Chia sẻ nước ngọt để cùng nhau vượt qua thiên tai hạn mặn

04/03/2016 - 07:12

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi trực tiếp đến thị sát công trình đập tạm Châu Bình.

Sáng 3-3-2016, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi làm việc với UBND huyện Giồng Trôm về phòng, chống và việc thực hiện một số công trình dự kiến đầu tư khẩn cấp để phòng, chống đợt thiên tai hạn mặn hiện nay. Buổi làm việc còn có sự tham gia của đoàn công tác do ông Nguyễn Hải Châu - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tham dự.

Ông Nguyễn Văn Quới - Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm cho biết độ mặn trong các kênh nội đồng khoảng 2,8%o, độ mặn này chiếm khoảng 50% diện tích trên tổng số 2.700ha lúa Đông Xuân (hiện thiệt hại gần 2.000ha và tình hình này nhiều khả năng lúa toàn huyện sẽ thất trắng). Do mặn sớm nên địa phương đã không trở tay kịp để trữ nước ngọt. Trong khi đó, kế hoạch của vườn cây ăn trái cũng bị phá sản (1.500ha đang bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng). Đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ thiếu nước và địa phương đang nhân rộng mô hình xử lý nước tầng nông (210 giếng) để phục vụ tạm. Nuôi trồng thủy sản cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn mặn rất cao…

Ngoài việc đóng chặt các cống, huyện cũng thực hiện đắp tạm nhiều tuyến kênh để ngăn mặn trữ ngọt, như ấp Phú Thuận (xã Châu Hòa) đắp bửng cống tạm tại các cống: Hai Thu, Út Thời, Ba Ánh, Hai Chấp, cống liên ranh Phong Nẫm - Phong Mỹ, đắp đập tạm Tám Chắc (xã Phong Nẫm) và cống Trạm Bơm (xã Bình Thành).

“Chúng tôi đã chuyển từ ứng phó với hạn mặn sang thích ứng với hạn mặn rồi, bởi xác định vấn đề hạn mặn sẽ còn diễn ra vào những năm tiếp theo. Theo đó, chúng tôi tuyên truyền nông dân canh tác vụ Hè Thu muộn, Đông Xuân sớm và chuyển đổi giống; các loại cây ăn trái thì vận động người dân tưới tiết kiệm và chú tâm trữ ngọt lâu dài. UBND huyện đã có kế hoạch thay đổi cơ bản cơ cấu nông nghiệp để phù hợp với hạn mặn. Hiện có gần 1.000 hộ cận nghèo đang thiếu nước ngọt sinh hoạt. Kiến nghị được hỗ trợ kinh phí thực hiện các giếng nước cộng đồng để phục vụ người dân nghèo đang thiếu nước ngọt”, ông Quới cho biết thêm... 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi trực tiếp đến khảo sát một số công trình ngăn mặn và đến tận nơi tiếp xúc với một số người dân. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị không chỉ Giồng Trôm mà các địa phương khác phải mạnh mẽ hơn trong việc quản lý cơ cấu mùa vụ để giúp người dân không bị thiệt hại trong vụ Hè Thu tiếp theo do thiếu thông tin về thời tiết, cũng như khẩn trương thực hiện các kế hoạch ứng phó với hạn mặn đã được vạch ra.

Ông Phan Văn Mãi bày tỏ sự đặc biệt quan tâm đến vấn đề khan hiếm nước ngọt sinh hoạt tại các hộ nghèo và nước ngọt, thức ăn phục vụ cho đàn gia súc, gia cầm của Giồng Trôm nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kỳ vọng UBND huyện Giồng Trôm sẽ sớm hoàn thành chương trình lấy nước ngọt ở tầng nông bằng cách khoan các giếng nước cộng đồng. Trước mắt, mọi tầng lớp nhân dân nên đoàn kết lại và chia sẻ nước ngọt để cùng nhau vượt qua sự khắc nghiệt của đợt thiên tai hạn mặn này. Về lâu dài, huyện Giồng Trôm, tỉnh sẽ tranh thủ nguồn vốn Trung ương, kết hợp vốn địa phương để khép dần hệ thống cống Thủ Cửu, cũng như một số công trình ngăn mặn trữ ngọt khác.

“Tôi nhớ Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo có nói rằng, để ứng phó với vấn đề hạn mặn lâu dài, nhân dân tỉnh nhà cần làm “cuộc Đồng khởi về nước ngọt” - trữ nước mưa trong nhân dân. Riêng tôi thấy ý tưởng này rất hay và đến thời điểm này thực hiện “cuộc Đồng khởi” ấy cũng không quá sớm, do mùa mưa cũng đang đến gần. Tôi kêu gọi chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền các xã, thị trấn, MTTQ và các đoàn thể cùng nhau vận động nhân dân chỉnh trang mái nhà, trang bị lu, hồ, các túi chứa nước… để sang năm sau toàn tỉnh sẽ không còn hộ dân nào thiếu nước ngọt sinh hoạt và phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi nói.

Tin, ảnh: Việt Phương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN