Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lòng nhân dân Bến Tre

21/07/2024 - 11:30

BDK.VN - Nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Bến Tre đã bùi ngùi, tiếc thương với tất cả lòng kính trọng, quý mến một nhà lãnh đạo kiệt xuất, hết lòng vì Đảng, vì nước, vì dân. Đặc biệt đối với những người đã có dịp gặp gỡ đồng chí Tổng Bí thư khi đồng chí về Bến Tre thăm và làm việc vào năm 2016, càng thêm nhiều cảm xúc.

Cô Nguyễn Thị Nga - Trưởng khoa Xây dựng Đảng - Trường Chính trị Bến Tre (thứ 3, từ phải sang), trong lần gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm và làm việc tại xã Hữu Định (huyện Châu Thành). Ảnh: Thu Hiền

Tổng Bí thư để lại nhiều tác phẩm giá trị

Trong chuyến thăm và làm việc với Bến Tre ngày 17-3-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế ở một số địa phương trong tỉnh và làm việc với lãnh đạo tỉnh. Và dịp ấy, nhiều người đã được trực tiếp gặp gỡ Bác Trọng (cách gọi thân thương mà mọi người vẫn trìu mến gọi khi nhắc đến đồng chí Tổng Bí thư) với những kỷ niệm đẹp cùng những tình cảm trân quý. Trong đó có cô Nguyễn Thị Nga - Trưởng khoa Xây dựng Đảng - Trường Chính trị Bến Tre.

Cô bồi hồi nhớ lại và cho rằng mình thật may mắn khi có cơ hội được gặp trực tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khi ấy, cô là giảng viên Trường Chính trị tỉnh được cử đi biệt phái (Trường đưa giảng viên đi cơ sở nghiên cứu thực tế có thời hạn) ở xã Hữu Định (huyện Châu Thành) và được phân công chức vụ Phó bí thư Đảng ủy xã Hữu Định. Theo kế hoạch, tỉnh chọn xã Hữu Định là một trong những địa điểm để đoàn công tác Trung ương đến thăm và làm việc, vì thời điểm đó, Hữu Định là xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Châu Thành.

Đón đoàn công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại UBND xã có các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, lãnh đạo Đảng ủy xã và các đồng chí Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp. Trong buổi làm việc, Bác Trọng rất quan tâm đến các đồng chí cán bộ xã, nhất lả cán bộ ấp; muốn được nghe trực tiếp các đồng chí báo cáo về tình hình đời sống nhân dân, về công tác xây dựng Đảng; những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc và khuyến khích đề xuất để cấp trên nắm tình hình.  

Sau khi làm việc với địa phương ở hội trường xong, Bác Trọng đến tận các phòng làm việc, ân cần bắt tay, thăm hỏi các đồng chí cán bộ xã. Mọi người ai nấy đều mừng rỡ, xúc động.

“Dù là một người lãnh đạo cấp cao nhưng bác có phong thái rất giản dị, gần gũi, gương mặt hiền từ, phúc hậu, đặc biệt giọng nói rất nhẹ nhàng, ấm áp. Cá nhân tôi cũng như các anh chị em khi ấy cảm thấy rất hạnh phúc khi được trực tiếp gặp gỡ Bác Trọng, đó cũng là kỷ niệm đẹp đáng nhớ với tôi và mọi người ở xã thời điểm ấy”, cô Nga bộc bạch.

Cô Nga chia sẻ thêm, là giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cô không chỉ là nhà lãnh đạo kiệt xuất, kiên trung mà còn là nhà lý luận trí tuệ. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đã có nhiều bài viết đặc biệt quan trọng cả về lý luận và thực tiễn được sự quan tâm và hưởng ứng sâu rộng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đặc biệt trong thời gian gần đây, toàn Đảng nói chung và Đảng bộ tỉnh Bến Tre nói riêng đã chú trọng các đợt sinh hoạt chính trị đối với việc triển khai học tập, quán triệt các tác phẩm của Tổng Bí thư như: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng; Xây dựng, phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”, Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc… và hàng loạt các bài viết định hướng tư tưởng cho toàn Đảng rất sâu sắc và ý nghĩa, mà bản thân cô rất tâm đắc. Những nội dung này được Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị lãnh đạo triển khai rất nghiêm túc và yêu cầu cán bộ, viên chức, người lao động, học viên quán triệt sâu, nhất là đối với giảng viên, nâng cao năng lực nghiên cứu, vận dụng vào công tác chuyên môn.

Khi nghe tin Bác Trọng mất qua các kênh truyền thông, cô và các thầy cô của trường đều rất buồn, nhiều cảm xúc. Nhà lãnh đạo kiên trung, nhà lý luận trí tuệ, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh Bác đã ra đi. Bác Trọng xứng đáng là tấm gương học tập và làm theo Bác với tất cả sự tận tụy, hết lòng vì nước, vì dân, lối sống thanh bạch, giản dị, gần gũi cho thế hệ mai sau noi theo. Cô cũng tin tưởng rằng, trong niềm tiếc thương hướng về đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thế hệ kế thừa hôm nay cũng sẽ tiếp tục quyết tâm học tập theo tấm gương của đồng chí, hết mình hết sức với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày càng tiến xa hơn.

Nhà lãnh đạo giản dị, gần gũi

Cũng trong chuyến công tác về Bến Tre, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, khảo sát một cánh đồng lúa bị ảnh hưởng hạn mặn tại xã Tân Thanh (Giồng Trôm). Ông Võ Văn Nhu - Chi hội phó Chi hội Nông dân ấp Tân Phước (xã Tân Thanh) là người đã trực tiếp được Bác Trọng trò chuyện, thăm hỏi trong lần ấy. Ông Nhu không chỉ là “nông dân chính hiệu” với việc canh tác vườn tược, ông còn là người tích cực tham gia hoạt động Hội Nông dân ở ấp gần 30 năm, đồng thời ông hiện đang là Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản số 11 của ấp Tân Phước. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm cánh đồng lúa xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm và trò chuyện cùng nông dân Võ Văn Nhu (thứ hai, trái sang). Ảnh: Thu Hiền

Ông Nhu kể, Bác Trọng về thăm Bến Tre vào thời điểm tỉnh đang bị xâm nhập mặn ảnh hưởng khá nghiêm trọng và cánh đồng lúa Tân Thanh là địa điểm được Bác Trọng trực tiếp đến khảo sát, tìm hiểu. Buổi sáng hôm ấy, ông được lãnh đạo địa phương thông tin rằng, một lát sau, đoàn công tác Trung ương có đồng chí Tổng Bí thư đến thăm và ông với một số nông dân sẽ cùng địa phương ra đón tiếp, gặp gỡ. Ông cũng khá bất ngờ và vui mừng, đồng thời cũng thoáng chút ngại ngùng khi bản thân ông đang trong trang phục đi làm ruộng, nhưng khi được lãnh đạo xã động viên “mình nông dân mà”, ông cũng có phần đỡ ái ngại và sẵn sàng tâm thế đón tiếp chuyện cùng đoàn công tác tại địa điểm bờ ruộng lúa.

Với ông Nhu, từng chi tiết, từng câu nói buổi gặp gỡ đặc biệt ngày hôm ấy ông vẫn nhớ mãi. Ông nói: “Hình ảnh đầu tiên tôi nhìn thấy khi Bác Trọng từ trên xe bước xuống và đi về phía bờ ruộng là một dáng người hết sức bình dị, thân thương. Bác Trọng tươi cười và đưa tay vẫy chào chúng tôi, chúng tôi chào lại. Bác Trọng tiến đến ruộng quan sát và trực tiếp sờ tay vào cây lúa để xem. Sau đó Bác Trọng hỏi thăm tình hình trồng lúa và tôi đã đại diện các nông dân trò chuyện. Bác Trọng ân cần hỏi: “Trước khi bị hạn mặn thì hằng năm, năng suất lúa ở đây được bao nhiêu?” Tôi trả lời: “Dạ khoảng 7 tấn/ha đó Bác”. Rồi Bác Trọng tỏ vẻ băn khoăn: “Vậy khi hạn mặn thì chắc nông dân bị ảnh hưởng, đời sống có gặp khó khăn nhiều không?”. Tôi trả lời: “Dạ do ảnh hưởng mặn nhiều nên gặp khó khăn nhưng cũng cố gắng”. Bác Trọng nghe xong đã chia sẻ, động viên chúng tôi; đồng thời bảo rằng tình hình bị hạn mặn do thiên tai thế này thì nông dân cùng với Nhà nước phải đồng lòng cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Phía Đảng, Nhà nước cũng sẽ có các phương án hỗ trợ, đồng hành cùng nông dân để ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, tiếp tục trồng trọt, sản xuất tốt hơn”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm thăm hỏi về đời sống người dân Bến Tre. Ảnh: Mã Phương

Ngoài thăm hỏi về tình hình trồng lúa, đời sống nông dân, Bác Trọng còn quan tâm thăm hỏi về nguồn nước uống, sinh hoạt của bà con. Ông Nhu bày tỏ, cuộc trò chuyện giữa Bác Trọng và ông tuy chỉ diễn ra ít phút nhưng đã mang lại niềm phấn khởi rất lớn cho ông và bà con nông dân. Ông cảm nhận được sự quan tâm, tình cảm Bác Trọng trong từng lời nói, rất gần gũi và chia sẻ, giây phút đó ông rất xúc động.

Mấy ngày qua, khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ông không khỏi bùi ngùi, đau xót. Ông nói, dẫu biết là tuổi của bác đã cao, sức khỏe có phần suy giảm nhưng ông nghĩ và mong muốn Bác Trọng vẫn sẽ còn “ở lại” với đất nước, với nhân dân lâu hơn thế nữa. Giờ Bác Trọng đã đi xa nhưng những tình cảm, kỷ niệm của người lãnh đạo Đảng gần gũi sẽ còn lưu giữ mãi trong lòng ông.

Ánh Nguyệt 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN