Nông dân xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày Nam đốn bỏ dừa do cây bị sâu đầu đen phá hại toàn bộ lá, trái.
Quan điểm khi diệt sâu
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Huỳnh Quang Đức thông tin: “Diện tích gây hại do sâu đầu đen trong 2 tháng qua có gia tăng; việc gây hại của sâu đang lan xuống tầng dưới như với cây dừa ta mới lớn và dừa xiêm. Không thể kết luận Bến Tre là điểm đầu tiên có sâu đầu đen, nhưng là tỉnh đầu tiên phát hiện và thông tin có sâu đầu đen, do tỉnh có diện tích dừa lớn nhất nước, ảnh hưởng lớn kinh tế người dân. Quan điểm của Sở NN&PTNT là triển khai song song hai phương án gồm dập dịch trước mắt và phòng trị lâu dài”.
Hiện nay, một số vùng đã xuất hiện những loại sâu khác đang gây hại cho dừa nhưng mức thiệt hại không lớn. Sở NN&PTNT đang chờ đơn vị chuyên môn định danh về loại sâu mới. Các chương trình phòng chống sâu đầu đen hiện đã có nhiều đơn vị như: Đại học Cần Thơ, Đại học Nông Lâm, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Trung tâm Nghiên cứu sâu bệnh TTC và một số cán bộ khoa học đã về Bến Tre tham gia vấn đề phòng trị sâu đầu đen.
Về đề tài “Nghiên cứu đánh giá xác định mức độ gây hại của sâu ăn lá dừa và xây dựng mô hình, đề xuất các giải pháp quản lý, phòng trị theo hướng sinh học an toàn trên địa bàn tỉnh Bến Tre”, kết quả đến nay đã lập được bản đồ số theo dõi sâu đầu đen, phân lập 8 loại thiên địch, trong đó có loài thiên địch đặc biệt quan trọng là ong ký sinh nhộng đùi to có hiệu quả trong việc diệt sâu đầu đen. Ngành nông nghiệp đã cho khảo sát nhanh một số loại thuốc diệt sâu đầu đen, trong đó, thuốc sinh học hiệu quả nổi trội hơn cả là: Emamectin benzoate đối với vườn dừa bình thường (không sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ), thuốc Bacillus Thuringiensis, tên thương mại là Dipel an toàn cho vườn dừa trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Ra quân đồng loạt
Ngành nông nghiệp chọn thời điểm ra quân đồng loạt diệt sâu đầu đen trong tháng 4-2021 do kế hoạch, nội lực về kinh phí đã đủ, các doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ kinh phí, máy móc, thuốc để phun xịt, các khảo nghiệm thuốc cũng đã có kết quả. Tháng 4 cũng là giao thời giữa mùa mưa, mùa nắng, thời tiết nóng ẩm có thể làm gia tăng khả năng gây hại của sâu đầu đen, công tác phòng trị rất có thể phải thay đổi.
Người dân xã Hữu Định, huyện Châu Thành cắt tỉa tàu dừa bị sâu ăn cháy lá.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trước mắt, hiện đã trang bị 13 máy phun loại 25 lít, dây 50m để tiện cho việc phun xa, gần. Hiện nay, khó khăn nhất của các địa phương là không tìm được công phun (tổ chuyên phun xịt thuốc), nếu địa phương không có máy phun thì chi cục cho mượn máy. Mỗi tổ phải có 3 người để pha thuốc và thay phiên phun.
Có 8 hội thảo sẽ được triển khai ở mỗi huyện, thời gian và nội dung các công việc được dự kiến như sau: từ ngày 12-4-2021 trở đi tổ chức hội thảo; thống kê diện tích nhiễm sâu đầu đen của từng xã; thực hiện biện pháp phòng trừ, mua thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), vận động, cắt tàu tiêu hủy và phun thuốc BVTV lần 1. Đầu tháng 5-2021 phun thuốc lần 2; quyết toán các nguồn vốn theo định mức và theo dõi hiệu quả phòng trừ.
Ngoài ra sẽ đẩy mạnh sử dụng thuốc sinh học để diệt sâu. Hiện địa bàn huyện Mỏ Cày Nam có 50ha diện tích đất trồng dừa bị nhiễm sâu đầu đen, việc kiểm soát dịch hại bằng phun xịt thuốc Bacillus Thuringiensis (tên thương mại là Dipel an toàn cho vườn dừa trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ) kết quả sau hơn 1 tháng không bị cháy cây dừa nào. Thuốc này tác động vô dạ dày sâu, làm ức chế khiến con sâu chán ăn, sâu còn sống nhưng không thể ăn, không tấn công cây dừa được nữa.
Bảo vệ sản xuất và sức khỏe người dân
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức khẳng định: “Không có loại thuốc nào diệt được 100% sâu trong vườn, riêng trong phòng thí nghiệm thì có thể. Cách làm là hạ áp lực phá hại xuống, từ 100 con sâu/cây, sau khi xịt thuốc còn khoảng 17 con phá, thì nhờ hệ thống thiên địch diệt số sâu còn lại”.
Về lâu dài, Sở NN&PTNT lập phòng nhân nuôi ong ký sinh. Sắp tới, tỉnh sẽ lập 1 phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu ong ký sinh đặt tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ cao. Mục tiêu cuối cùng là bảo vệ sản xuất, bảo vệ sức khỏe người dân. Diệt sâu đầu đen là nhiệm vụ của cả tỉnh. Do đó, chính quyền địa phương cần có tinh thần trách nhiệm trong việc phối hợp, thống nhất vận động người dân cho tiến hành phun xịt thuốc sinh học diệt sâu đầu đen trên vườn dừa (một số người dân lo lắng, không đồng ý cho phun xịt do sợ ảnh hưởng đến các loại cây trồng, vật nuôi dưới tán dừa). Đồng thời, nghiên cứu việc kịp thời khen thưởng những hộ dân, những địa phương có tinh thần chung sức diệt sâu đầu đen, giảm diện tích thiệt hại.
Trong 16 quốc gia trên thế giới từng bị sâu đầu đen phá hại, kinh nghiệm là sử dụng thiên địch để diệt sâu đạt hiệu quả nhất. Về việc sử dụng loại thuốc nào diệt sâu đầu đen, thuốc nào sâu cũng chết, lo nhất là người dân bị nhiễm độc thuốc trừ sâu trước khi… diệt được sâu. Vì dưới cây dừa là nhà trẻ, bệnh viện, trường học, quán ăn, môi trường sống xung quanh. Do đó, trong việc diệt sâu đầu đen, phải sử dụng thuốc sinh học để bảo vệ được sức khỏe cộng đồng.
(Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức)
|
Bài, ảnh: Thạch Thảo