Tổng Bí thư Tô Lâm: “Thời cơ vàng” để thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy

13/02/2025 - 16:03

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng khả năng lãnh đạo, tầm nhìn dài hạn, khả năng thích ứng, ưu tiên chiến lược và sự đổi mới của chính quyền, Chính phủ là những tiêu chí để đánh giá hiệu năng và kết quả của bộ máy.

Tổng Bí thư Tô Lâm làm rõ một số vấn đề về tinh gọn bộ máy. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Phát biểu tại phiên họp tổ về 3 nội dung: Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước sáng 13-2-2025, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết công tác sắp xếp tinh gọn bộ máy được Nhân dân, các cơ quan, Quốc hội đồng tình, ủng hộ và tổ chức triển khai thực hiện rất nhanh và rất tốt. Đây là chủ trương đúng đắn và là mong đợi từ rất lâu của người dân.

"Tinh gọn tổ chức bộ máy để tiết kiệm tiền hay vì kinh tế là một phần nhưng quan trọng nhất, hơn cả là hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước, để đưa đất nước phát triển đi lên,” Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Phải nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân

Để đất nước phát triển, theo Tổng Bí thư phải có sự tăng trưởng, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, bởi khi đã có tăng trưởng, đời sống của Nhân dân phải được nâng cao, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của Nhân dân trên tất cả các lĩnh vực từ xã hội đến y tế, giáo dục, văn hóa…

“Không thể nói tăng trưởng mấy con số mà đời sống Nhân dân không thay đổi, nếu vậy tăng trưởng đi đâu? Do đó, hai điều này luôn phải được bảo đảm và liên tục gắn với nhau,” Tổng Bí thư nhấn mạnh đồng thời lưu ý thêm về tinh gọn bộ máy để hiệu lực, hiệu quả.

Theo đó, hiệu năng, hiệu lực phải xác định được chức năng, nhiệm vụ, đúng chức năng, đúng nhiệm vụ và phải có hiệu quả và có hiệu lực trong bộ máy Nhà nước.

Điểm tiếp theo được Tổng Bí thư nêu ra đó là phải có hệ thống quy định pháp lý, pháp luật. Muốn làm tốt, mô hình tổ chức bộ máy và hệ thống quy định pháp luật phải được toàn xã hội đồng lòng thực hiện, không thể để bộ máy mỗi người đi một hướng. Bên cạnh đó, bố trí đội ngũ cán bộ như thế nào để nâng cao được hiệu lực, hiệu quả, nâng cao được việc thực thi pháp luật đó.

Nhấn mạnh thời điểm này là “thời cơ vàng” để thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, Tổng Bí thư cho rằng khả năng lãnh đạo, tầm nhìn dài hạn, khả năng thích ứng, ưu tiên chiến lược và sự đổi mới của chính quyền, của Chính phủ là những tiêu chí để đánh giá hiệu năng và kết quả của bộ máy.

“Mỗi một giai đoạn, mỗi đường hướng lại cần có một bộ máy để thực thi. Chúng ta xác định phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì bộ máy, chính sách pháp luật phải bảo đảm được mục tiêu đó,” Tổng Bí thư chỉ ra.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh bộ máy Nhà nước phải làm sao để phục vụ cho sự phát triển của xã hội, phải động viên được Nhân dân, doanh nghiệp tham gia tích cực vào xây dựng, phát triển đất nước. Bộ máy này phải nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân để thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội vào quá trình nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính, củng cố nền dân chủ. Bởi lẽ, nếu không huy động được sức mạnh của Nhân dân thì sẽ rất khó khăn.

Phải quyết đoán, quyết liệt

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về quy định xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhất trí việc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét ban hành các văn bản hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội và định kỳ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Đây là điểm mới trong dự thảo Nghị quyết.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy tới đây còn nhiều việc phải làm. Chỉ riêng về pháp luật đã có tới hơn 300 luật liên quan, hơn 5.000 văn bản liên quan nghị định, thông tư, không thể chỉ trong một Kỳ họp bất thường 6,5 ngày này có thể xử lý được hết mà phải tiếp tục thực hiện. Do đó, cần có cơ chế cho phép Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét ban hành các văn bản hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh để từ 1-3 tới bộ máy của nhà nước đi vào hoạt động.

"Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả được sự hưởng ứng rất tốt trong nhân dân, trong cán bộ, đảng viên. Chúng ta sắp xếp để bộ máy tinh gọn nhưng phải mạnh. Muốn mạnh phải có con người. Phải chọn được người tinh hoa, người tài, người có đủ năng lực, phẩm chất để phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân," Chủ tịch Quốc hội nói.

Nhấn mạnh việc sửa đổi các Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về xử lý một số vấn đề phát sinh sau sắp xếp tổ chức bộ máy phải bám sát chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp và pháp luật để bảo đảm yêu cầu về chất lượng, tạo cơ sở pháp lý để bộ máy đi vào hoạt động, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn một lần nữa nêu rõ "phải quyết đoán, quyết liệt, quyết tâm nhưng phải bằng quyết làm nữa thì mới có sản phẩm cho đất nước."

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) bày tỏ sự nhất trí với hồ sơ trình cũng như là các nội dung dự thảo. Theo đại biểu, hồ sơ Chính phủ trình về mặt quy định đảm bảo pháp chế khi thay đổi tổ chức bộ máy, cùng đó những văn bản pháp luật có liên quan phải sửa đồng bộ để làm cơ sở pháp lý triển khai thực hiện.

"Nghị quyết của Chính phủ trình Quốc hội là một cái sáng kiến rất hiệu quả và rất đúng, chúng ta cần phải thực hiện trong cái bối cảnh hiện nay khi tổ chức sắp xếp và cũng là đảm bảo cái cơ sở pháp lý để sau khi sắp xếp tất cả các cái cơ quan tổ chức nhà nước được vận hành một cách thông suốt, kịp thời, đáp ứng với yêu cầu trong kỷ nguyên mới," đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho hay.

Nguồn: Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN