Vài nét về các sưu tập hiện vật sinh hoạt dân gian của Bảo tàng Bến Tre

19/05/2010 - 08:32
Nồi đồng.

Chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Hồ Chủ tịch và ngày Quốc tế Bảo tàng 18-5, chúng tôi xin giới thiệu vài nét về việc xây dựng, từng bước hoàn chỉnh các sưu tập hiện vật sinh hoạt dân gian của Bảo tàng Bến Tre. Việc xây dựng các sưu tập là một hoạt động hết sức quan trọng của bảo tàng, bảo tàng có thu hút khách tham quan hay không đều dựa trên chất lượng sưu tập hiện vật. Sưu tập phải nêu được đặc điểm riêng của bảo tàng, của địa phương, không bị trùng lắp với các bảo tàng khác. Nhằm góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, Bảo tàng Bến Tre đã tổ chức sưu tầm và trưng bày giới thiệu những bộ sưu tập sau:

Sưu tập gốm Việt Nam có phủ men, niên đại cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 gồm những hiện vật như bình đựng nước, khay trà, thố, liễn, bình hoa, gối bằng gốm…Tuy chỉ là những vật dụng sinh hoạt đơn giản nhưng những hiện vật này vẫn mang một vẻ duyên dáng đặc sắc riêng biệt của dòng gốm Nam bộ - một phần trong kho tàng nghệ thuật gốm Việt Nam.
Sưu tập đèn dầu bằng gốm, loại đèn dùng dầu mù u hay dầu dừa để thắp sáng, được sử dụng từ thế kỷ 19 đến khoảng giữa thế kỷ 20, đây cũng là một trong những sưu tập quý của Bảo tàng Bến Tre.
  Sưu tập bình vôi với nhiều loại có chất liệu và kích cỡ khác nhau mang đậm yếu tố Việt gắn liền với tập quán ăn trầu của người Việt xưa.
 Sưu tập các loại hộp, khay, quả cẩn ốc xà cừ cực kỳ tinh xảo, thể hiện bàn tay tài hoa, trình độ kỹ thuật cao của bậc tiền nhân đã làm nên những sản phẩm đạt đến độ hoàn hảo.
Sưu tập đồng của Bảo tàng tuy nhiều hiện vật chưa xác định cụ thể chủ nhân hiện vật nhưng qua nhiều lần triển lãm đã được các tầng lớp nhân dân cũng như các nhà chuyên môn chú ý, đánh giá cao. Từ các em thiếu nhi đến các cụ già đều thích thú khi được tận mắt nhìn thấy những hiện vật đồng được sử dụng trong quá khứ, những hiện vật chỉ tìm thấy trong bảo tàng với nhiều loại hình phong phú như bộ nồi đồng, bàn ủi đồng, ví đựng tiền, rổ đựng kim chỉ, cây quạt đồng chạy bằng cồn .v.v…
Trong quá trình  khẩn hoang mở đất, người Bến Tre với trí thông minh, nghị lực phi thường đã biết đắp đập ngăn mặn, đào kinh dẫn nước, lên liếp trồng cây, biến vùng đất hoang vu thành vườn dừa, vườn cây ăn trái, đồng lúa trĩu hạt, ao mương nuôi tôm cá, biến hệ sinh thái tự nhiên thành hệ sinh thái nông nghiệp với năng suất cao để thỏa mãn nhu cầu sinh sống và phát triển xã hội.
Bảo tàng Bến Tre đã tiến hành sưu tầm các hiện vật đặc sắc chứng minh quá trình hình thành và phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà, bảo tồn các giá trị văn hóa đang có nguy cơ mai một trong cuộc sống hiện đại.
Thông qua các hiện vật, tư liệu từ thời khai hoang mở cõi cho đến những hiện vật của thời hiện đại, bảo tàng sẽ giới thiệu với người xem tiến trình lịch sử khai khẩn, mở mang mảnh đất  Bến Tre lịch sử này.
Sưu tập các dụng cụ nông nghiệp giới thiệu văn hóa sản xuất của người Bến Tre,  những vật chứng của một thời khai hoang mở đất như bánh xe trâu, ống trục, ách chiếc, ách đôi, phảng, ghế nhổ mạ, cù nèo,  nọc cấy, cối đá, gàu dai, gàu sòng, leng gỗ, leng ống, vòng hái, câu liêm, mỏ sãi, cối xay lúa, cối giã gạo, giạ đong lúa bằng tre và bằng kim loại…  Đa số những công cụ này ngày nay không còn sử dụng nữa nhưng chúng ta cần trân trọng giữ gìn những hiện vật quý của nền văn minh lúa nước, đó là nguồn tư liệu lịch sử chân thực, có giá trị để giúp những nhà nghiên cứu, sáng tác nghệ thuật, tổ chức  lễ hội… dựa vào đó để tái dựng lại đời sống sản xuất, sinh hoạt của nông thôn Bến Tre ngày xưa, góp phần giáo dục thế hệ kế thừa  hiểu được cha ông ta đã khó nhọc thế nào mới làm ra lúa gạo nuôi sống con người, qua đó giáo dục lòng tri ân bậc tiền nhân trong công cuộc khai phá, dựng xây quê hương tươi đẹp như ngày nay.

Bài, ảnh: Thu Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN