|
Cô Sáu Nương tự tay bắt từng con sâu trên lá cải xanh. Ảnh T.V |
Từ khu vườn có diện tích khoảng 400m2, với đôi bàn tay chăm chỉ, cô Nguyễn Thị Kim Nương đã trồng và thu hoạch trên 200kg rau mỗi tháng. Với số rau này, hơn 5 năm nay cô mang tặng cho các tổ chức từ thiện để góp phần cải thiện bữa cơm của những người nghèo khó…
Thật không khó để tìm đến nhà cô Kim Nương ở khu phố Bình Thắng (phường 6 - TP. Bến Tre), bởi hầu như người dân nơi đây ai cũng biết đến cô và gọi với một cái tên thân thương: cô Sáu Nương. Trước mắt chúng tôi là người phụ nữ trạc tuổi lục tuần đang ngồi giữa vườn rau, chăm chút từng bụi bạc hà, bắt từng con sâu trên những luống cải. Theo quan sát của chúng tôi, vườn rau của cô Sáu Nương trồng nhiều loại, như: cải, bạc hà, mướp, hẹ… Mỗi loại được chia theo từng khóm riêng biệt. Để tăng cường thêm nguồn dinh dưỡng cho cây nhưng đồng thời đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, cô Sáu Nương đi xin tro của than tổ ong về ủ cho hoai và trộn với đất. Cứ thế lên liếp và trồng.
Trò chuyện với chúng tôi về quá trình hình thành vườn rau, cô Sáu Nương cho biết: trong thời gian điều trị bệnh ở Bệnh viện Y học cổ truyền Trần Văn An, cô có dịp đến bếp ăn từ thiện và thấy nhu cầu rau xanh để chế biến thức ăn nơi đây cao. Và từ đó, ý tưởng hình thành vườn rau được bắt đầu. Tận dụng khoảng đất trống, cô bắt đầu mua hạt giống, lên liếp để trồng. Ban đầu, cô trồng chỉ vài chục mét vuông cải ngọt và bạc hà để cung cấp cho bến ăn từ thiện ở Bệnh viện Y học cổ truyền Trần Văn An. Dần về sau, cô bắt đầu mở rộng diện tích và trồng số lượng nhiều hơn để đủ cung cấp cho một số nơi khác như: một số chùa (vào những dịp Rằm lớn), bếp ăn từ thiện trong Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, Trung tâm Bảo trợ người tâm thần tỉnh… Rau của cô trồng không sử dụng thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học, vì thế rất an toàn cho người sử dụng. Nhưng ngược lại, người trồng phải bỏ công chăm sóc nhiều hơn. Nếu như mùa nắng phải tưới mỗi ngày đến ba, bốn lần thì mùa mưa cô phải kiểm tra từng cây cải để xem có sâu hay không.
Nhìn vườn rau xanh tươi và tràn đầy sức sống, chúng tôi phần nào hiểu được công sức và tâm huyết của cô Sáu Nương. Để duy trì vườn rau và cung cấp số lượng lớn rau xanh cho các tổ chức từ thiện, ngoài tâm huyết của cô thì bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ của người chồng. Những công việc nặng nhọc như: thu gom than tổ ong về làm phân, chở rau đi phân phát đến các bếp ăn… đều do chồng cô phụ giúp. Chú Hà Văn Xuyên (chồng cô Sáu Nương) cho biết: nhìn thấy việc làm ý nghĩa cũng như sự vất vả của vợ nên chú tình nguyện tham gia. Nhiệm vụ chính của chú là cuốc đất, lên liếp, gom tro than và chở rau đến các tổ chức từ thiện, bất kể là trời mưa hay nắng. Công việc này tuy có cực nhưng nhiều lúc cũng vui. Ngoài góp phần cùng với các tổ chức từ thiện chăm lo cho người nghèo, qua công việc cũng làm cho mối quan hệ vợ chồng thêm phần khắng khít…
Đã từng nhận rau xanh của cô Sáu Nương, cô Lê Thị Hương - phụ trách bếp ăn từ thiện trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, cho biết: Từ khi nhận được sự hỗ trợ của cô Sáu Nương, bếp ăn từ thiện giảm bớt đi một phần chi phí cho rau xanh. Và chúng tôi lấy phần tiền đó để mua thêm thực phẩm khác, góp phần nâng cao chất lượng suất ăn…
Vườn rau sạch của cô Sáu Nương từ khi hình thành vào năm 2008 đến nay không ngừng được nâng cao về số lượng và đa dạng về chủng loại. Theo cô Sáu Nương, động lực giúp cô duy trì và phát triển vườn rau là sự hỗ trợ của người chồng và phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là luồng ánh sáng giúp cô vững bước trên con đường thiện nguyện, thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ “thương người như thể thương thân”.