Ba lần được gặp Bác Hồ

23/09/2013 - 08:14
Ông Trần Văn Dũng và kỷ vật là cái radio, đồng thời là máy phát đã gắn bó với ông suốt thời gian chiến đấu. Ảnh: P.Y

Trong số nhiều kỷ vật “Lòng dân Bến Tre với Bác Hồ” đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, có nhiều bức ảnh ghi của ông Trần Dũng (Trần Văn Dũng), nguyên cán bộ phụ trách tuyên huấn, Quân khu 7.

Dự cảm đây là nhân vật đặc biệt, chúng tôi tìm đến tận nhà ông - trong con hẻm ngoằn ngoèo, thuộc phường 4, TP. Bến Tre. Quả đúng như thế. Không phải chỉ có những bức ảnh về Bác Hồ, nhiều kỷ vật chiến đấu mà “tài sản” của ông còn có ký ức 3 lần được gặp Bác…

Ký ức 3 lần gặp Bác

Ở tuổi 73 nhưng ký ức về Bác từ thuở thiếu thời của anh công nhân Nhà máy dệt Nam Định Trần Văn Dũng như vẫn còn nguyên vẹn. Sinh ra trên đất Nam Định - nơi có nhà máy dệt lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ, thanh niên Trần Văn Dũng trở thành công nhân của nhà máy. Công việc là niềm tự hào nhưng càng tự hào hơn khi đoàn viên Trần Văn Dũng được hai lần gặp Bác ngay chính nơi này. Ông kể lần đầu được gặp Bác là vào năm 1959, khi Nhà máy dệt tổ chức Đại hội Đoàn thanh niên. Hình ảnh vị lãnh tụ đến sớm, đi khắp hội trường phát kẹo, thuốc lá cho từng người làm mọi người xúc động đến bối rối. Nhưng, “chi tiết mà bất kỳ đoàn viên nào trong Đại hội hôm đó không thể nào quên là Bác phát kẹo và thuốc lá nhưng ai nhận thuốc lá Bác đều hỏi: “Cháu đã thực hiện lời Bác dạy chưa, sao còn hút thuốc lá?”. Nghe vậy thì ai cũng bối rối và chỉ một vài người đầu tiên nhận thuốc, về sau thì ai cũng chỉ nhận kẹo. Sau đó Bác dặn, thanh niên không được học tập Bác thói quen hút thuốc lá” - ông Dũng nhớ lại.

Dịp Quốc khánh 2-9-1963, Bác về Nam Định. Lần này, Bác nói chuyện trước hàng vạn người dân. Hòa trong đám đông ấy, chàng trai tuổi quá đôi mươi cảm xúc dâng đầy. Ông nói, chính sự bình dị, gần gũi, dẫn dắt câu chuyện thực tế của Bác để lại trong ông dấu ấn khó tả. Người lính già nhớ lại: Trong lúc nói chuyện, Bác hỏi lãnh đạo tỉnh, Nam Định có bao nhiêu gia đình chính sách thời kháng chiến chống Pháp chưa được giải quyết chế độ chính sách. Lãnh đạo tỉnh lúng túng. Bác bảo “Nếu các chú không nắm rõ thì để tôi nói cho nghe”. Nói rồi Bác dặn dò các đồng chí lãnh đạo tỉnh phải cố gắng làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công cách mạng.

Cuối năm 1963, Bác về làm việc với Tỉnh ủy Nam Định và có chuyến thăm bất ngờ tới Nhà máy dệt. Bất ngờ, bởi Bác đến Nhà máy dệt nhưng không vào cổng chính mà rẽ qua lối tắt đi thẳng vào nhà bếp, khu nhà vệ sinh của công nhân. Gặp gỡ lãnh đạo Nhà máy dệt và trăm công nhân của một xưởng, Bác phê bình việc nhà ăn mà để chim sẻ vào quá nhiều, điều kiện vệ sinh trong nhà vệ sinh cũng không đảm bảo.

Và hành trang cuộc đời

Được gặp Bác, được lắng nghe những lời dạy chân tình của Bác, ông Trần Văn Dũng thấy mình lớn hơn, trách nhiệm hơn. Đồng bào miền Nam còn đang gồng mình trong cuộc chiến, chàng trai thấm nhuần lời dạy của Bác kiên quyết tình nguyện vào miền Nam. Nhưng, ba lần bốn lượt, ông đều bị trả về vì không đủ chiều cao. Mãi đến năm 1965, ông đăng ký tham gia phong trào Thanh niên 3 sẵn sàng và khi đó ước mơ xả thân cứu quốc của ông mới thành hiện thực. Hành trình từ Bắc vào Nam, vai vác nặng, băng rừng lội suối là thử thách ban đầu. Nhưng, ông đã chứng minh mình đủ thể lực bởi ý chí và chính những lời dạy của Bác đã tiếp thêm sức mạnh.

Trải qua nhiều nhiệm vụ, ở nhiều đơn vị nhưng lâu nhất là công tác tuyên huấn tại Sư đoàn 30. Đặc biệt, trong thời gian gần 10 năm với nhiệm vụ tuyên huấn, ông có cơ hội tiếp cận và sưu tầm tư liệu, hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Dù trong điều kiện khốc liệt của cuộc chiến nhưng những bức ảnh, những tư liệu về Bác được ông chọn lọc, lưu giữ gần như nguyên vẹn. “Ngoài những bức ảnh tặng cho Bảo tàng tỉnh, tôi còn đang giữ trên 60 bức ảnh có liên quan đến Bác. Đó là những bức ảnh của anh em đồng đội được tháp tùng cùng Bác trong những chuyến đi”, ông Dũng nói thêm.

Thời gian hoạt động ở Quân khu 7, ông bén duyên với đồng đội, cô gái Bến Tre tên Trương Thị Ngọc Vân. Đất nước thống nhất, vợ chồng ông tiếp tục phục vụ trong Quân đội. Năm 1977, theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh Bến Tre, ông theo về quê vợ. Và từ đó, ông đảm đương một số nhiệm vụ, trong đó công tác tổ chức cán bộ ở Ban Tổ chức chính quyền cho đến tuổi nghỉ hưu. Thế nhưng, khi nghỉ hưu trở về địa phương, Thị xã ủy Bến Tre khi đó động viên ông tiếp tục tham gia hoạt động tại phường. Người cán bộ về hưu Trần Văn Dũng được đảng viên phường 4 tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy phường trong suốt 2 nhiệm kỳ (1990-2000). Sau đó, ông tiếp tục được anh em tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy phường cho đến năm 2005; rồi cán bộ tuyên giáo phường 4 đến năm 2010. Ông “nghỉ hưu” một lần nữa ở tuổi 70. “Nghỉ hưu nhưng chưa nghỉ ngơi. Tôi vẫn làm Trưởng ban công tác Mặt trận khu phố, từ đó đến nay. Còn sức, còn được anh em tin tưởng thì tôi còn phục vụ”, ông già tóc bạc phơ cười móm mém.

“Những mẩu chuyện về Bác, kỷ niệm những lần được gặp Bác, được nghe Bác nói chuyện là hành trang tôi mang theo suốt cuộc đời mình. Tôi đã kể đi kể lại những câu chuyện này rất nhiều lần nhưng thấy như vừa xảy ra.”

(Ông Trần Văn Dũng)

Bài, ảnh: Phương Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN