Văn chương giáo dục trẻ yêu môi trường

06/09/2019 - 14:05

BDK - Các nhà văn đã sẵn bày những món quà về việc giáo dục tình yêu thiên nhiên cho trẻ thông qua văn học, phụ huynh còn chần chừ gì mà không cùng con trẻ cảm nhận những thông điệp ý nghĩa đó? Cùng chung tay vì một môi trường bền vững cũng là hành động thiết thực gắn kết trẻ với tương lai.

Tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài. Ảnh: ST

Tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài. Ảnh: ST

Vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT), trong thời gian gần đây đang càng trở nên khẩn cấp hơn bao giờ hết. Hàng loạt hiện trạng đau lòng liên tục được truyền thông lên tiếng cảnh báo: cháy rừng Amazon, sinh vật biển bị nguy hại bởi rác thải nhựa tràn ra đại dương... Đã có nhiều giải pháp được giới thiệu và đề xuất bởi các nhà sinh thái, kinh tế, xã hội nhằm BVMT. Văn học cũng không nằm ngoài nỗ lực đó. Trong chừng mực nhất định, văn học thiếu nhi có nhiều thuận lợi hơn cả trong việc xây dựng nhận thức của con người đối với môi trường.

Thật vậy, đại chiến dịch nhằm lấy lại vẻ đẹp vốn có của thiên nhiên, nhất thiết không thể không nhắc đến vấn đề nhận thức. Chỉ khi con người có những hiểu biết đúng đắn về vị trí của mình trong thế giới tự nhiên thì mới có thể hành xử đúng mực. Văn học thiếu nhi, với đặc điểm quen thuộc là cung cấp nhiều kiến thức cho trẻ nhỏ thông qua những câu chuyện thú vị, gần gũi, rất phù hợp để chuyển tải thông điệp yêu thương muôn loài cho những trái tim hồn nhiên, thơ trẻ.

Khi văn chương lên tiếng

Một trong những nhận định được giới nghiên cứu tương đối đồng thuận là việc ra đời tác phẩm The Lorax (Thần rừng Lorax) của tác giả người Mỹ Theodor Seuss Geisel (bút danh Dr.Seuss) vào năm 1971 được xem là dấu mốc mở đường cho phong trào sinh thái trong văn học thiếu nhi. Tác phẩm này đã được chuyển thể thành phim hoạt hình cùng tên vào năm 2012 bởi Hãng Universal Pictures và phát hành tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Với tư tưởng chủ đạo là BVMT, tác phẩm cảnh báo về câu chuyện con người đang dần trở thành kẻ hủy diệt hệ sinh thái với sự lún sâu vào chủ nghĩa tiêu dùng. Trẻ em của nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa tỏ ra thích thú với hành trình phiêu lưu trong câu chuyện, từ đó hình thành nhận thức về cảm quan sinh thái, về thái độ cần phải có với thiên nhiên: làm bạn chứ không phải chinh phục, chiếm hữu.

Phương Tây là vậy, phương Đông càng xem thiên nhiên là đối tượng của sự ngưỡng vọng và học hỏi. Ra mắt độc giả Hàn Quốc lần đầu vào năm 1996, tác phẩm Cá hồi của nhà văn Ahn Do Hyun đến nay đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia để đến với bạn đọc thế giới vì nội dung mang tính toàn cầu của nó. Tiểu thuyết Cá hồi, ngay từ ý thức sáng tác, đã cho thấy cảm quan phê phán con người từ điểm nhìn phê bình sinh thái. Với lối viết tựa ngụ ngôn, tiểu thuyết Cá hồi hàm chứa những thông điệp lớn về một tình yêu mà con người nên có đối với loài cá hồi nói riêng, đối với thiên nhiên nói chung. Liên tiếp các tác phẩm thiếu nhi Hàn Quốc được chuyển ngữ sang tiếng Việt trong những năm trở lại đây cũng có cùng chủ đề hướng đến môi trường như: Cô gà mái xổng chuồng, Chó xanh lông dài và Những người bạn ở thung lũng mặt trời mọc (cùng của nhà văn Hwang Seon-mi), Cá voi đỉnh núi (của Lee Soon-won)… Đây là những tác phẩm mà không chỉ giới nghiên cứu văn chương mà các nhà giáo dục học cũng khuyên phụ huynh nên hướng trẻ đọc và cảm nhận, từ đó bồi đắp những nhận thức đúng đắn về môi trường.

Văn học Việt Nam chung sức

Văn học Việt Nam cũng nằm trong dòng chảy của sự tự nhận thức nói trên. Nếu quan sát từ góc nhìn phê bình sinh thái, tác phẩm nổi tiếng Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài hiện lên như thể loài hoa cũ được phết lên một lớp sắc hương tươi mới ngạt ngào. Tư tưởng vì một thế giới đại đồng thể hiện trong tác phẩm chính là khát vọng sống hòa mình cùng thiên nhiên. Bởi con người, đơn giản chỉ là một bộ phận của thế giới tự nhiên bao la vĩ đại. Phá hoại môi trường chính là tự hủy diệt mạch sống của tất thảy muôn loài. Bộ sách 12 quyển văn học thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng (đoạt giải Vàng thuộc hạng mục Sách hay của Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2016) cũng là những tác phẩm giúp trẻ xây dựng nhận thức, tình cảm đối với thiên nhiên. Ban đầu tiếp xúc với thiên nhiên dữ dội, kỳ bí, con người có thể hoảng sợ, nhưng khi đã hiểu thì lại muốn gắn bó, yêu thương. Nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi khác của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam cũng đượm đầy thông điệp gắn bó với thiên nhiên như: Góc sân và khoảng trời (tập thơ, Trần Đăng Khoa), Vừa nhắm mắt vừa mở cửa (văn xuôi, Nguyễn Ngọc Thuần)…

Trần Xuân Tiến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN