Trồng thanh long ruột đỏ thu nhập cao

25/10/2012 - 15:22
Ông Còn đạt thu nhập cao nhờ trồng thanh long ruột đỏ.

Xã Tam Hiệp (Bình Đại) được xem là xứ sở của cây nhãn xuồng cơm vàng và nhãn tiêu da bò. Cây nhãn nơi đây được bà con xử lý ra trái vụ nghịch nên hiệu quả kinh tế khá ổn định. Có một nông dân mạnh dạn đốn bỏ vườn nhãn già cỗi, để trồng thanh long ruột đỏ, bước đầu đạt thu nhập rất cao.

Sau khi tham quan mô hình trồng thanh long ruột đỏ đạt hiệu quả kinh tế cao ở tỉnh Long An, năm 2009, ông Mai Văn Kim Còn, ở ấp 3, xã Tam Hiệp đã đốn 2 công trong tổng số 8 công đất trồng nhãn tiêu da bò của gia đình để đầu tư trồng thanh long ruột đỏ. Sau khi tìm hiểu về kỹ thuật trồng và chăm sóc, ông Còn đến Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam (tỉnh Tiền Giang) mua 800 hom thanh long ruột đỏ về trồng. Sau thời gian 12 tháng, thanh long bắt đầu vào giai đoạn thu hoạch trái. Nhờ áp dụng cách xử lý ra trái quanh năm nên năm 2011 ông Còn thu hoạch gần 6 tấn trái. Với giá bán cho thương lái đến tận vườn mua mùa thuận (từ tháng 3 đến tháng 8) thấp nhất 15.000 đồng/kg; mùa nghịch (từ tháng 9 đến tháng 2) cao nhất 50.000 đồng/kg, chỉ với 2 công đất trồng thanh long ruột đỏ, sau khi trừ chi phí (10 triệu đồng), ông Còn thu lãi trên 120 triệu đồng. Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay, ông Còn đã nhân giống bán 6.000 hom thanh long cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Theo tài liệu viết về thanh long ruột đỏ thì loại cây trồng này cho trái từ năm thứ 3 trở lên sẽ đạt năng suất bình quân 4,5 đến 5 tấn/công; thời gian thu hoạch trái khoảng 15 năm.

Ông Còn cho biết: Thanh long ruột đỏ khá khó tính, đòi hỏi người trồng phải am hiểu kỹ thuật và quan tâm đầu tư chăm sóc cho cây. Trụ trồng thanh long phù hợp là trụ đá hoặc xi-măng có chiều dài khoảng 2 mét, để chắc chắn cần chôn trụ xuống khoảng 50cm. Mỗi trụ trồng 4 hom thanh long, khoảng cách mỗi trụ là 3m x 3m; 1 công đất trồng khoảng 100 trụ. Cách 2 tháng ông Còn xử lý ra hoa thanh long một lần; trước và sau khi xử lý ra hoa ông bón phân hóa học để cây khỏe mạnh, nuôi trái tốt. Ngoài phân hóa học, mỗi năm ông bón 2 đợt phân hữu cơ cho cây, bình quân mỗi cây khoảng 10kg. Ngoài ra, ông còn cắt tỉa bỏ những nhánh thanh long già không còn năng suất để không cạnh tranh dinh dưỡng với các nhánh khỏe mạnh. Cây thanh long ruột đỏ thường mắc bệnh thán thư vào mùa mưa, cần phun thuốc phòng ngừa.

Năm đầu tiên, ông Còn xử lý cho thanh long ra trái bằng cách dùng điện phát sáng cho mảnh vườn, bình quân mỗi đợt 2 tháng ông tốn chi phí khoảng 2 triệu đồng tiền điện. Thời gian gần đây, ông áp dụng phương pháp chấm thuốc hỗ trợ dinh dưỡng ở mầm phát hoa cho cây ra hoa, ông chỉ tốn khoảng 700.000 đồng. Đặc biệt, cách làm này giúp thanh long ra trái đều hơn.   

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thanh long ruột đỏ có thành phần dinh dưỡng cao, nhất là hàm lượng vitamin nên được nhiều người tiêu dùng ưa thích vì có lợi cho sức khỏe. Hiện nay, thị trường trong nước và nước ngoài đang rất ưa chuộng thanh long ruột đỏ nên giá bán trái ổn định ở mức cao. Trồng thanh long ruột đỏ đạt hiệu quả kinh tế cao, ông Còn đang đầu tư mở rộng diện tích để trồng thêm 1 hecta thanh long ruột đỏ thời gian tới.  

Bài, ảnh: CAO DƯƠNG

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN