30 năm nghề cộng tác viên của tôi

07/06/2010 - 08:29
Nhà báo Phan Lữ Hoàng Hà (bên phải) phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lương Lê Phương. Ảnh: Dương Thanh Huy

Nay tôi đã bước vào hàng U 60. Sống với kiểu nhờ hưởng nhuận bút như tôi, nhiều đêm tôi thật bối rối, âu lo vì có khi tôi không phát hiện được ở tỉnh nhà có đề tài nào hay để viết bài, đưa tin. Nhưng rồi tôi cũng thiếp đi với lời thầm nhủ: xã hội còn vận động thì sẽ còn đề tài để viết. Vấn đề là mình có còn đủ sức khỏe để đi viết và viết hay không?

Năm 1981, tôi mạo muội viết một kịch bản văn học phim truyện rồi gởi đến Xí nghiệp phim tổng hợp TP HCM (Cục Điện ảnh, Bộ VH TT). Kịch bản trên được anh Nguyễn Hồ, Trưởng phòng biên tập Xí nghiệp phim tổng hợp TP HCM phân công anh Sâm Thương biên tập kịch bản của tôi. Thời gian tôi làm việc với anh Sâm Thương, anh nói: “Kịch bản đang sắp hàng để chờ dựng phim, nếu kịch bản của em đạt, thì cũng rất lâu nữa mới tới mình. Thôi, em đi viết báo đi để có cái mà sống, mà chờ…”. Lúc này anh Sâm Thương là thư ký tòa soạn Tạp chí Điện ảnh TP HCM. Tôi bắt đầu tham gian viết báo từ đó, những bài báo đầu tiên của tôi là viết về cảnh làm phim những tập đầu của bộ phim “Ván bài lật ngửa”…

Nghề cộng tác viên viết báo của tôi chẳng êm ả gì, thường thì mình như một đứa con rơi, phải tự học, tự tính, tự lo, tự làm. Nghĩa là, “Còn duyên kẻ đón người đưa. Hết duyên đi sớm, về trưa một mình”. Mặc kệ, chuyện đời. Song cái được là sau 30 năm làm nghề viết báo tự do, tôi có điều kiện đi đó đi đây, hiểu biết khá nhiều sự kiện, cả những sự kiện “nhạy cảm”, khó nói…

 Những năm trước năm 1990, đi viết bài ở miền Tây, tôi phải gắn với ít nhất là một anh nhà báo ở địa phương đó, vì lúc này đâu có nhà trọ như hiện nay. Còn ở khách sạn vào thời đó là như chuyện…ở trên trời, tiền đâu ở, ai thanh toán cho. Thời đó, điện thoại di động cũng chưa có. Đến một tòa soạn, anh nhà báo mà mình định gắn kết vừa về nhà, thế là gian nan rồi. Thường thì tôi ra bến xe mướn một chiếc ghế bố qua đêm, muỗi vo ve đầy mặt. Vậy nên, khi tôi đi đến một địa phương nào, điều tối quan trọng là tôi phải đặt mối quan hệ tốt đẹp với ít nhất một nhà báo ở đó. Đi xa mà không có chỗ ở, vấn đề vệ sinh cá nhân là chuyện rất phiền phức – ráng. Nhưng rồi thì tôi cũng có bài gởi về tòa soạn nơi mình cộng tác. Có khi bài không được đăng thì kể như lỡ “sở hụi”. Lỡ sở hụi, buồn lắm chứ, nhưng rồi cũng phải đi viết tiếp. Không viết, không có tiền nhuận bút, lấy gì sống và nhất là con vợ nó sẽ cười cho. Vợ tôi sống với người mẹ già ở quê biển Thạnh Phú với nghề bán tạp hóa nhỏ lẻ. Từ lâu, cô đã ngoéo tay với tôi, tôi cứ sống ở trên thị xã và đi viết báo, hai vợ chồng cùng hợp sức để nuôi hai đứa con trai ăn học. Vợ tôi chỉ thích xem phim truyện Hàn Quốc, không thích xem thời sự, nhưng cô rất vui khi thấy trên tivi có tôi được lãnh một giải thưởng báo chí nào đó.

Về kỹ năng viết báo, tôi cũng đâu có tốt nghiệp đại học báo chí hay một đại học nào. Do vậy, cách của tôi làm là như vầy: Về viết tin (nhiều tin góp lại sẽ có nhuận bút bằng một bài), tôi chơi thân với một phóng viên Thông tấn xã VN thường trú tại tỉnh, học cách anh ấy viết tin. Tôi viết tin theo kiểu Thông tấn xã VN (súc tích nhưng hơi dài) rồi gởi đi, khi báo đăng, tôi học lại cách biên tập của tòa soạn mà mình cộng tác. Những lần sau, tôi cứ làm đúng với “cái e” như vậy. Về viết phóng sự (bài giảng quá nhiều rồi), tôi luôn đọc rất nhiều bài phóng sự của các nhà báo nổi tiếng viết ở mảng này như các nhà báo: Huỳnh Dũng Nhân, Nguyễn Tường Lộc, Hàng Chức Nguyên...  Mỗi báo gần như có mỗi “e” khác nhau nhưng tựu trung là phải “có sự” chớ không phải ngồi “phóng không” (lại cũng kiểu nói theo bài giảng). Với viết phóng sự, tôi rất hên là ngay những bài viết đầu tiên của tôi đã được nhà báo Trần Trọng Thức biên tập (trên báo Lao Động). Ngày ấy, tôi rất vui và cho rằng mình đã được đi học “đại học từ xa” miễn phí. Có điều, tôi cũng đã nhận ra rằng, để viết được phóng sự hay thì người viết phải có khiếu ngay từ đầu khi bước vào nghề. Mà trên báo đâu chỉ có phóng sự độc giả mới đọc. Viết bài phản ánh, nhưng viết hay là cũng “đã” rồi. Giải thưởng báo chí thường ngang bằng như nhau.

Về xử lý vi tính. Cách đây đúng 9 năm, khi tôi đi họp cộng tác viên của báo SGGP tại Cần Thơ, nhà báo Lê Tiền Tuyến, người rất thương mến tôi nhưng anh vẫn nói: “Ông bạn Bến Tre ơi (tức là tôi), bây giờ mà ông viết rồi chuyển đến tôi…một xấp giấy, nếu mất tính thời sự, tôi gác bài lại thì ông ráng chịu nhá”. Nghe anh nói mà tôi phát rầu. Sau cuộc họp, tôi trở về Bến Tre và học sử dụng máy vi tính từ đứa con học lớp 10 chỉ cho. Gần 20 năm viết báo trên giấy trắng rồi chuyển đi bằng thư phát nhanh hay Fax, chụp hình thì bằng máy cơ, giờ đến chuyện phải…mail, tôi thật lọng cọng, ngán ngại. Ban đầu thì tôi ra bưu điện tỉnh ngồi làm, tranh thủ với các nhân viên bưu điện chỉ tiếp cho. Khoảng vài tháng sau, khi khá thành thục, tôi mua máy vi tính và gắn luôn đường truyền tại nhà. Bây giờ thì mọi thao tác đã nhanh lắm rồi, kể cả xử lý ảnh báo chí.

Về viết tin tường thuật đối với các lãnh đạo cấp cao đến thăm và làm việc tại tỉnh nhà, việc này đối với tôi thật cam go vì trong những lần như vậy thì luôn có phóng viên của tòa soạn báo nơi mình cộng tác cử đến. Thấy có phóng viên của “bổn báo” xuống là tôi xuống gà ngay, mất sở hụi là cái chắc. Những phóng viên của “bổn báo” kể ra cũng rất tốt bụng, nhưng chẳng lẽ chỉ có cái tin mà để tên hai tác giả. Thì trong lúc đó, tôi phải liên hệ với một báo nào đó không có cử phóng viên đến dự, để viết tin cho báo đó. Chỉ nội chuyện quan sát, nhìn mặt các phóng viên có mặt tại hội trường, tôi cũng đã mệt cái đầu, mất thời gian, rồi còn phải tập trung viết cho nhanh, chuyển cho nhanh để ngay sáng mai có tin đăng trên báo cùng lúc với các báo khác đã dự họp - mệt lắm. Thương tôi, một nhà báo trẻ nói: “Anh lớn tuổi rồi làm sao mà chạy lợi với các phóng viên trẻ để viết tin. Cứ “chuyên canh”, từ vốn sống tích lũy của mình mà viết bài. Món này các tòa soạn cũng rất cần”. Tôi biết, nhưng cả tháng rồi tôi không có đăng được bài nào, tôi phải kiếm tin để viết, để có thu nhập chớ biết làm sao hơn.

Nhờ vào Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre, tôi đã có dịp đi gần khắp đất nước Việt Nam và viết hàng trăm bài báo được đăng trên các báo: Lao Động, SGGP, Tuổi Trẻ chủ nhật, Thời báo KTSG, Sai Gon Eco, Pháp Luật Việt Nam, Pháp Luật TP HCM, Tài Hoa Trẻ, Tạp chí Thủy sản Việt Nam và nhiều báo khác tại ĐBSCL, nhiều nhất là với báo SGGP và báo Đồng Khởi (có lẽ cộng hết phải trên 1.000 bài đã được đăng, chưa kể tin). Một anh bạn đồng nghiệp của tôi nói vui: “Như vậy, nếu tính theo phi công thì ông đã có trên 1.000 giờ bay rồi”. Tôi cười không nổi: “Bay theo kiểu tự mình tập lái, tự mình chòi đạp đó mà…”. Những khi bí đề tài thì tôi chuyển sang viết kịch bản phim phóng sự tài liệu, phim truyện truyền hình cộng tác với HTV, VTV tại Cần Thơ, VTV 9…Hàng năm, vào dịp Tết, tôi đều cộng tác viết cho tất cả các tờ tin của các huyện trong tỉnh; một, hai trăm ngàn đồng nhuận bút cho một bài nhưng cộng lại cũng sẽ bằng nhuận bút của một bài ở một tờ báo lớn. Còn với các anh bạn đồng nghiệp của tôi thì khỏe re rồi. Tết đến, các anh còn được thưởng… Song, điều an ủi lớn nhất đối với tôi trong nghiệp dĩ này là tôi đã ba lần đoạt giải báo chí toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam năm 1997 (bài đăng trên báo Đồng Khởi), 1999 ( bài trên báo Tuổi Trẻ chủ nhật) và 2004 (bài trên báo Thời báo Kinh tế Sài Gòn), được bắt tay với nguyên Thủ thướng Phan Văn Khải khi ông đến trao giải báo chí toàn quốc năm 1999 tại Hội trường Thống Nhất TP HCM.

P.L.H.H

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích