TP. Bến Tre, hành trình đi lên đô thị, Bài 2: Đô thị văn minh, hiện đại

19/12/2018 - 08:49

BDK - Định hướng phát triển TP. Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại II giai đoạn 2016 - 2020 đến nay đã cơ bản hoàn thành 5 tiêu chí và 55/59 chỉ tiêu. Từ thời điểm được công nhận đô thị loại III vào năm 2007 đến nay, hơn 10 năm, TP. Bến Tre có nhiều chuyển biến tích cực, khẳng định là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh.

Một góc hồ Trúc Giang, TP. Bến Tre. Ảnh: T. Đồng

Một góc hồ Trúc Giang, TP. Bến Tre. Ảnh: T. Đồng

Chuyển biến tích cực

 TP. Bến Tre đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người đạt 64,52 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng nhanh tỷ trọng thương mại - dịch vụ; nhiều công trình, phong trào đã và đang xây dựng hiệu quả nếp sống văn minh đô thị.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, xây dựng ý thức, thái độ văn minh lịch sự trong giao tiếp, ứng xử, người dân biết sống có trách nhiệm với cộng đồng. Ông Nguyễn Chí Quyền - Chủ tịch Hội Người cao tuổi Phường 1 cho hay, nếp sống văn hóa có chuyển biến thể hiện ở tình làng nghĩa xóm khác trước, tiệc cưới, việc tang văn minh, lối ứng xử của người dân cải thiện rất rõ. “Điều đáng mừng hơn nữa là thành quả đô thị chia đều cho mọi người, ai cũng hưởng được. Từ đó, niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước bền chặt hơn”, ông Chí Quyền nói.

Thực tế dễ thấy, từ đời sống sinh hoạt đến sản xuất, kinh doanh của người dân đều đã có những thay đổi theo hướng tích cực, hưởng nhiều tiện ích hơn từ những công trình phúc lợi xã hội, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao. Ông Trần Ngọc Hà - người dân TP. Bến Tre cho hay, đô thị phát triển không những mang lại ý nghĩa trong phát triển kinh tế mà thành phố thông thoáng với nhiều không gian xanh là điều kiện để người dân vui chơi, giải trí nâng cao đời sống tinh thần.

Hiện TP. Bến Tre đã hình thành các trung tâm dịch vụ thương mại lớn như: hệ thống siêu thị, cửa hàng và khu phố thương mại dịch vụ như Co.op Mart, Sence City; các siêu thị điện máy… Cơ sở hạ tầng văn minh, hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của nhân dân.

Nhiều cây cầu lớn hoàn thành, đưa vào sử dụng gồm Rạch Miễu (2009), Hàm Luông (2010), Cổ Chiên (2015) đã nối liền 3 dải cù lao, Bến Tre không còn tách biệt với đồng bằng sông Cửu Long. Từ TP. Bến Tre, có nhiều phương tiện giao thông thuận tiện đi TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận, các trung tâm kinh tế của Nam Bộ. TP. Bến Tre được nhận định là một mắt xích quan trọng trong kết nối chuỗi đô thị từ TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận, nhất là các tỉnh duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh Bến Tre nói chung và TP. Bến Tre nói riêng đã thật sự cất cánh.

Phó chủ tịch UBND TP. Bến Tre Huỳnh Vĩnh Khánh cho biết, trên địa bàn có nhiều dự án du lịch đã và đang triển khai, lượng khách du lịch và số ngày lưu trú trên địa bàn tăng qua các năm gần đây. Thành phố thể hiện vai trò là một trong những điểm dừng chân không thể thiếu trong các tour du lịch của tỉnh và TP. Hồ Chí Minh đi đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở phát huy các tiềm năng về tài nguyên du lịch, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Ông Huỳnh Vĩnh Khánh cho biết thêm, tháng 10-2018 vừa qua, Bộ Xây dựng và Cục Phát triển đô thị đã khảo sát thực tế TP. Bến Tre để phục vụ công tác thẩm định và công nhận TP. Bến Tre là đô thị loại II. Dự kiến, tháng 12-2018, Bộ Xây dựng sẽ thẩm định đề án và trình Chính phủ. So sánh, đánh giá kết quả 5 tiêu chí quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối với đô thị loại II trực thuộc tỉnh, TP. Bến Tre đạt trên 88 điểm, đủ điều kiện công nhận đô thị loại II.

Tiếp tục phấn đấu

Bên cạnh những thành tựu trong quá trình phát triển vẫn còn một số hạn chế. Nhìn nhận những tồn tại, ông Huỳnh Vĩnh Khánh cho hay, tồn tại hiện nay của thành phố là cơ sở hạ tầng; một số chỉ tiêu chưa đạt, cụ thể tỷ lệ đất giao thông khu vực nội thành so với đất xây dựng trong khu vực nội thành; mật độ đường trong khu vực nội thành; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật; nhà tang lễ và sử dụng hình thức hỏa táng.

Quan sát tổng thể, diện mạo đô thị có sức bật nhưng điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội của thành phố có bước đi chậm so với nhịp độ phát triển của các thành phố thuộc tỉnh trong khu vực. Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thái Xây cho rằng, chính quyền và nhân dân TP. Bến Tre cần đề cao lòng tự hào là người Bến Tre - quê hương Đồng Khởi, từ đó phải tiếp tục phấn đấu làm sao để phát triển bộ mặt Bến Tre sao cho xứng đáng. Ở Bến Tre, đất cù lao biệt lập đã được Trung ương đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu và cầu Cổ Chiên, điều này được xem là hành lang phát triển kinh tế ở phía Đông đồng bằng sông Cửu Long, cho nên toàn tỉnh Bến Tre, đặc biệt là TP. Bến Tre phải phấn đấu để phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

“Trong du lịch, thành phố cũng đã có những sự phát triển đáng kể với những tour tuyến thu hút đông đảo du khách đến với thành phố, tạo nên một nét chấm phá cho thành phố trong lĩnh vực này. Trong thời gian tới cần khuyến khích phát triển thêm nhiều điểm dừng chân từ những đặc điểm riêng, nổi bật của thành phố để khai thác du lịch thành phố hiệu quả hơn nữa”, ông Nguyễn Thái Xây nhận định.

“Thành phố đang trong quá trình tiếp cận các nhà đầu tư, đón nhận luồng đầu tư ngoài sự mong đợi. Vấn đề đặt ra là thành phố bắt tay vào làm, sử dụng nguồn vốn đầu tư như thế nào để thay đổi diện mạo thành phố cho có hiệu quả và xử lý vấn đề giải phóng mặt bằng sao cho hợp lý.

Thành phố cũng cần có định hướng, đóng góp xây dựng trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030. Có quy hoạch như vậy thì mới triển khai, phấn đấu và thực hiện quy hoạch cho chính xác”.

(Ông Trương Duy Hải - Phó chủ tịch UBND tỉnh)

T. Đồng - A. Nguyệt - Ph.Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN