Xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện

04/02/2021 - 20:52

BDK - Từ xưa đến nay, nguồn tài nguyên, của cải quý giá nhất của mỗi quốc gia, dân tộc chính là con người. Mục đích phát triển kinh tế - xã hội của Đảng ta, xét đến cùng là vì con người, làm cho con người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tạo điều kiện cho con người phát huy mọi năng lực chủ động sáng tạo, trở thành động lực to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thuyền hoa xuân. Ảnh: Nguyễn Dừa

Thuyền hoa xuân. Ảnh: Nguyễn Dừa

Vai trò của văn hóa

Là một tỉnh còn nghèo, nhưng xác định một trong những vấn đề có ý nghĩa tiên quyết để thực hiện thành công những mục tiêu Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh là phải chăm lo phát triển văn hóa - xã hội mà trọng tâm là phát huy giá trị văn hóa truyền thống và xây dựng con người Bến Tre. Tỉnh ủy ngay từ đầu nhiệm kỳ  2020 - 2025 đã chủ trương xây dựng Nghị quyết chuyên đề về: Xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện; gia đình hạnh phúc, tiến bộ.

Sinh thời, Giáo sư Trần Văn Giàu trong tác phẩm “Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam”, đã nghiên cứu và đưa ra những kiến giải sâu sắc về các giá trị truyền thống của con người Việt Nam, bao gồm: tinh thần yêu nước, đoàn kết, tấm lòng nhân ái, đức tính cần cù, sự sáng tạo, lạc quan…

Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 (khóa XI) “Về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đã xác định, xây dựng con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các giá trị cơ bản bao gồm: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Đây chính là điển hình hóa con người mới hiện nay, mỗi người, mỗi gia đình và tổ chức, đoàn thể... hướng mọi hoạt động của mình, qua đó tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng con người Việt Nam thời hiện đại.

Giá trị truyền thống đặc thù của người Bến Tre

Bến Tre là một phần máu thịt của Việt Nam, thống nhất từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Những giá trị truyền thống của người Bến Tre không nằm ngoài truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, từ khi đến vùng đất mới, cù lao bốn bề sông nước, trong quá trình hơn 300 năm khai hoang mở cõi đã biến mảnh đất “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tợ bánh canh” trở thành ba dải cù lao xanh ngát bóng dừa, trù phú như ngày nay; người dân cũng đã hình thành những giá trị truyền thống đặc thù quý báu. Lòng yêu nước của con người nơi đây, ngoài những nét phổ biến vốn có của dân tộc nói chung, còn được pha thêm tinh thần thượng võ, ngang tàng, hiệp nghĩa, vừa có chút lãng mạn, phóng khoáng “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”, như Lục Vân Tiên giữa đường thấy chuyện bất bình, đã ra tay giải cứu Kiều Nguyệt Nga “… Nhớ câu kiến nghĩa bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”, như Hớn Minh thẳng tay trừng trị bọn cường quyền, cứu gái nhà lành: “… Tôi bèn nổi giận một khi/ Vật chàng xuống đó bẻ đi một giò”. (Lục Vân Tiên)

Bến Tre cũng là đất giàu truyền thống văn hóa, tinh thần hiếu học, biết nuôi dưỡng nhân tài. Việc học phát triển khá sớm và đồng đều. Năm 1867, chỉ kể hai cù lao Bảo và Minh đã có hơn 70 trường dạy chữ Nho trong nhà dân. Dưới triều Nguyễn có 3 tiến sĩ và 1 phó bảng, Bến Tre tự hào có Phan Thanh Giản người quê ở cuối biển, đất Bãi Ngao, làng Bảo Thạnh (Ba Tri) đỗ tiến sĩ đầu tiên Nam kỳ. Trong 269 vị đậu cử nhân của các kỳ thi ở trường thi Quảng Đức (Thừa Thiên), Gia Định, An Giang, Bến Tre có 31 người, chỉ đứng sau Gia Định. Trương Vĩnh Ký nói và viết thông thạo 20 ngoại ngữ, được xếp vào danh sách những nhà thông thái ở thế kỷ XIX…

Trong lịch sử báo chí ở Nam kỳ, thời kỳ phôi thai chữ quốc ngữ, Bến Tre cũng đã đóng góp nhiều nhà báo tiên phong trên nhiều lĩnh vực: Trương Vĩnh Ký - chủ bút tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên; Lương Khắc Ninh - chủ bút tờ Nông cổ mín đàm, tờ báo kinh tế đầu tiên; Lê Hoằng Mưu - chủ bút tờ Lục tỉnh tân văn, người mở đầu cho thể loại tiểu thuyết; Sương Nguyệt Anh - nữ chủ bút đầu tiên cho tờ báo dành cho nữ giới đầu tiên.

Lĩnh vực nghệ thuật, Bến Tre đã đóng góp nhiều nghệ sĩ tài năng như: Huỳnh Thủ Trung, Lê Long Vân (cải lương); Nguyễn Phi Hoanh (nghiên cứu mỹ thuật); Lê Văn Đệ (hội họa); Diệp Minh Châu (điêu khắc).

Tiên phong cho dòng văn học yêu nước, chiến đấu, vị nhân sinh, đầy tinh thần tiến công nhưng cũng thấm đẫm tinh thần nhân ái tiêu biểu như cụ Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị… Những người thầy thuốc “Thấy người đau giống mình đau/ Phương nào cứu đặng, mau mau trị lành” theo lời dạy của cụ Đồ Chiểu như: Bác sĩ, anh hùng lao động, thầy thuốc nhân dân Đoàn Thúy Ba; Giáo sư, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Trịnh Kim Ảnh; Bác sĩ, nhà giáo nhân dân Trần Hữu Nghiệp; Bác sĩ, anh hùng lao động, thầy thuốc nhân dân Tạ Thị Chung; Bác sĩ Bùi Sĩ Hùng…

Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp

Để tạo dựng hình ảnh Bến Tre với con người thân thiện, hào phóng, lịch sự, mến khách, có truyền thống lịch sử - văn hóa tốt đẹp… thì việc quan tâm chăm lo xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện phải được tiến hành đồng bộ với chương trình, mục tiêu, hàng loạt giải pháp cụ thể, lâu dài, kiên trì và với quyết tâm cao.

Trước mắt, cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò của con người Bến Tre trong sự nghiệp đổi mới và phát triển bền vững của quê hương. Cổ vũ tinh thần yêu nước, thương người, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc, truyền thống của quê hương xây dựng lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, tuân thủ pháp luật, bảo vệ môi trường, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái, quan tâm giúp đỡ người khác, tôn vinh, nhân rộng các giá trị tốt đẹp, nhân văn.

Hiện nay, chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật là tất yếu của một xã hội hiện đại, văn minh. Do đó, trên địa bàn Bến Tre phải xử lý thật kiên quyết và thật nghiêm minh, không có ngoại trừ, không có vùng cấm đối với tất cả những hành vi vi phạm pháp luật, đủ để răn đe, điều chỉnh hành vi của kẻ phạm pháp.

Điều cần đặc biệt quan tâm là nền tảng đạo đức. Việc xây dựng con người được đặt lên hàng đầu, mà nhiều người trong xã hội trân trọng gọi là “đạo làm người”. Con người dù là ở cương vị nào trong xã hội cũng đều phải tu dưỡng, rèn luyện để có phẩm chất tốt đẹp, có đạo đức, đúng với “đạo làm người”.

Cán bộ và đảng viên, người giữ địa vị càng cao càng phải tu dưỡng, rèn luyện nghiêm cẩn. Nêu gương trở thành giải pháp cực kỳ quan trọng, đến mức Đảng ta đã ra Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nghĩa là, cấp trên phải nêu gương cho cấp dưới, đảng viên phải nêu gương, làm mực thước cho người khác làm theo.

Những đức tính tưởng như bình thường, ai cũng thuộc, nhưng vô cùng cao đẹp cần phải được thấm sâu vào tâm hồn từng người Bến Tre từ tấm bé đến lúc trưởng thành, đó là: “Thờ cha kính mẹ”, “Chị ngã em nâng”, “Anh em như thể chân tay”, “Kính lão đắc thọ”, “Kính trên nhường dưới”, “Một sự nhịn là chín sự lành”,  “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”…

Cùng với phấn đấu vươn tới những giá trị truyền thống của con người Việt Nam, tỉnh cần sớm tập trung nghiên cứu khẳng định những giá trị truyền thống đặc thù; đồng thời vạch ra để nhận diện rõ những mặt hạn chế, thói hư tật xấu, đúc rút ra một hệ giá trị chuẩn, làm cơ sở pháp lý, có giải pháp ra sức phát huy những giá trị tốt đẹp và kiên quyết loại bỏ những thói xấu xa, lạc hậu, hướng đến xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện. Từng bước khắc phục mâu thuẫn trong nhận thức, lối sống giữa các thế hệ người Bến Tre, tạo sự kết nối, đồng thuận cao trong xây dựng con người Bến Tre, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, bản sắc quê hương, tính nhân văn, dân chủ và khoa học.

Sinh thời Bác Hồ từng dạy: Chủ trương một, giải pháp mười, quyết tâm hai mươi. Chủ trương, nghị quyết ta đã có, hàng loạt giải pháp đã được nêu ra. Đảng bộ và nhân dân đồng tình. Chỉ còn kiên trì, bền bỉ và quyết tâm cao, thật cao, với tinh thần “Đồng khởi mới”, tin tưởng rằng Đảng bộ và nhân dân quê hương Bến Tre chúng ta sẽ làm được.

Vũ Hồng Thanh - Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN