Nhiều vấn đề của ngành dừa tỉnh được giải trình làm rõ

13/12/2024 - 05:25

BDK - Tại phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng phát triển vùng nguyên liệu dừa sạch và hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dừa tỉnh Bến Tre”, đại biểu HĐND tỉnh đã đặt câu hỏi, với các nội dung liên quan đến những vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu và các chính sách liên quan của ngành dừa. Các câu hỏi của đại biểu đều được các sở, ngành có liên quan và UBND tỉnh giải trình làm rõ.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Văn Tân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Trần Quốc

Kiểm soát dịch hại trên cây dừa

Đại biểu HĐND tỉnh Huỳnh Thanh Tuấn - Phó bí thư Thường trực Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện Châu Thành đặt câu hỏi liên quan đến việc hỗ trợ người dân kiểm soát tốt dịch hại trên dừa nhưng vẫn đảm bảo chuẩn sản xuất dừa hữu cơ theo yêu cầu thị trường.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đoàn Văn Đảnh, hiện nay, sâu bệnh hại chính trên cây dừa là sâu đầu đen, bọ cánh cứng. Trong đó, sâu đầu đen là đối tượng nguy hiểm vì làm giảm năng suất. Lũy kế, diện tích dừa nhiễm sâu đầu đen trong năm 2024 trên địa bàn tỉnh là 882,06ha; trong đó, diện tích đã phục hồi 338,82ha. Hiện diện tích bị nhiễm 543ha.

Biện pháp canh tác và biện pháp sinh học là hai biện pháp được thực hiện để kiểm soát dịch hại trong sản xuất hữu cơ. Đối với dịch hại sâu đầu đen, Sở NN&PTNT đã xây dựng và hướng dẫn các địa phương thực hiện biện pháp quản lý tổng hợp. Đặc biệt, biện pháp sinh học nhân nuôi và phóng thích 2 loài ong ký sinh để kiểm soát đối tượng sâu hại này. Theo kế hoạch, có 9 đơn vị đang duy trì nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh trên địa bàn tỉnh. Lượng ong ký sinh phóng thích năm 2024 là 210 triệu con. Các đơn vị vẫn đang tăng cường nhân nuôi để phóng thích đạt tiến độ và đảm bảo hiệu quả phòng trừ.

Xung quanh vấn đề này, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Văn Tân kiến nghị, UBND tỉnh cho chủ trương nhiều điểm nuôi ong ký sinh tại các huyện để có số lượng lớn ong ký sinh. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đang có đề tài cấp bộ và sẽ chuyển giao kết quả cho các tổ chức, cá nhân bên ngoài. Khi đó, kết hợp cả hai nguồn cung cấp được số lượng lớn ong đủ tiêu diệt sâu đầu đen hại dừa.

Về giá bán sản phẩm dừa hữu cơ

Đại biểu HĐND tỉnh Bùi Thành Dương - Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ba Tri quan tâm mức đầu tư sản xuất dừa hữu cơ cao hơn sản xuất dừa bình thường nhưng giá bán sản phẩm dừa hữu cơ chênh lệch không lớn so với giá bán sản phẩm dừa sản xuất bình thường.

Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh cho biết: Hiện nay, tỉnh đang triển khai tuyên truyền và xây dựng các vùng sản xuất tập trung để người dân chuyển đổi phương thức canh tác, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế. Do đó, chi phí đầu tư ban đầu có khá cao so với sản xuất thông thường (từ 5 - 10%) do sử dụng thêm công lao động trong việc thực hành sản xuất hữu cơ. Hiện nay, giá bán dừa hữu cơ cho các doanh nghiệp (DN) cam kết thu mua cao hơn từ 10 - 15%. Vì vậy, thu nhập và lợi nhuận của nông hộ tăng, liên kết thu mua ổn định hơn. Một số thời điểm nhất định, thị trường thiếu dừa nên giá dừa thường tăng cao đột biến bằng với giá dừa hữu cơ nên có nhận định giá dừa sản xuất hữu cơ không cao hơn hoặc cao hơn không nhiều so với dừa sản xuất thông thường.

Tiềm năng kinh tế tuần hoàn từ cây dừa

Đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh cho rằng, dừa có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH), tỉnh đã có kế hoạch phát triển KTTH nhưng hiện nay chưa thấy mô hình hoàn chỉnh cụ thể nào về KTTH trong nông nghiệp cũng như cây dừa. Vậy, ngành nông nghiệp đã có kế hoạch hay chương trình gì phát huy tiềm năng KTTH từ cây dừa.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy KTTH trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Sở đã và đang xây dựng mô hình “Ứng dụng nguyên tắc sản xuất tuần hoàn vào xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị dừa”, quy mô 10ha, 15 hộ tham gia; tại xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam và xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú. Thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2024. Kết quả mô hình: Năm 2023, đã hỗ trợ vật tư đợt I cho các hộ tham gia mô hình, gồm: vôi, mụn dừa và phân bò ủ phân theo quy trình hướng dẫn. Sau khi phân ủ đã hoai tốt, các hộ đã bón cho vườn dừa. Năm 2024, người dân tiếp tục sử dụng phế phụ phẩm từ cây dừa để ủ phân theo quy trình và tiếp tục bón cung cấp dinh dưỡng cho vườn dừa. Đồng thời, ngành nông nghiệp tiếp tục khuyến cáo các hộ và người dân sử dụng các phụ phế phẩm tái sử dụng cho dừa như: tàu lá dừa, chà dừa đậy phủ liếp, nhằm giữ ẩm cho đất và cung cấp dinh dưỡng vườn dừa. Riêng mụn dừa thì kết hợp với phân chuồng trong chăn nuôi của hộ dân để ủ hoai. Sau đó, bón lại cho dừa, nhằm giảm chi phí đầu vào trong sản xuất.

Mở rộng diện tích dừa hữu cơ

Đại biểu HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Thảo - Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Bắc đặt vấn đề liên quan đến diện tích sản xuất dừa hữu cơ 20.401ha, chiếm 25,7% diện tích dừa của tỉnh (20.401/79.085ha). Trong đó, diện tích dừa được chứng nhận sản xuất hữu cơ 12.979ha, chiếm 18,5% tổng diện tích dừa của tỉnh so với yêu cầu phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ theo Nghị quyết của Tỉnh ủy về tiến độ xây dựng chậm, kết quả đạt được thấp.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh: Căn cứ mục tiêu cụ thể Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030, diện tích dừa hữu cơ đạt 20.000ha. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 20.401ha, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Thời gian tới, để mở rộng diện tích dừa hữu cơ, Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương thực hiện các giải pháp: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các chính sách về sản xuất nông sản theo chuỗi, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm, nhất là Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Phối hợp với địa phương xây dựng kế hoạch phát triển hình thành vùng sản xuất hữu cơ tập trung, gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo truy xuất nguồn gốc trên địa bàn. Xây dựng, thực hiện thí điểm các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ, sản phẩm được cấp giấy chứng nhận hữu cơ theo quy định.

Giải quyết khó khăn cho xuất khẩu dừa tươi

Đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh đặt câu hỏi: Gần đây, xuất khẩu dừa tươi (dừa uống nước) đang có nhiều cơ hội nhưng vẫn còn khó khăn, thách thức. Ngành công thương có giải pháp hay đề xuất gì giải quyết các khó khăn, tạo điều kiện cho xuất khẩu dừa tươi của tỉnh trong thời gian sắp tới.

Thu hoạch dừa ở huyện Giồng Trôm. Ảnh: Phương Thảo

Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Quỳnh Nga cho biết: Vào tháng 10-2024, trái dừa tươi của Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, tạo cơ hội lớn cho ngành dừa Việt Nam nói chung và tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, việc xuất khẩu dừa tươi vào thị trường này đòi hỏi đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe như trong Nghị định thư đã ký kết.

Hiện nay, diện tích trồng dừa ở tỉnh còn nhỏ lẻ, phân tán; kỹ thuật chăm sóc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa đáp ứng yêu cầu khắt khe về mã số vùng trồng từ các nhà nhập khẩu, gây khó khăn trong việc đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Để giúp nông dân trồng dừa có đầu ra ổn định và bền vững, DN có nguồn hàng và thị trường xuất khẩu ổn định, Sở Công Thương đề xuất thực hiện một số giải pháp sau: Sở sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn và hội thảo có sự tham gia của nông dân và DN trồng, chế biến dừa, nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích của xuất khẩu dừa tươi trực tiếp, các yêu cầu từ thị trường nhập khẩu và sự quan trọng của liên kết chuỗi giá trị. Thường xuyên cập nhật các thông tin, quy định về xuất nhập khẩu dừa từ các quốc gia khác nhau để kịp thời cung cấp cho các DN chế biến, xuất khẩu dừa. Đồng thời, khuyến khích DN tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ dừa, góp phần vào tăng trưởng bền vững cho ngành dừa cũng như ngành nông nghiệp địa phương.

Phát triển công nghiệp chế biến dừa

Đại biểu HĐND tỉnh Trần Văn Của - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Thạnh Phú cho rằng, tiềm năng kinh tế cây dừa lớn nhưng giá trị kinh tế mang lại từ ngành dừa chưa lớn do công nghiệp chế biến ngành dừa chậm phát triển. Tỷ lệ sơ chế, bán thô còn cao. Vậy, cần có giải pháp then chốt nào để phát triển mạnh ngành dừa của tỉnh.

Dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ dừa tại Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới. Ảnh: Cẩm Trúc

Theo Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Quỳnh Nga, tỉnh đã xác định cây dừa là cây trồng chủ lực. Để đẩy mạnh phát triển ngành dừa của tỉnh trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước và các DN, cơ sở ngành dừa cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu và phát triển thêm các sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường xuất khẩu. Đầu tư công nghệ tiên tiến, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm dừa, tạo ra giá trị gia tăng cao và giảm giá thành sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở chế biến trong việc đổi mới thiết bị, cải tiến mẫu mã và bao bì để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Tập trung phát triển vùng trồng dừa quy mô lớn, đảm bảo chất lượng nguyên liệu cung ứng cho chế biến, đặc biệt là dừa hữu cơ. Hỗ trợ các DN trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu dừa; đẩy mạnh tiêu thụ trong nước.

Trần Quốc (lược ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN