Những chặng đường vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam

21/02/2018 - 09:10

BDK - Những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, dân tộc ta đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước.

Trước bối cảnh đó, ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc) đã ra đi tìm đường cứu nước. Người đã đi qua nhiều nước trên thế giới để “xem người ta làm thế nào để rồi trở về giúp đồng bào mình”.

Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, phát hiện ra con đường giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân - đó là con đường cách mạng vô sản. Tháng 5-1925, Người thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, nòng cốt là Cộng sản đoàn để trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị điều kiện cho thành lập chính đảng của giai cấp vô sản Việt Nam. Ngày 3-2-1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản đã nhất trí thành lập một Đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam (tại Cửu Long, Trung Quốc). Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam có ý nghĩa như Đại hội thành lập Đảng. Hội nghị đã thông qua Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã viết lên những trang sử hào hùng, làm nên những chiến công hiển hách.

Vừa mới thành lập, Đảng đã phát động cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh cực kỳ oanh liệt. Mới mười năm tuổi, chỉ với năm nghìn đảng viên, Đảng đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa vũ trang, làm cuộc cách mạng vĩ đại tháng 8-1945, lật đổ ách thống trị của phát xít, thực dân, phong kiến, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam á.

Thời kỳ 1945 - 1954, trước dã tâm muốn cướp nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập - tự do”; “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục lãnh đạo dân tộc ta vượt qua những khó khăn, thử thách bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, giải phóng một nửa đất nước, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ.

Giai đoạn 1954 - 1975, Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành đồng thời 2 chiến lược cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi hoàn toàn bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đại thắng mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc; hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thời kỳ 1975 - 1986, bước vào thời kỳ xây dựng đất nước, vừa khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc. Đảng đã kịp thời tổng kết, rút ra những bài học trong vận dụng quy luật xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Từ năm 1986 đến nay, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành công cuộc đổi mới đất nước và đã giành được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng, đưa đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thế và lực của đất nước đã được tăng cường hơn nhiều so với trước; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.

88 năm qua, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc; luôn giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; thường xuyên đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; gắn bó chặt chẽ với nhân dân; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Từ buổi đầu thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh với 11 đồng chí, đến nay, Đảng bộ Bến Tre có trên 50 ngàn đảng viên. Với sức mạnh đoàn kết của toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân, tỉnh  nhà từng bước phát triển vươn lên. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường, kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần nhân dân ngày càng được cải thiện. Từ đó tạo nền tảng vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Q.Hùng (tổng hợp)

Q.Hùng (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN