Quy định mức hỗ trợ kinh phí phát triển sản xuất cho hộ nghèo

16/06/2023 - 16:50

BDK.VN - Từ ngày 18-5-2023, bằng nguồn ngân sách Trung ương và địa phương, tỉnh sẽ thực hiện hỗ trợ kinh phí thực hiện hoạt động phát triển sản xuất cộng đồng cho đối tượng là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và một số đối tượng khác.

Người lao động tại một hộ nghèo ở xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri đan giỏ nhựa để kiếm sống.

Quy định mức hỗ trợ

Ngày 8-5-2023, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam ký Quyết định số 18/2023/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ kinh phí, tỷ lệ quay vòng, trình tự luân chuyển và quy trình theo dõi, giám sát của cơ quan, đơn vị được giao vốn thực hiện hoạt động phát triển sản xuất cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Đối tuợng áp dụng là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng, kể từ thời điểm hộ được cấp có thẩm quyền công nhận thoát nghèo); người dân sinh sống trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển; hộ dân tộc thiểu số, hộ có người có công với cách mạng, phụ nữ thuộc hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Các mức hỗ trợ được quy định như sau: Hỗ trợ 95% tổng kinh phí thực hiện một mô hình, dự án trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển. Hỗ trợ 80% tổng kinh phí thực hiện một mô hình, dự án trên địa bàn khó khăn. Hỗ trợ 60% tổng kinh phí thực hiện một mô hình, dự án trên các địa bàn khác thuộc phạm vi đầu tư các Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương. Thời gian thực hiện mô hình, dự án tối đa không quá 36 tháng kể từ ngày mô hình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với thời gian thu hồi, quay vòng nguồn vốn, khi kết thúc thời gian thực hiện dự án, tổ chức thu hồi, quay vòng nguồn vốn hỗ trợ để luân chuyển trong cộng đồng theo từng dự án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hình thức quay vòng bằng tiền mặt. Tỷ lệ quay vòng vốn luân chuyển sau khi kết thúc thời gian thực hiện mô hình, dự án bằng 50% tổng giá trị hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng được hỗ trợ. Thời gian thu hồi, quay vòng vốn tối đa không quá 3 tháng kể từ khi kết thúc mô hình, dự án.

Vận hành quỹ quay vòng vốn

Việc quản lý, sử dụng kinh phí thu hồi do UBND cấp huyện mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước để quản lý nguồn kinh phí thu hồi đã hỗ trợ thực hiện các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn. Cụ thể, tên tài khoản là Quỹ quay vòng vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Chủ tài khoản là lãnh đạo UBND cấp huyện.

Hàng năm, căn cứ dự toán nguồn ngân sách nhà nước giao thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn quỹ quay vòng các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch, các phòng, ban có liên quan và địa phương xây dụng phương án phân bố vốn, tham mưu UBND cấp huyện giao dự toán ngân sách nhà nước cho các phòng chuyên môn và UBND cấp xã để triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo quy định.

Cộng đồng tự quản lý, tổ chức thực hiện việc quay vòng, luân chuyển vốn trong cộng đồng. Trường hợp cộng đồng không đủ năng lực quản lý, cơ quan, đơn vị được giao vốn thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất cử cán bộ hỗ trợ cộng đồng quản lý, tổ chức quay vòng luân chuyển. Cơ quan, đơn vị đuợc giao vốn thực hiện mô hình, dự án hướng dẫn, giám sát việc triển khai mô hình, dự án của cộng đồng dân cư; thực hiện nghiệm thu và thanh toán, giải ngân vốn cho cộng đồng dân cư căn cứ kết quả nghiệm thu từng giai đoạn hoàn thành nội dung, hoạt động của dự án theo tiến độ thực hiện được cấp có thấm quyền quyết định.

Thực hiện Quyết định số 18/2023/QĐ-UBND của UBND tỉnh, ngày 29-5-2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn hướng dẫn liên ngành triển khai thực hiện. Theo đó, thời gian thực hiện mô hình, dự án tối đa không quá 36 tháng kể từ ngày mô hình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện hỗ trợ tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ cán bộ đến tận hộ gia đình tư vấn chuyển giao kỹ thuật. Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp, khai thác ngư nghiệp, nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp. Tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điếm, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.

Tại hướng dẫn liên ngành, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, xã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn có trách nhiệm giám sát việc triển khai thực hiện mô hình, dự án của cộng đồng dân cư theo quy định của Quyết định số 18/2023/QĐ-UBND, kịp thời thông tin, kiến nghị với UBND cùng cấp những tồn tại, vướng mắc trong tổ chức thực hiện tại cơ sở.

Trường hợp các đối tượng tham gia dự án gặp rủi ro bất khả kháng như: thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn; cây, con giống bị bệnh, dịch chết, làm thiệt hại đến nguồn vốn được hỗ trợ thì cơ quan, đơn vị được giao vốn thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất xem xét thực hiện quy trình xử lý gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ theo quy định.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN