Những điều chưa biết về “Lục Vân Tiên cổ tích truyện”

25/04/2019 - 07:11

Giám đốc Thư viện Nguyễn Đình Chiểu Dương Tấn Phát giới thiệu tác phẩm “Lục Vân Tiên cổ tích truyện”.

Giám đốc Thư viện Nguyễn Đình Chiểu Dương Tấn Phát giới thiệu tác phẩm “Lục Vân Tiên cổ tích truyện”.

Phòng Danh nhân, Thư viện Nguyễn Đình Chiểu hiện đang trưng bày một tác phẩm rất giá trị, góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu về văn học Việt Nam thế kỷ XIX nói chung, nhất là về tác phẩm Lục Vân Tiên và tác giả, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.

Bộ tác phẩm “Lục Vân Tiên cổ tích truyện” gồm 2 tập in màu rất đẹp được xuất bản năm 2016 với sự cho phép của Viện Pháp (Institut de France), Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF) hỗ trợ, do hai nhà khoa học Pascal Bourdeaux và Olivier Tessier, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Việt Nam (EFEO) biên tập nội dung.

Một ấn bản đặc biệt có minh họa bằng tranh về truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu đã đủ để gây sự chú ý với nhiều độc giả. Hơn thế nữa, phía sau “Lục Vân Tiên cổ tích truyện” lại là câu chuyện ly kỳ về hành trình đến với công chúng của một tập bản thảo ra đời cách nay hơn 100 năm…

Câu chuyện bắt đầu tại Huế vào những năm 1895-1897. Lúc bấy giờ, có một sĩ quan Pháo binh người Pháp tên là Eugène Gibert say mê tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Sau khi đọc truyện thơ Lục Vân Tiên qua một bản dịch tiếng Pháp của Abel des Michels, dù không biết tác giả của Lục Vân Tiên, nhưng Gibert đã cảm nhận được giá trị của tác phẩm. Ấp ủ một dự định đem Lục Vân Tiên đến Pháp, Gibert đã tìm các nho sĩ ở kinh thành Huế rồi đứng ra tổ chức một bản thảo, ngoài việc chép lại bản dịch, giải nghĩa tiếng Pháp câu chuyện này, ông còn nhờ các nho sĩ ghi lại truyện thơ Lục Vân Tiên bằng chữ Nôm và vẽ tranh minh họa.

Người nho sĩ Huế tham gia cùng Gibert là Lê Đức Trạch, một “thư lại chế họa đồ thức”. Ông này là một nho sĩ, một viên chức làm việc trong một cơ quan chuyên vẽ đồ bản trong cung đình nhà Nguyễn.

Theo các nhà nghiên cứu, đây có thể là một cơ quan trong đội Giám thành của kinh thành Huế. Cùng với Lê Đức Trạch còn có sự tham gia của một số nho sĩ, nghệ nhân viết chữ Nôm và vẽ tranh minh họa khác.

Gibert rời Huế vào thời điểm năm 1897, tập bản thảo theo ông đến nước Pháp. Nhưng không rõ vì hoàn cảnh và vì lý do nào, Gibert không thể xuất bản bản thảo này và đã tìm đến Viện hàn lâm văn khắc và Văn chương để gửi gắm đứa con tinh thần của mình. Theo ghi chép của Thư viện Viện Pháp, tập bản thảo được trao tặng vào ngày 16-5-1899. Cuốn sách đã nằm im trong thư viện nổi tiếng này của Viện Pháp từ năm 1899 đến khi được các nhà khoa học “đánh thức” là 112 năm (thời điểm năm 2011).

Ngày 30-9-2011, Giáo sư sử học Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, một nhà sử học kiêm ngữ văn học đồng thời là một chuyên gia lớn về lịch sử văn hóa nông thôn và quân sự Việt Nam đến Pháp, trước khi làm việc tại Viện hàn lâm, ông đã được hướng dẫn đến tham dự một buổi triển lãm về Việt Nam được tổ chức tại Thư viện Viện Pháp tại Paris. Trong số các tài liệu được trưng bày, Giáo sư Phan Huy Lê đã được giới thiệu về tập bản thảo đang ngủ yên này.

Giáo sư Phan Huy Lê kể lại: “Bên trong là những trang sách của truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên, trên mỗi trang, khối giữa là những dòng chữ Nôm viết từ phải sang trái, từ trên xuống dưới những câu thơ lục bát của tác phẩm và xung quanh là những tranh minh họa nhiều màu sắc. Chỉ lật qua thì tôi đã nhận thấy đây là một văn bản quý của truyện Lục Vân Tiên…”.

Từ sau khi phát hiện bản chép tay này, các nhà nghiên cứu của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Việt Nam (EFEO) và các nhà khoa học Việt Nam đã nhanh chóng phối hợp để tham khảo bản gốc ngay tại Thư viên Viện Pháp. Đồng thời, họ tổ chức chụp lại những trang tranh màu để xuất bản, mang tác phẩm quý này đến với công chúng. Tác phẩm được xuất bản với sự chú giải, phiên âm kỹ lưỡng, sử dụng tiếng Pháp, tiếng Việt, tiếng Anh và giữ lại phần tranh minh họa màu tuyệt đẹp.

“Điều này cho thấy tầm quan trọng của những công trình nghiên cứu về Việt Nam cổ điển và sự ủng hộ mà những công trình này đáng được tiếp nhận. Chắc chắn ấn phẩm này sẽ cho phép giới trí thức tiếp cận nghệ thuật Việt Nam đồng thời giúp cho các nhà khoa học có được nguồn tư liệu phong phú trong công tác giảng dạy ngôn ngữ, thơ ca, văn minh vật thể và cả mỹ học Việt Nam thế kỷ XIX” - Thư ký Thường trực Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương Pháp Michel Zink viết.

Trở lại Việt Nam, “Lục Vân Tiên cổ tích truyện” được Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Việt Nam trao tặng cho Thư viện Nguyễn Đình Chiểu cũng như Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu (Ba Tri), góp phần vào các tư liệu quý liên quan đến nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.

“Tác phẩm này sẽ là một trong những bằng chứng thuyết phục về sự lan tỏa của tác phẩm Lục Vân Tiên với thế giới, góp phần tăng sức thuyết phục nếu chúng ta trình hồ sơ để UNESCO công nhận cụ Nguyễn Đình Chiểu là danh nhân văn hóa thế giới” - Giám đốc Thư viện Nguyễn Đình Chiểu Dương Tấn Phát  cho biết.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

  • nguyen tan chuong Cách đây 21 năm

    Một tư liệu quí chúng ta nên gìn giữ cận thận và trân trọng