Chương trình Hành trình Văn hóa giáo dục lịch sử, phòng chống bạo lực học đường do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức tại các trường trên địa bàn tỉnh. Ảnh: A. Nguyệt
Nhận diện và ngăn chặn
Theo Đại tá Phạm Văn Ngót - Phó giám đốc Công an tỉnh, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, việc phổ biến, tiếp cận các sản phẩm VH ngày càng dễ dàng hơn trước đây, với đa dạng các sản phẩm VH, đặc biệt là thông qua các phương tiện truyền thông số, Internet, các website, mạng xã hội… Bên cạnh đó, xu hướng thương mại hóa các hoạt động VH ngày càng phát triển khiến cho nét đẹp trong đời sống VH truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam đang bị dần xâm hại bởi những yếu tố tiêu cực, ngoại lai.
Ngành công an đã xác định những nội dung của các VH phẩm độc hại như: tuyên truyền mê tín dị đoan, tâm lý chiến, phản động, kích động thù hằn, bôi nhọ, xuyên tạc lịch sử, đả kích lãnh tụ và lãnh đạo, kích động chống Đảng, Nhà nước và các ấn phẩm có nội dung đồi trụy, trái với thuần phong mỹ tục và nét đẹp VH của dân tộc… Các sản phẩm này không chỉ tác động xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, mà còn cổ xúy cho lối sống thực dụng, vụ lợi, sa đọa, ích kỷ, thích hưởng thụ, khiến cho cái xấu, cái ác, phi nhân tính gia tăng. Từ đó, làm cho môi trường đạo đức và VH lành mạnh bị đe dọa nghiêm trọng.
Trong công tác chống sản phẩm VH độc hại, các cấp ủy, chính quyền, các địa phương, các ngành có liên quan đã chủ động triển khai quán triệt theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy. Các cấp, các ngành đã gắn chặt việc thực hiện các nội dung của Chỉ thị số 46-CT/TW với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống VH, xem đây là một trong các giải pháp quan trọng trong việc phòng chống sự xâm nhập của các sản phẩm VH độc hại. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa X đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU (ngày 8-6-2016) về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc phát huy các giá trị truyền thống VH và phát triển toàn diện con người Bến Tre. Qua những nỗ lực, các giá trị VH truyền thống được các địa phương và ngành chuyên môn chú trọng, bảo tồn và phát huy, góp phần làm phong phú đời sống VH tinh thần của người dân.
Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực
Thời gian qua, nhiều hoạt động giáo dục sinh động, thiết thực và phù hợp với từng đối tượng đã được các ngành, các cấp quan tâm. Điển hình như công tác xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ, xây dựng con người, xây dựng môi trường VH lành mạnh. Triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các cuộc vận động, phong trào tại địa phương; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, quần chúng tiêu biểu. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống và hoạt động tuyên truyền, giáo dục về nhận diện tác hại của các sản phẩm VH độc hại được chỉ đạo tăng cường, điều chỉnh phù hợp với từng đối tượng xã hội. Nhiều phong trào nhận được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân như: “Gương người tốt, việc tốt”, “Tuổi cao, gương sáng”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Nói không với ma túy và tệ nạn xã hội”…
Đoàn viên, thanh niên thi viết thư pháp. Ảnh: T. Đồng
“Cảnh giác với các thông tin trên không gian mạng; thông tin về các sản phẩm VH không rõ nguồn gốc xuất xứ, thông tin tiêu cực, xuyên tạc, chống phá... Từ đó, hình thành khả năng “miễn dịch”, tẩy chay các sản phẩm VH độc hại. Kiên quyết không để các sản phẩm VH độc hại lưu hành trên thị trường, xâm nhập vào nhà trường và thế hệ trẻ”, Đại tá Phạm Văn Ngót - Phó giám đốc Công an tỉnh nêu một số giải pháp cụ thể trong chống sản phẩm VH độc hại.
Nhà thơ Kim Ba - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu cho biết: Hội đã mở ra nhiều cuộc thi sáng tác, động viên hội viên tích cực tham gia; từ các cuộc thi, liên hoan… chọn lựa các tác phẩm tốt - hay để in phổ biến, triển lãm, biểu diễn… “Văn nghệ sĩ phải có tâm và có tầm; tâm huyết, nhiệt tình, hướng về cái lành mạnh, phục vụ nhân dân. Nâng cao nhận thức về cái đẹp, cái cao cả để làm mục tiêu sáng tác. Đặc biệt, văn nghệ sĩ phải thấm nhuần, nắm bắt, am hiểu quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hướng đến sáng tác nhiều tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao phục vụ cộng đồng, xã hội, góp phần hạn chế tác động của VH độc hại”, nhà thơ Kim Ba kỳ vọng.
Trong sự phát triển của xã hội văn minh, nhịp sống của “thời đại số” đã có những chi phối nhiều trong các phong tục, tập quán, nhận thức và lối sống của nhiều người. Tiếp nhận cái mới nhưng cần chọn lọc phù hợp. Phát huy cái tốt là điều mà xã hội đang cần để góp phần phát triển quê hương ngày càng tươi đẹp, vững bền.
“Tiếp tục tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng; phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác sự chống phá của các thế lực thù địch, chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thực hiện tốt phương châm “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, xây dựng xã hội theo hướng văn minh, giàu đẹp. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các hoạt động VH trên toàn tỉnh, góp phần gìn gìn bản sắc VH dân tộc”.
(Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam)
|
Ánh Nguyệt