Ba Tri tươi tắn lên những công trình đầu tư cấp xã

24/07/2012 - 18:22
Công trình lộ Cây Sao (xã Tân Hưng) sử dụng từ nguồn vốn CIF. Ảnh: B.S

19 tỷ đồng là tổng nguồn vốn quỹ đầu tư cấp xã được phân bổ cho 8 xã dự án của Ba Tri (gồm Bảo Thuận, Vĩnh Hòa, Tân Hưng, Bảo Thạnh, An Thủy, An Đức, An Hiệp và An Ngãi Tây).

Theo quy định, 90% nguồn quỹ này được sử dụng xây dựng công trình hạ tầng nông thôn và thực hiện trong 3 năm. Kết thúc tiểu hợp phần này, Ba Tri có 56 công trình là những con đường, chợ, cống thoát nước, kênh nội đồng, điểm thu gom nông sản được thực hiện. Mỗi công trình tuy không lớn nhưng hiệu quả từ thực tế đã tác động mạnh đến ý thức người dân địa phương và đã thêm nhiều công trình được hình thành trên cơ sở này.

Khi Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn (DBRP Bến Tre) có phần vốn dành đầu tư cơ sở hạ tầng, các xã dự án của Ba Tri đã lựa chọn công trình trên cơ sở phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội và qui hoạch chung của từng xã. Ông Lê Văn Nhứt - Trưởng Văn phòng Dự án Ba Tri cho biết, các công trình hạ tầng này được quyết định theo sự lựa chọn của nhân dân, nên khi thực hiện luôn nhận được sự đồng thuận cao từ khâu giải phóng mặt bằng đến sự tự nguyện đóng góp tiền của, công sức. Sự đồng thuận của nhân dân không chỉ được thể hiện bằng con số hơn 1,9 tỷ đồng tiền mặt, đất đai, hoa màu mà còn ở chính sự tự nguyện góp thêm để mở rộng lối đi, mở rộng công trình. Chẳng hạn, ở xã An Ngãi Tây, lộ bê-tông từ ấp An Hòa đến ấp Giồng Trôm Dự án làm 1.200m, nhân dân đóng góp 479,45 triệu đồng để làm  thêm 1.400m; lộ ấp An Hòa đến ấp Giồng Sao Dự án làm 775m, nhân dân làm tiếp thêm 803 (tự đóng góp 311 triệu đồng).

Theo thống kê của Văn phòng Dự án Ba Tri, các công trình này đưa vào sử dụng đã mang lại lợi ích trực tiếp cho 54.494 người dân ở các xã Dự án về hạ tầng giao thông, vận chuyển hàng hóa từ vùng sâu, vùng xa ra trung tâm xã, huyện. Điều đó giúp tiết kiệm thời gian, giảm giá thành, tăng giá trị sản phẩm đầu ra, góp phần tăng thu nhập cho người dân, nhất là người nghèo có cơ hội thoát nghèo. Chợ ấp Bến Vựa (xã Vĩnh Hòa) từ khi được xây dựng mới, 43 hộ dân ở đây có chỗ bán buôn ổn định. Không chỉ vậy, nhiều người dân trong vùng có mớ cá, nắm rau cũng mang ra chợ bán ở khu vực dành riêng cho người bán không thường xuyên. Chị Hoàng (người dân trong vùng) cho biết, từ khi chợ được xây dựng khang trang, sạch sẽ, bản thân chị và chị em ở đây bán buôn đắt hơn. Nhiều chị có đồng ra đồng vô, ổn định được cuộc sống. Một số công trình khác như kênh dẫn nước ấp An Bình (xã An Thủy) phục vụ cho sinh hoạt và tưới tiêu cho khoảng 26ha trồng lúa và hoa màu; bãi lúa tập trung ấp Thạnh Lễ (xã Bảo Thuận) phục vụ trung chuyển lúa cho hơn 70ha… Theo anh Nguyễn Hoàng Minh – chuyên viên hỗ trợ thị trường Ba Tri, trước đây khi vào vụ thu hoạch lúa, bà con xã Bảo Thuận phải mất nhiều thời gian, nhân công, chi phí vận chuyển cao và tỷ lệ hao hụt khoảng 4%. Khi có bãi tập kết lúa này, tỷ lệ hao hụt đã giảm khoảng 0,5% khi vận chuyển…

Việc thực hiện các công trình từ quỹ đầu tư cấp xã không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân mà còn nâng cao năng lực của cán bộ lãnh đạo cấp xã. Bởi nguồn vốn này được Ban Quản lý Dự án DBRP phân cấp hoàn toàn cho xã làm chủ đầu tư, tự tổ chức thực hiện và tự chịu trách nhiệm. Theo Trưởng Văn phòng Dự án Ba Tri - ông Lê Văn Nhứt, qua các lớp tập huấn và kinh nghiệm thực tế điều hành, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm quản lý của hầu hết cán bộ tham gia Dự án được nâng lên rõ rệt, nhất là về qui trình thủ tục chuẩn bị đầu tư, công tác thanh quyết toán công trình, lập và phê duyệt báo cáo quyết toán công trình hoàn thành, nghiệp vụ về đấu thầu… Bên cạnh đó, chính người dân cũng thấy trách nhiệm của mình trong thực hiện công trình công cộng, khi mà các ban giám sát cộng đồng được lập ra để giám sát thi công các công trình ngay trên địa bàn xã của họ.

Hiện tại, Ba Tri đang chuẩn bị các dự án hợp lý để đề xuất được tiếp nhận từ nguồn vốn tăng thêm của quỹ đầu tư cấp xã của Dự án, với hy vọng có thêm nhiều công trình thiết thực, vì sự phát triển của người dân nông thôn.

Nguyên Phan

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích