Bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học

18/12/2024 - 08:05

BDK - Là địa phương ven biển nằm cuối nguồn sông Mekong, tỉnh đã và đang tăng cường các giải pháp về chính sách quản lý, khoa học thực tiễn trước các thách thức về nguồn nước, khí hậu, phát triển du lịch sinh thái, môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.

Triển lãm về đa dạng sinh học chim hoang dã, di cư do Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức.

Tỉnh được xem như vùng đất ngập nước rộng lớn với mạng lưới sông, kênh, rạch chằng chịt. Khu vực ven biển và các vùng cửa sông, bãi bồi, với trên 90% diện tích tự nhiên là đất ngập nước của tỉnh đã hình thành nên các hệ sinh thái tự nhiên rất đa dạng và năng suất sinh học cao. Đặc biệt, với tổng diện tích đất có rừng hơn 4.441ha, hệ sinh thái rừng ngập mặn trải dài 3 huyện ven biển được coi là công trình đê bao tự nhiên khổng lồ, có vai trò quan trọng trong việc giảm nhẹ thiên tai như che chắn sóng gió, hạn chế xói lở, cố định và gia tăng diện tích đất bãi bồi cho các vùng lục địa.

Hơn nữa, ngoài chức năng bảo vệ môi trường, nhờ tính đa dạng sinh học của các khu rừng ngập mặn và bãi bồi ven biển đã đem lại những giá trị to lớn về kinh tế - xã hội, vừa là nơi tập trung sinh sống của dân cư, đồng thời cung cấp nguồn nguyên vật liệu và các loài thủy hải sản góp phần nuôi sống con người. Bởi thế, thời gian qua, các ngành, địa phương tập trung tăng cường tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng của việc bảo vệ, phát triển rừng, gắn với các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật hoang dã bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả.

Điển hình như, Sân chim Vàm Hồ tại huyện Ba Tri với diện tích khoảng 60ha có hệ sinh thái đa dạng. Đây là vùng đất ngập mặn theo mùa, có giá trị sinh học cao và tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Hiện tại, để tăng cường quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học nơi đây, theo chủ trương của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện nhiệm vụ đánh giá, đề xuất Di sản thiên nhiên Sân chim Vàm Hồ và khu vực lân cận (vùng bãi bồi, đất ngập nước ven biển Ba Tri, Bình Đại) là di sản thiên nhiên cấp tỉnh theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nhằm bảo tồn môi trường tự nhiên, các loài chim hoang dã bản địa và di cư nguy cấp, quý hiếm, đồng thời góp phần cải thiện sinh kế, phát triển bền vững du lịch sinh thái và nuôi trồng, khai thác thủy sản.

Đáng chú ý, trong hợp tác xuyên biên giới giữa tỉnh và tỉnh Tulcea, nước Romania, Viện Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia đồng bằng Danube, Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng Danube. Qua 10 năm hợp tác, tỉnh Tulcea và các chuyên gia đồng bằng Danube đã giúp tỉnh xây dựng dự án “Thành lập thí điểm Khu bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững du lịch sinh thái và Trung tâm Tri thức về phát triển du lịch sinh thái tại đồng bằng sông MêKông”. Hiện dự án này đã được đưa vào Quy hoạch phát triển tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh giai đoạn đến năm 2030.

Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Văn Ngoan, công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học có bước phát triển tốt, góp phần tăng năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh, phát triển “Bến Tre xanh, sinh thái”. Trong đó, tỉnh đã xây dựng được kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học làm cơ sở, bước đầu triển khai các nhiệm vụ/dự án. Công tác tuyên truyền, giáo dục được các cơ quan, UBND các huyện, thành phố quan tâm thực hiện, phổ biến đến cộng đồng, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; công tác phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật đa dạng sinh học của tỉnh tốt, được duy trì thường xuyên trong đấu tranh phòng chống, ngăn ngừa vi phạm về đa dạng sinh học, bảo vệ rừng.

 Bài, ảnh: Thanh Bạch

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN