Trước tình hình khó khăn chung, từ đầu năm đến nay, với sự nỗ lực của các đơn vị trong ngành, hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh được duy trì khá. Song, hầu hết các chỉ tiêu lớn như: giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hóa… đều đạt thấp so với kế hoạch đã đề ra.
Ngành công thương sẽ làm gì để vừa hoàn thành tốt kế hoạch 6 tháng cuối năm, vừa đạt và vượt để bù lại các chỉ tiêu chưa đạt trong 6 tháng đầu năm?
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước trong 6 tháng đầu năm là 10.600 tỷ đồng, đạt 47,5% kế hoạch năm. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu thị trường giảm sút.
Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước đạt 2.339 tỷ đồng, tăng trên 17% so với cùng kỳ năm 2011 và đạt chưa đến 44% so với kế hoạch năm. Trong đó, doanh nghiệp (DN) trong nước đạt 44,6% (ước thực hiện đạt 1.646,5 tỷ đồng), DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 42,2% (đạt 693 tỷ đồng). Cụ thể ở các sản phẩm chủ yếu, sản lượng có sự tăng giảm không đều so với cùng kỳ. Một số sản phẩm giữ được thị trường tiêu thụ, có thêm DN mới vào hoạt động nên sản lượng tăng khá, như bộ dây điện xe ô-tô, than hoạt tính, thuốc lá điếu, bột cá, thuốc trị bệnh. Một số sản phẩm mới như: cá hộp, bao bì nhựa công nghiệp, túi xách được sản xuất ổn định, góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm giảm sản lượng đáng kể như: thủy sản đông lạnh giảm 11%, chỉ xơ dừa giảm 11,25%, than thiêu kết giảm 27,1%, thức ăn gia súc giảm 23%, thức ăn thủy sản giảm 27,6%. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu của thị trường tiêu thụ giảm. Sản xuất giảm dẫn đến việc thực hiện chỉ tiêu không đạt, trong đó có nhiều sản phẩm chỉ đạt hơn 20% so với kế hoạch năm, như: thủy sản đông lạnh, thức ăn thủy sản…
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 205 triệu USD, đạt 47% kế hoạch năm. Trong đó, hơn 82% tổng kim ngạch xuất khẩu là hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (169 triệu USD). Trong khi xuất khẩu hàng hóa thuộc lĩnh vực công nghiệp tăng khá mạnh (tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước), thì xuất khẩu hàng nông sản lại giảm hơn 60% (so với cùng kỳ năm trước). Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kim ngạch xuất khẩu của tỉnh giảm. Hiện nay, thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Á, chiếm tỷ lệ 63,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngược lại, thị trường châu Phi đã giảm nhiều, chỉ chiếm khoảng 3,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Có thể nói, đây là năm hoạt động sản xuất kinh doanh trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn so với những năm qua, mặc dù ngành công thương đã có nhiều cố gắng khắc phục, như: đẩy mạnh hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, có nhiều biện pháp can thiệp thị trường tại địa phương. Công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường cũng được tập trung cao. Trong điều kiện tình hình thị trường có nhiều biến động, giá cả nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng, thị trường ngoài nước vẫn còn nhiều rủi ro…, ngành công thương tỉnh sẽ còn gặp khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch từ nay đến cuối năm. Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2012, Sở Công Thương đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó, Sở xác định cần đẩy nhanh tiến độ hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp, tạo quỹ đất cho phát triển sản xuất, đánh giá hoạt động sản xuất để hỗ trợ giải quyết khó khăn, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, khuyến khích DN đầu tư phát triển sản phẩm mới, tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng hàng sản xuất trong nước, mở rộng hệ thống chợ đầu mối, chợ vựa để thu mua, tiêu thụ hết nông sản.