Khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế theo pháp luật

12/05/2024 - 19:47

Bà N.T.H có nhu cầu tư vấn: Cha mẹ tôi có 3 người con, ông bà chết nay đã 8 năm không để lại di chúc. Cha mẹ tôi có 11.000m2 đất vườn, 1.000m2 đất thổ cư có nhà thờ cúng ông bà trên đất. Hiện người anh thứ hai tôi đang quản lý đất thổ cư, nhà thờ, 2.000m2 đất mộ và canh tác 6.000m2 đất vườn. Tôi và em gái út mỗi người canh tác 1.500m2 đất vườn. Tôi và em gái có hỏi xin anh cho mỗi người thêm 1.500m2 đất vườn nhưng bị từ chối, với lý do 2 chị em tôi là nữ và anh đang lãnh trách nhiệm thờ cúng ông bà. Xin hỏi: Tôi và em gái khởi kiện yêu cầu tòa án chia tài sản thừa kế có được không và thủ tục ra sao?

Thắc mắc của bà được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho những người còn sống. Điều 612 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định: Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.

Điều 649 BLDS quy định: Thừa kế theo pháp luật là việc dịch chuyển tài sản của người chết cho những người còn sống theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

Theo quy định Điều 650 BLDS, những trường hợp thừa kế theo pháp luật được áp dụng đối với những trường hợp như: không có di chúc; di chúc không hợp pháp; những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc…

Mặt khác, khoản 1 Điều 651 BLDS quy định: Người được hưởng thừa kế theo pháp luật theo trình tự sau đây: a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại”.

Theo quy định tại Điều 623 BLDS: Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó...

Căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên và đối chiếu với trường hợp của bà: Do cha, mẹ bà đều đã chết không có để lại di chúc nên việc phân chia di sản nếu các đồng thừa kế không tự thỏa thuận được thì phần di sản này sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.

Trường hợp cha mẹ bà có 11.000m2 đất vườn, 1.000m2 đất thổ cư có nhà thờ cúng ông bà trên đất; các tài sản này nếu chứng minh nguồn gốc tài sản là của cha mẹ bà thì được xác định là di sản. Di sản này sẽ được chia thừa kế theo pháp luật; trong đó, anh em bà là những người đồng thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất.

Tuy nhiên, đã xảy ra tranh chấp di sản thừa kế. Trước tiên, anh em bà nên tự hòa giải, thỏa thuận về di sản của cha mẹ bà để lại. Nếu không tự thương lượng được thì bà (hoặc các hàng thừa kế) có quyền nộp đơn khởi kiện tại tòa án (nơi có tài sản tranh chấp), yêu cầu tòa án chia thừa kế theo pháp luật. 

Hồ sơ khởi kiện gồm các giấy tờ sau: đơn khởi kiện; chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện; các giấy tờ chứng minh quyền khởi kiện, chứng cứ chứng minh quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại di sản, giấy chứng tử của người để lại di sản, bản kê khai di sản, các giấy tờ khác có liên quan…

Sau khi đã chuẩn bị đủ các giấy tờ kèm theo đơn khởi kiện, bà có thể đến tòa án có thẩm quyền để trực tiếp nộp đơn hoặc gửi đơn qua đường bưu điện.

H. Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN