“Giọt máu hồng” Bùi Hữu Toàn

12/04/2010 - 08:06
Bùi Hữu Toàn chăm sóc đàn heo của mình. Ảnh: P.V.K

 

Mơ làm dược sĩ, lại thi đậu vào Trường Cao đẳng Bến Tre, ngành… Thú y, thế nhưng Bùi Hữu Toàn bước vào đời bằng lối đi khác. Một cán bộ Thành Đoàn giới thiệu thành tích của Bùi Hữu Toàn đáng để đoàn viên, thanh niên Thành phố học tập là việc hiến máu nhân đạo và làm kinh tế trang trại.

 

 

14 lần hiến máu nhân đạo

Năm 2009, Toàn là một trong sáu tập thể, cá nhân của TP Bến Tre được bình chọn đi dự họp mặt gương điển hình trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cấp tỉnh.

Toàn hiến máu tình nguyện khi là sinh viên năm cuối (năm 2007), lúc ấy em đi chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, dù chưa thể hình dung những giọt máu của mình sẽ giúp cho ai và giúp như thế nào, nhưng nghĩ đến việc những giọt máu của mình giúp bệnh nhân qua cơn thập tử nhất sinh, Toàn mạnh mẽ hẳn lên. Từ đó, “tình nguyện” trở thành phương châm sống của em. Lần hiến máu đầu tiên ấy đã “mở màn” để Toàn sẵn sàng chìa tay thêm 13 lần nữa…

Tốt nghiệp cao đẳng, em về quê tìm việc làm và được đón nhận ngay. Đầu tiên em giữ vai trò Bí thư Chi đoàn ấp An Thuận B, rồi đến Xã đội… Tính thiện nguyện được em truyền sang các bạn đoàn viên. Em tập hợp 5 bạn vào câu lạc bộ hiến máu nhân đạo ấp gần một năm nay. Xác định mục tiêu cứu người là chính nhưng vì chưa… quảng bá, nhóm chỉ nổi tiếng trong phạm vi xã. Nếu có trường hợp cần đến máu, Hội Chữ thập đỏ xã Mỹ Thạnh An sẽ alô ngay cho Toàn.

Trót vận cái nghiệp vào người

Toàn nói mình mê làm dược sĩ, nhưng học môn Hóa quá… dở nên chuyển sang trị bệnh cho vật nuôi. Tôi biết em đùa, vì xuất thân từ nông dân, nên quay trở lại nơi từng cưu mang mình đối với Toàn như cái lẽ tự nhiên. Những lúc bà con cần, “bác sĩ” Toàn khoác giỏ đồ nghề tìm tới tận nhà ngay. Không những vậy, vốn kiến thức học ở trường em cũng chia sẻ với bạn bè.

Để làm giàu cho gia đình, Toàn áp dụng mô hình V-A-C. Em thuyết phục gia đình mở rộng chăn nuôi heo kết hợp với trồng bưởi da xanh. Toàn lên Bình Dương tham quan mô hình nuôi heo rừng, để hình dung một bước đi chắc chắn. Suy tính thiệt hơn, cuối cùng em quyết định nuôi chủ yếu heo giống, đó là năm 2007. Từ 4 con heo giống được đầu tư những ngày đầu, đến lúc cực điểm, số lượng đàn tăng gấp 10 lần. Chăn nuôi là một cách để cải thiện đời sống nhưng chất thải của vật nuôi dễ ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, trang trại của Toàn đã khắc phục được điều này bằng một cách rất giản đơn. Hôm tôi đến, lượng heo nhà Toàn còn khoảng 30 con. Dù đã… cảnh giác, nhưng tôi “thất vọng” khi không hề nghe mùi đặc trưng của mấy chú ủn ỉn. Thì ra, gia đình em phơi khô phân (có rải một lớp tro) và cho vào bao, để dành bón cho bưởi.

 … Ở chàng trai 25 tuổi này, việc học dường như chưa kết thúc. Em đang theo học Đại học Hành chính, hệ tại chức, ở Trường Chính trị tỉnh. Quay trở lại lần có mặt tại buổi giao lưu những điển hình làm theo Bác hồi năm rồi, Toàn thấy những việc mình đã làm còn quá bé nhỏ so với thành tích của nhiều cô bác. Mỗi người có một việc làm hay, như cô Liên (phường 4, TP.Bến Tre) tuy tuổi cao, sức yếu nhưng nhẫn nại khâu mền từ những mảnh vải nhỏ tặng người nghèo; em Đặng Hữu Thọ, ở Châu Thành, sưu tập ảnh Bác cả chục năm nay; Lương y Huỳnh Công Trận (Ba Tri) lo cho người nghèo từng tấm gỗ dựng nhà, từng thang thuốc… Tôi nghĩ khác, kết quả mới chính là câu trả lời xác thực nhất cho tư duy và hành động của mỗi người. Toàn đã không suy bì, tính toán từng giọt máu hồng cứu người; cố tâm học thật tốt, làm nhiều phần việc để tròn vai trò Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã.

PVK

Chia sẻ bài viết
Từ khóa Bùi Hữu Toàn

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích