bằng đồng cao 1,6m, nặng 1,2 tấn. Trên bốn cột ở tứ trụ có 4 liễn áp cột bằng gỗ chạm trổ hoa văn tinh xảo, trong đó có hai câu thơ của ông trong tác phẩm “Dương Từ - Hà Mậu”: Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà. Và câu đối của ông Nguyễn Văn Châu, một người con của Bến Tre viết ca ngợi công đức Nguyễn Đình Chiểu: Nhân nghĩa sáng ngời vầng nhật nguyệt/ Văn chương tỏ rạng ánh sao khuê.

Hai bên tượng Nguyễn Đình Chiểu là hai mảng phù điêu. Phù điêu bên trái miêu tả cảnh ông đọc bài Lục tỉnh sỹ dân trận vong văn tại Chợ Đập (Ba Tri) khoảng năm 1884. Phù điêu bên phải miêu tả trận đánh đầu tiên của hương giáo làng Phan Ngọc Tòng lãnh đạo nghĩa quân với vũ khí thô sơ đánh Pháp ở Giồng Gạch (An Hiệp) khi chúng hành quân lấn chiếm vùng đất Ba Tri vào rạng sáng 16-11-1868.

Khu mộ được tôn tạo năm 1958, gồm mộ cụ Đồ Chiểu, mộ cụ bà. Hài cốt con gái Nguyễn Thị Khuê (Sương Nguyệt Anh) - nữ sĩ, chủ bút báo Nữ Giới Chung - tờ báo phụ nữ đầu tiên của Việt Nam cũng được cải táng về đây năm 1959. Mộ Cụ Nguyễn Đình Chiểu trên bia có khắc chữ Nhật (日), mộ cụ bà trên bia có khắc chữ Nguyệt (月).

Tổ chức trò chơi dân gian dịp 1-7. Ảnh: A. Nguyệt

Tổ chức trò chơi dân gian dịp 1-7. Ảnh: A. Nguyệt

Hàng năm, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bến Tre đều tổ chức Lễ hội truyền thống Văn hóa vào ngày 1 đến ngày 3-7 (ngày sinh và ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu); với nhiều chương trình phong phú như: Lễ dâng hương, đọc văn tế, nói thơ Vân Tiên, thi hóa trang Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, trích đoạn cải lương Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, thi mâm xôi ngày hội, mâm cơm ngày giỗ, kéo co, nhảy bao bố, đập niêu...

Lễ hội là dịp để ôn lại truyền thống yêu nước của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau noi theo, học tập về sự nghiệp, những giá trị tư tưởng, nhân cách, đạo đức của nhà giáo, người thầy thuốc và nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Đây cũng là dịp để nhân dân vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các bậc tiền nhân, đồng thời, góp phần tích cực vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống văn hóa của địa phương.

(Còn tiếp)

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN