Nằm trong các hoạt động thiết thực nhằm giúp các địa phương ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), công trình đê bao xã Sơn Định (Chợ Lách) đang được Văn phòng Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH đầu tư và triển khai thực hiện. Mục đích của công trình là ứng phó với tình trạng nước biển dâng, triều cường và đồng thời giúp người nông dân chủ động trong điều tiết nước, mang lại hiệu quả kinh tế trên lĩnh vực trồng trọt.
Sơn Định có diện tích tự nhiên khoảng 900ha, có dân cư sinh sống khá đông đúc với khoảng 8.000 người. Hầu hết, cư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng cây trái và sản xuất cây giống. Trong đó, cây chủ lực là chôm chôm, nhãn, bưởi, sầu riêng và nhiều giống cây có chất lượng cao, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế (GDP) của huyện.
Sơn Định nằm ven sông lớn, đất đai màu mỡ, đã tạo nên thế mạnh về kinh tế vùng, tạo thuận lợi cho việc giao thương sản phẩm nông sản. Song song với lợi thế đó, hiện xã đang đối mặt với một số khó khăn, nhất là tình trạng sạt lở, xói mòn bờ bãi và thủy triều dâng cao, gây ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng cây trái. Trong thời gian qua, chính quyền và nhân dân địa phương có nhiều nỗ lực trong việc khắc phục khó khăn, song các công trình có quy mô nhỏ, kết cấu đơn giản, dễ tháo lắp trong việc đóng, mở cửa để điều tiết nước và ngăn lũ chống ngập, nên không ứng phó được với diễn biến khí hậu ngày càng phức tạp. Theo dự báo của ngành chức năng, trong tương lai không xa, diễn biến bất thường của thời tiết (do tác động của BĐKH), mực nước triều dâng cao cộng với mưa nhiều sẽ làm tình hình ngập úng trở nên nghiêm trọng hơn. Hơn thế nữa, nguy cơ mặn xâm nhập vào các tuyến kênh nội đồng từ sông Hàm Luông (vào mùa khô) là rất cao.
Qua khảo sát thực tế của Văn phòng Chương trình Mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH, việc đầu tư xây dựng đê bao ngăn lũ và phòng, chống xâm nhập mặn là rất cần thiết và cần nhanh chóng triển khai thực hiện. Hiện nay, công trình đang được triển khai thi công và dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa năm 2013. Đê bao ngăn lũ và xâm nhập mặn ở Sơn Định đi qua các ấp: Sơn Phụng, Sơn Long, Sơn Lân và Sơn Châu. Công trình bao gồm 4 hạng mục: nâng cấp và mở rộng lộ đê ven sông Sụp và rạch Đình, với tổng chiều dài gần 7,4km; nối dài cống bộng dưới đê; xây dựng cầu trên tuyến lộ đê sông Sụp qua rạch Mười Thắng và các đê bao quanh theo kênh rạch nội đồng. Tổng kinh phí xây dựng công trình gần 15 tỷ đồng, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch.
Trong quá trình thực hiện, ở những nơi công trình đi qua, bà con đều tham gia tích cực bằng việc hiến đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi để công trình được xây dựng đúng quy cách.
Theo đánh giá của Văn phòng Chương trình Mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH tỉnh, công trình đê bao xã Sơn Định hoàn thành sẽ đảm bảo được việc ứng phó với những tác động của BĐKH đang có xu hướng ngày càng diễn biến phức tạp. Hệ thống cống bộng được nâng cấp, nối dài, xây dựng mới, với kết cấu và khẩu độ hợp lý, đảm bảo yêu cầu điều tiết nước tưới tiêu cho toàn lưu vực; đồng thời, đảm bảo duy trì hoạt động giao thông thủy lợi để vận chuyển nông sản từ vùng Dự án đến các địa phương khác. Mặt khác, môi trường và điều kiện trồng trọt sản xuất trong vùng Dự án sẽ có nhiều thuận lợi, như: chủ động được nguồn nước tưới tiêu, phòng chống ngập lụt, đất đai, thổ nhưỡng được cải thiện… Đây chính là những tiền đề cơ bản để giúp người dân trong vùng tổ chức, bố trí lại quy trình sản xuất và ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng trọt tiên tiến, góp phần nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng.
Công trình có tầm quan trọng rất lớn đối với địa phương. Bởi nó không chỉ góp phần vào việc hoàn thành hệ thống giao thông mà còn giúp bà con chủ động điều tiết lượng nước tưới tiêu. Qua công tác tuyên truyền và vận động, 100% bà con trong vùng Dự án xây dựng đê bao đều thống nhất cao và hiến hàng ngàn mét vuông đất, cây ăn trái, góp phần thuận lợi cho công trình được thực hiện nhanh chóng.
(Ông Nguyễn Văn Lộc - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Định) |